Học sinh nghiên cứu hành vi tiêu dùng để bảo vệ môi trường giành giải Nhất KHKT

03/04/2022 06:48
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghiên cứu khoa học đòi hỏi người thực hiện phải có tính sáng tạo, tìm ra được điểm mới, có thể về mô hình, về phương pháp mới so với những đề tài trước đó.

“Từ suy nghĩ đến thực trạng tiêu dùng của thanh niên hiện nay, ai cũng sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày, dùng rất nhiều và vứt cũng rất nhiều gây ô nhiễm môi trường sống. Qua nghiên cứu các tài liệu về môi trường, em nhận thấy những túi nilon, đồ nhựa đó sau khi vứt ra môi trường thì phải đến hàng trăm năm mới phân hủy, thậm chí còn lâu hơn nữa.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên em làm các nghiên cứu, năm lớp 11 em cũng đề tài nghiên cứu đạt giải nhì cấp thành phố về lĩnh vực khoa học hành vi, sau đó em ấp ủ và triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên”, đề tài này là 1 trong 12 giải Nhất cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2021-2022”, em Phạm Nguyễn Quang Huy, học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

(Từ trái qua phải) Thầy Trần Văn Huy - Tổ trưởng tổ Tự nhiên. Học sinh Phạm Nguyễn Quang Huy, học sinh Phạm Nguyễn Gia Bảo. Cô Cao Thanh Nga - Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

(Từ trái qua phải) Thầy Trần Văn Huy - Tổ trưởng tổ Tự nhiên. Học sinh Phạm Nguyễn Quang Huy, học sinh Phạm Nguyễn Gia Bảo. Cô Cao Thanh Nga - Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo em Huy: “ Đề tài này thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi, đồng hành thực hiện với em là Phạm Nguyễn Gia Bảo, học sinh lớp 10 cùng trường cùng thực hiện nghiên cứu gần một năm nay. Mỗi người được phân chia một mảng dự án, nghiên cứu hành vi của con người, dựa trên lí thuyết, phân tích số liệu và phán đoán hành vi thông qua ý định, và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến các hành vi đó. Việc đánh giá số liệu này dựa trên các bảng hỏi với 5 mức đánh giá, đây là bảng đánh giá rất phổ biến trong lĩnh vực nghiên cứu hiện nay.

Khi thực hiện, khó khăn lớn nhất mà chúng em gặp phải là việc khảo sát, đối tượng nghiên cứu của đề tài này là thanh niên độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi, chính vì vậy mà cần rất nhiều phản hồi ý kiến từ các bạn.

Ngoài việc được sự hỗ trợ tận tình theo sát từ nhiều thầy cô giáo trong nhà trường, em cũng đã nhận được giúp đỡ từ một số chuyên gia, giáo viên từ các trường, Tiến sĩ từ các học viện nghiên cứu hướng dẫn giúp đỡ tận tình trong việc phân tích, thống kê số liệu để chạy phần mềm, đặc biệt là thầy Trần Văn Huy - Tổ trưởng tổ Tự nhiên đã đồng hành lãnh đội hướng dẫn dự án và giúp đỡ chúng em rất nhiều trong việc vận hành tìm dữ liệu khảo sát trong cộng đồng.

Dựa trên nghiên cứu của đề tài, đội học sinh nghiên cứu tự đưa ra bảng hỏi và dùng google form gửi đường Link cho từng người để mọi người điền vào trả lời các câu hỏi. Sau khi thu thập các ý kiến và tổng kết lại, em nhận thấy đa số các bạn đều có thói quen tiêu dùng gây hại cho môi trường, có khoảng 60% các bạn sau khi đi chợ về vẫn dùng túi nilon nhưng không biết cách tái chế, khoảng 58% các bạn dùng đồ ăn nhanh, hầu hết các bạn đều chưa nhận biết được sản phẩm nào có thể tái chế, và đâu là sản phẩm thân thiện bảo vệ môi trường”.

Những sản phẩm được tái chế từ nguyên liệu nhựa của các học sinh trong Câu lạc bộ Handmade vì cộng đồng - Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Những sản phẩm được tái chế từ nguyên liệu nhựa của các học sinh trong Câu lạc bộ Handmade vì cộng đồng - Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

5 biện pháp chỉ ra thói quen tiêu dùng có hại

Em Phạm Nguyễn Gia Bảo, người cùng thực hiện dự án cho biết: “Sau khi có được các con số qua khảo sát, tổ nghiên cứu của em đưa ra 5 biện pháp. Và trên thực tế các bạn có thể cải thiện được tình trạng này.

Thứ nhất, thành lập một trang Fanpage để tuyên truyền các hành vi tiêu dùng có trách nhiệm, tại đây sẽ đăng tải các video, hình ảnh về những sản phẩm nhựa dùng 1 lần có tác hại ra sao khi bị bỏ ra môi trường sống. Cách nhận biết những sản phẩm có hại, những sản phẩm có thể tái chế, cách tái chế và những hướng dẫn cách tiêu dùng có ích với môi trường sống.

Thứ hai, tổ chức lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt đoàn về chủ đề tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tại các buổi sinh hoạt này, em thuyết trình về khái niệm hành vi tiêu dùng, về cách thức triển khai thế nào lành hành vi tiêu dùng và thực hiện hành vi này thế nào cho có lợi với môi trường. Qua những lần thuyết trình đó, các bạn đã có sự hiểu biết đúng đắn hơn, đồng thời được xem những hình ảnh mô tả những hành vi có tác hại đến môi trường, nhận thấy tầm quan trọng của từng cá nhân trong xã hội với việc tham gia bảo vệ môi trường.

Thứ ba, tổ chức rất nhiều buổi tọa đàm về các hành vi tiêu dùng, thế nào là có trách nhiệm và chưa có trách nhiệm. Nhưng vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chỉ tổ chức các buổi tọa đàm trực tuyến, nhưng cũng rất vui khi các bạn trong độ tuổi nghiên cứu của đề tài tham dự rất đông, em là người đứng ra nói chuyện, trao đổi giải đáp những thắc mắc của các bạn về các hành vi tiêu dùng, về cách hạn chế sử dụng túi nhựa dùng 1 lần, cách nhận biết đâu là những sản phẩm thân thiện. Ngoài ra, em cũng nói đến tác hại của những sản phẩm nhựa này tác hại đến môi trường ra sao và cách phòng tránh.

Thứ tư, thành lập Câu lạc bộ Handmade vì cộng đồng, tạo môi trường cho các bạn trong nhà trường phát triển hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Cho đến nay, câu lạc bộ này đã hoạt động được gần 1 năm tại trường và cũng được rất nhiều bạn tham gia hoạt động tích cực.

Từ những sản phẩm nhựa bỏ đi như chai, túi nilon,…dùng 1 lần đã được tái chế thành những sản phẩm như chậu trồng cây, lọ hoa, ống đựng bút, đồ dùng học tập, đồ chơi, chụp đèn mầu,…qua bàn tay các bạn trong câu lạc bộ, những sản phẩm bỏ đi đó đã thành những vật dụng có ích, thay vì chỉ vứt bỏ ra môi trường sau khi sử dụng.

Nhà trường đã rất ủng hộ và dành một phòng riêng cho câu lạc bộ này, vào các buổi chiều rất nhiều bạn trong trường tham gia các buổi chuyên đề, và các câu lạc bộ sở thích. Chính vì vậy Câu lạc bộ Handmade vì cộng đồng thu hút được rất nhiều bạn tham gia, điều này khiến cho chúng em rất vui vì đã lan tỏa được tinh thần bảo vệ môi trường đến các bạn học sinh cùng trang lứa.

Thứ năm, thay đổi thói quen tiêu dùng. Tổ em quay một video nói về các hành vi tiêu dùng, từ khâu mua sản phẩm, đến khâu sử dụng, và đẩy mạnh tuyên truyền việc sau khi sử dụng những sản phẩm nhựa đó bằng cách tái chế. Những video này được phát trên trang Fanpage để tuyên truyền các hành vi tiêu dùng có trách nhiệm”.

Em Huy cho biết: “Thông qua dự án này, nhóm em muốn các bạn trẻ thay đổi hành vi tiêu dùng của bản thân để góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống. Hơn nữa, nếu các bạn trẻ thay đổi được thói quen tiêu dùng này thì tự khắc các nhà sản xuất cũng sẽ dựa vào những ý định tiêu dùng của các bạn trẻ để đưa ra hướng sản xuất những sản phẩm có ích hơn với môi trường. Như vậy là dự án đã tác động vào hành vi của người dùng và chắc chắn sẽ có tác động đến một chuỗi mắt xích của các nhà sản xuất”.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) tham gia buổi nói chuyện về hành vi tiêu dùng có hại với môi trường Ảnh: NVCC.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) tham gia buổi nói chuyện về hành vi tiêu dùng có hại với môi trường Ảnh: NVCC.

Phải có tính sáng tạo, tìm ra được điểm mới trong nghiên cứu

Thầy Trần Văn Huy - Tổ trưởng tổ Tự nhiên Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, người lãnh đội dự thi Khoa học kĩ thuật cho biết: “Các chủ đề nghiên cứu liên quan đến môi trường lúc nào cũng rất “nóng”, và có nhiều tác nhân gây nên sự ô nhiễm, đặc biệt nó liên quan rất nhiều đến vấn đề tiêu dùng, sinh hoạt của con người. Việc nghiên cứu các hành vi rồi từ đó đưa ra những quyết định bảo vệ môi trường là hướng đi đúng.

Khi nghiên cứu đề tài này, cả thầy và trò đều gặp cùng một khó khăn bởi dịch Covid-19, vì vậy mọi sự trao đổi đều qua hình thức trực tuyến, từ đó dẫn đến việc gặp và khảo sát xã hội cũng khó hơn. Nếu bình thường, các con có thể đi đến tận nơi gặp từng người để khảo sát, tổ chức các buổi trao đổi,…

Tuy nhiên vì dịch bệnh nên muốn khảo sát được các đối tượng nằm trong phạm vi nghiên cứu đều phải thông qua nhắn tin, gọi điện nên mất khá nhiều công sức, rồi tranh thủ những thời gian được quay trở lại trường để thực hiện công việc nghiên cứu, việc này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước thì mới có thể tiến hành được.

Ngoài ra, kiến thức liên quan đến việc xử lý dữ liệu đòi hỏi rất sâu nên bắt buộc các con phải có sự tư vấn của nhiều chuyên gia, từ đó các con mới đưa ra cách riêng của mình bởi trong trường phổ thông các con chưa được học những kiến thức như vậy”.

Thầy Huy nhận xét: “Học sinh Phạm Nguyễn Quang Huy và Phạm Nguyễn Gia Bảo khá thông minh, chịu khó đọc và nghiên cứu tài liệu và đặc biệt khi làm nghiên cứu khoa học là các con phải tìm tòi chủ động hoàn toàn, nếu không sẽ khó mà đạt được kết quả. Kiến thức khoa học rất rộng, liên quan nhiều vấn đề và bản thân tôi là giáo viên phổ thông cũng chưa thể biết hết được.

Trong suốt quá trình nghiên cứu từ sơ khai và qua 5 lượt bảo vệ đề tài từ trong nhà trường cho đến vòng thi Quốc gia, và chuẩn bị thi quốc tế, tôi nhận thấy các con có tiến bộ rất nhiều, từ kĩ năng thuyết trình trước hội đồng các nhà khoa học, kĩ năng phản biện, viết báo cáo, tổng kết số liệu, lập kế hoạch,…đều do các con tự hoàn thiện.

Riêng về nghiên cứu khoa học đòi hỏi người thực hiện phải có tính sáng tạo, tìm ra được điểm mới của đề tài, có thể là về mô hình, về phương pháp mới so với tất cả những đề tài trước đó để từ đó khẳng định bản thân cũng như nâng tầm của đề tài đang thực hiện. Khác với việc làm các dự án thông thường là chăm chỉ làm theo đúng yêu cầu là được”.

Tùng Dương