Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, Lịch sử sẽ trở thành môn học lựa chọn ở bậc trung học phổ thông. Nhiều chuyên gia đặt vấn đề môn Lịch sử sẽ không được nhiều học sinh lựa chọn, bởi lẽ nhiều năm qua, kết quả môn học này ở Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều bét bảng.
Lịch sử không chỉ là môn học giáo dục về nguồn cội, lòng yêu nước mà còn giúp học sinh rèn luyện tư duy lịch sử, bồi dưỡng đạo đức, nguy cơ môn Lịch sử “vắng bóng” ở những trường học đang trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Vì sao học sinh không yêu môn Lịch sử?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, phương pháp dạy học Lịch sử hiện nay chưa tốt, chưa tạo được sự hứng thú đối với học sinh. Đó cũng chính là lý do nhiều học sinh chưa yêu thích môn học này.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương) |
“Dạy học không đơn thuần là truyền đạt kiến thức Lịch sử, mà còn phải giúp các em hình thành tư duy lịch sử, dạy cách ứng xử của con người từ việc hiểu về quá khứ, đặt mình trong bối cảnh hiện tại và hướng tới tương lai.
Thế nhưng, hiện nay chúng ta dạy học sinh chỉ có mốc thời gian sự kiện, diễn biến trận đánh, bắt các em phải nhớ kiến thức để phục vụ thi cử.
Với cách dạy học khô khan, cứng nhắc như thế thì học sinh sẽ không yêu thích và không lựa chọn môn Lịch sử”.
Theo thầy Nhĩ, để học sinh hứng thú với môn Lịch sử, cần thay đổi phương pháp dạy học.
Thầy cô cần biết cách khơi nguồn cảm hứng để học sinh tự tìm hiểu về Lịch sử, tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm tại các di tích lịch sử, mời những người anh hùng đến kể chuyện Lịch sử cùng các em.
Bên cạnh đó, cần kết hợp sử dụng các tư liệu, thước phim lịch sử quan trọng, quý giá trong quá trình giảng dạy. Thay vì bắt học sinh phải trình bày diễn biến một trận đánh thì nên để học sinh trình bày cảm xúc, cảm nhận và rút ra những bài học từ một sự kiện lịch sử,...
Ngoài ra, cần phải thay đổi cách ra đề thi đối với môn học này. Nếu đề thi chỉ có tính chất kiểm tra kiến thức thì phương pháp học tập sẽ khó thay đổi được.
Chung quan điểm đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, vì không dạy học Lịch sử bằng cảm xúc nên học sinh không yêu thích, hứng thú học tập.
Văn - Triết - Sử bất phân, nghĩa là nội dung dạy học ba môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân phải được tích hợp, lồng ghép với nhau, trong Văn có Sử, trong Sử có Văn,...
Theo cách này, chúng ta vừa thay đổi được phương pháp dạy học, vừa đảm bảo môn Lịch sử không bị “xóa sổ” trong trường học phổ thông.
“Dạy các tác phẩm Nam quốc Sơn Hà, Hịch Tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo,... hay bất cứ tác phẩm văn học nào, thầy cô cũng phải dẫn dắt học sinh đi tìm hiểu bối cảnh lịch sử, những câu chuyện lịch sử, bởi chính Lịch sử đã góp phần tạo nên những áng văn thơ bất hủ ấy.
Đối với môn Lịch sử, từ một sự kiện, thầy cô cũng cần phải đưa học sinh đến với cảm xúc tâm hồn, dạy học sinh về tư duy lịch sử chứ không đơn thuần là kiến thức, số liệu.
Dạy học phải gắn được Văn với Sử, với Giáo dục công dân, như một lẽ tự nhiên, học sinh sẽ yêu và thích học Lịch sử”, thầy Bảo cho biết.
Cần xây dựng chương trình giáo dục có hiệu quả
Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng, bất cứ môn học nào cũng phải dạy học trò về tư duy, giảng dạy về một sự kiện, cuối cùng vẫn cần giáo dục học sinh về tư duy lịch sử.
Không nên để môn Lịch sử đứng độc lập, tách rời và trở thành môn học tự chọn.
Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng cần xem xét việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Ảnh: PM) |
Ngay cả các môn khoa học tự nhiên cũng đã được tích hợp, như dạy học STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán), bởi lẽ, ngày nay, chúng ta không dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức mà là dạy học giải quyết vấn đề.
Và lẽ dĩ nhiên, để giải quyết vấn đề không thể thiếu giáo dục lịch sử, tư duy lịch sử.
Hơn nữa, chúng ta đang giáo dục học sinh trở thành những công dân toàn cầu. Nếu thiếu hiểu biết, thiếu tư duy lịch sử thì không thể trở thành người công dân học tập, công dân toàn cầu được.
Cũng theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, để giải quyết vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc xem xét việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời, phải xây dựng được chương trình giáo dục có hiệu quả với những bộ sách giáo khoa chất lượng.
Khi đã xây dựng được chương trình và sách giáo khoa, nhiệm vụ của người Hiệu trưởng, với vai trò nhạc trưởng, phải tạo cảm hứng dạy học cho mỗi giáo viên. Giáo viên dạy học tích hợp, dạy học sáng tạo thì học sinh mới học tập tích cực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường học xây dựng chương trình dạy học tích hợp đối với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân. Việc làm này cũng quan trọng và thiết thực như việc các trường đang đẩy mạnh giáo dục STEM hiện nay.
Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, giáo dục ở các nước cũng rất chú trọng đến môn Lịch sử. Bởi vì dạy Lịch sử giúp con người ta hiểu về quá khứ, có tư duy lịch sử để có được cách ứng xử đúng đắn.
“Bác Hồ cũng từng căn dặn: ‘Dân ta phải biết sử ta’. Hiểu về Lịch sử cho chúng ta có quyền tự hào và cho chúng ta thấy trách nhiệm của mỗi công dân với đất nước.
Hơn nữa, đã là giáo dục phổ thông, các môn học đều phải được đối xử bình đẳng, nếu không điều này sẽ làm ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh.
Việc đưa Lịch sử thành môn tự chọn là không hợp lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét lại từ trong chương trình cho đến thực tế dạy học Lịch sử hiện nay để có những đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giúp học sinh hứng thú với môn học này. Không phải vì nói rằng mục tiêu hướng nghiệp mà học sinh có thể “loại bỏ” môn Lịch sử.
Lịch sử chính là nền tảng, bất cứ ở một lĩnh vực nào, một công việc gì chúng ta cũng cần biết về quá khứ của nó, từ lịch sử mà chúng ta xây dựng hiện tại và vững bước đến tương lai. Vì vậy, giáo dục phổ thông không thể để ‘vắng bóng’ môn học này”, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm.