“Thời gian này, nhà trường chúng tôi cũng đang tổ chức tập huấn cho giáo viên ở các khối lớp, đặc biệt là ở 7 và lớp 10. Khi tiếp cận chương trình mới này, bản thân tôi thấy khá hào hứng và cũng đã tự tìm hiểu từ rất lâu, cũng rất may mắn khi tôi được lựa chọn để dạy lớp thực nghiệm sách giáo khoa mới.
Theo cảm nhận riêng của mình, để đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh thì không thể nào chỉ qua một bài học, mà phải trải qua cả một quá trình dài. Mỗi bài học đều góp phần hình thành dần dần những phẩm chất này cho mỗi học sinh. Mỗi bộ môn hay mỗi chương trình dạy, thầy cô giáo đều sử dụng rất nhiều công cụ để đánh giá, ví dụ: Có giáo viên dùng phiếu đánh giá theo từng tiêu chí, có người đánh giá theo sản phẩm của học sinh như hồ sơ nhật kí, bản ghi chép, bộ câu hỏi,…
Nhưng với tôi thì khá đơn giản, môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật của tôi khá đặc thù, căn cứ vào đối tượng học sinh tôi đánh giá thông qua chính câu trả lời, thông qua chính thái độ, hành vi, việc làm, sự hợp tác của các em trên lớp, hoặc thông qua các hoạt động phản biện.
Bản thân tôi cũng hay lựa chọn phương pháp đánh giá thông qua sản phẩm học tập như: Học sinh có thể làm album, video, viết một bài luận, làm một đề tài nghiên cứu khoa học, viết sách, vẽ truyện tranh,…”, cô Nghiêm Thị Thu Trang - Giáo viên dạy môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật của Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Cô Nghiêm Thị Thu Trang - Giáo viên dạy môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Theo cô Trang: “Tôi cũng như các thầy cô giáo tự đưa ra tiêu chí đánh giá riêng của mình, chứ không hoàn toàn có một công cụ mẫu nào cụ thể, nếu đánh giá theo tiêu chí cũ thì khá máy móc và có phần áp đặt vì nhận thức và sự hiểu biết của học sinh ở mỗi vùng miền thường không đều nhau. Đánh giá năng lực phẩm chất học sinh mà lại dựa theo một khuôn mẫu chung sẽ không chính xác.
Khi giáo viên nghe học sinh trả lời là đã có thể cảm nhận được học sinh đã hiểu và thay đổi hay chưa, tiến bộ thế nào. Thái độ của học sinh ban đầu có thể thờ ơ, nhưng càng về sau càng tích cực hơn, hào hứng tham gia,…như vậy các thầy cô có thể đánh giá được ngay.
Ngoài việc, giáo viên tự cảm quan về học sinh, các nhóm có sản phẩm học tập cũng có thể tự đánh giá sau khi các em báo cáo, hoặc giữa các nhóm có sự đánh giá lẫn nhau, giáo viên sẽ là người đánh giá cuối cùng. Theo tôi như vậy sự đánh giá sẽ tương đối chính xác với từng học sinh, từng nhóm làm việc.
Có thể nói, việc để thầy cô linh hoạt trong cách đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh đã được nhóm tác giả sách giáo khoa “ngầm” gửi vào qua những bài giảng, sự linh hoạt khi đánh giá học sinh ở khắp các vùng miền sẽ sát với thực tế hơn, không thể đánh giá học sinh trường này phải giống như học sinh trường kia, hoặc khu vực này phải bằng khu vực kia. Học sinh của ngày hôm nay đã tiến bộ hơn ngày hôm qua, như vậy đã là thành công rồi”.
Cô Trang cho biết: “Được dạy thực nghiệm 2 tiết môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật ở lớp 10, cũng có thuận lợi khi tôi được đào tạo chuyên ngành Kinh tế Chính trị, và bản thân đã có sự tìm hiểu trước từ rất lâu về chương trình. Các hoạt động đều có phần mở đầu, khám phá, luyện tập, vận dụng. Tác giả đã có những gợi ý rất hấp dẫn cho từng hoạt động, ví dụ: Quan sát tranh, nghe một tác phẩm âm nhạc, tham gia một trò chơi, giải quyết một tình huống, nghe một câu chuyện,…
Nhưng theo tôi, cũng sẽ có nhiều thầy cô giáo sẽ gặp khó khăn khi triển khai dạy môn học này, bởi nhiều thầy cô chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, những giáo viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm bởi đây là cả một chương trình mới hoàn toàn khác hẳn so với chương trình hiện hành.
Sự thành công của chương trình mới sẽ phụ thuộc phần lớn ở các thầy cô, nếu không hiểu, không cảm nhận được thì không thể truyền đạt đến học sinh”.
Học sinh lớp 10 Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) trong tiết dạy thực nghiệm môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật. Ảnh: NVCC. |
Nội dung chương trình mới, học sinh có bỡ ngỡ ?
Chương trình mới hoàn toàn như vậy, học sinh sẽ cảm nhận và tiếp thu kiến thức ra sao? Về vấn đề này, theo cô Trang: “Bản thân tôi thực dạy, cũng như các giáo viên tham dự giờ, cùng thầy cô chủ nhiệm đều có chung nhận định là các em học sinh khi được học nội dung chương trình mới đều có sự tiếp nhận tốt, rất hào hứng.
Ngay như cách tác giả lựa chọn các tình huống rất gần gũi thiết thực với đời sống hàng ngày. Kiến thức vừa tích hợp nội môn, vừa tích hợp liên môn giúp các em có nhiều hoạt động như mỹ thuật, sáng tác truyện, âm nhạc,…điều này khiến học trò khá hứng thú.
Cách tiếp cận với kiến thức, nhưng giáo viên không còn là người truyền thụ tri thức một chiều đơn thuần mà định hướng, dẫn lối cho học sinh tự tìm hiểu, khám phá, gợi ý cho giáo viên có những cách tiếp cận hứng thú hơn so với trước đây. Học sinh tự bày tỏ ý kiến, phản biện, nêu quan điểm, rèn kĩ năng, phát triển phẩm chất năng lực cũng từ đây mà ra”.
Cô Nghiêm Thị Thu Trang - Giáo viên dạy môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) trong giờ dạy thực nghiệm. Ảnh: NVCC. |
Đổi mới cách tiếp cận kiến thức trên lớp
Cô Trang chia sẻ: “Sự đổi mới rõ nét nhất là cách tiếp cận kiến thức trên lớp của học sinh, học sinh được hoạt động nhiều hơn thay vì chỉ ngồi nghe và ghi chép, mỗi bài được tiếp cận rõ ràng với 4 phần.
Với phần mở đầu, giáo viên có thể tổ chức mini game, hoặc một trò chơi nào đó với mục đích “khởi động” tinh thần học sinh, lôi kéo các em có hứng thú vào bài học mới, giúp học sinh nhận thấy sự cần thiết của môn học.
Tiếp theo là hoạt động khám phá. Lúc này thầy cô cho học sinh chiếm lĩnh tri thức qua rất nhiều hình thức khác nhau, có thể đặt học sinh vào một tình huống vấn đề, cho các em nghe một câu chuyện,…để từ đó khám phá ra những thông tin mà nếu chỉ nhìn qua khó có thể phân biệt được đúng sai. Theo tôi đánh giá thì đây là phần rất quan trọng trong nền kiến thức mới khi học sinh tìm hiểu.
Sau khi các con khám phá, lúc này đến phần luyện tập và vận dụng. Các con vận dụng những phần kiến thức, kĩ năng vừa được học để củng cố bài tập, tham gia giải quyết những tình huống giả định. Khâu này là bước tiếp theo cuối cùng thực hiện trong chuỗi hoạt động cuối bài học, và cũng nhằm đánh giá sự tiếp thu kiến thức, đánh giá năng lực, phẩm chất của mỗi học sinh”.