Ngày 14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 để lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành chính thức.
Một trong những điểm mới của dự thảo đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lọc ảo chung tất cả các phương thức xét tuyển. Nhiều ý kiến cho rằng, việc làm này có thể ảnh hưởng tới quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường cũng như quyền lợi của thí sinh.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trong các năm qua, quy chế đã quy định cụ thể việc các trường phải chủ động xét tuyển trên cơ sở các nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký, kết quả xét tuyển của trường được đưa lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung và sau khi xử lý nguyện vọng cho kết quả thí sinh chỉ trúng một nguyện vọng cao nhất.
Chính vì vậy, nhận định về việc hạn chế quyền lựa chọn của các thí sinh hoặc hạn chế quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh là chưa chính xác ở nhiều góc độ khác nhau.
Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Thực tế những năm qua, một số trường đơn phương hoặc thống nhất với thí sinh về việc thí sinh trúng tuyển nhưng không tải danh sách lên hệ thống để loại ra trước khi xử lý nguyện vọng.
Việc cùng một lúc một thí sinh đỗ ở nhiều trường khác nhau ở các phương thức xét tuyển khác nhau sẽ dẫn tới tình trạng gia tăng số thí sinh ảo, thực tế là làm mất đi cơ hội trúng tuyển của những em khác đang có cùng nguyện vọng vào các trường/các ngành tương ứng mà cuối cùng thí sinh ban đầu lại không lựa chọn.
"Hiệu ứng domino còn mang lại ảnh hưởng nặng nề hơn, tới nhiều thí sinh khác phía sau. Cần lưu ý, hàng năm có gần một triệu thí sinh tham gia xét tuyển vào đại học, trong khi số lượng chỉ tiêu tuyển sinh trên toàn hệ thống là khoảng 550.000. Hơn nữa, các trường càng khó dự đoán số thí sinh thực sự sẽ nhập học để đưa ra các quyết định tuyển sinh phù hợp, như vậy lại càng ảnh hưởng mạnh mẽ tới kết quả tuyển sinh", Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, đối với hệ thống xử lý nguyện vọng cho mọi phương thức xét tuyển, thí sinh sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất có thể mà mình đã lựa chọn. Thí sinh không phải lo lắng về việc nếu chấp nhận nhập học sớm ở trường này theo phương thức xét tuyển này thì có thể lỡ mất cơ hội được vào học ở trường mà mình yêu thích hơn theo phương thức xét tuyển khác.
Việc xử lý lọc ảo chung các nguyện vọng xét tuyển năm 2022 không ảnh hưởng đến quyền tự chủ, công tác tuyển sinh của trường. Các trường phải chủ động tiếp nhận và xử lý thông tin dữ liệu của thí sinh khi các em đăng ký xét tuyển theo các phương thức (ngoài xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông) của nhà trường như hàng năm.
Khi xét thấy thí sinh đã trúng tuyển theo các phương thức đó, trường có thể thông báo cho thí sinh biết (trừ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông). Về phía thí sinh, nếu ngành trúng tuyển là sự lựa chọn của bản thân, các em có thể điều chỉnh thứ tự nguyện vọng phù hợp để hoàn thành quy trình xét tuyển.
Bên cạnh đó, việc xử lý lọc ảo các nguyện vọng của thí sinh năm 2022 cũng sẽ khắc phục triệt để tình trạng một số trường có thể gây khó cho thí sinh khi yêu cầu nhập học sớm, yêu cầu nộp trước các khoản phí giữ chỗ khi xác nhận nhập học...
Chia sẻ thêm về việc các trường bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, dự thảo quy chế cũng đã quy định: “Việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo”.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.
"Thực tế, các cơ sở giáo dục đại học đều đang nỗ lực thực hiện ngày càng tốt hơn việc công khai, minh bạch trong công tác tuyển sinh, giải trình đối với các bên liên quan và xã hội.
Có thể nói quy chế tuyển sinh và các văn bản pháp luật khác đều có quy định xử lý trong trường hợp cơ sở giáo dục tuyển sinh không minh bạch, gây bất lợi cho thí sinh... Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc đảm bảo công bằng, tôn trọng quyền lợi của thí sinh sẽ là cách thức tốt nhất để mang lại uy tín và niềm tin của xã hội đối với các trường", Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy cho hay.
Hiện nay, dự thảo quy chế tuyển sinh được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến và tiếp thu, hoàn thiện dự thảo theo hướng có lợi nhất, phù hợp nhất đối với thí sinh, cơ sở đào tạo và toàn hệ thống nói chung.