Ngày 19/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 1528/BGDĐT-GDTX trình Chính phủ về việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông từ khóa tuyển sinh năm 2022 phải phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên để thực hiện.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, việc học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học lên trung cấp nghề trong thời gian từ 1 đến 2 năm thì không thể vừa hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp, vừa hoàn thành Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông được thiết kế cho 3 năm học.
Trong khi trước đó, vào tháng 9/2021, tại hội nghị "góp ý dự thảo thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo", Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và lãnh đạo các trường Cao đẳng trực thuộc có kiến nghị muốn đảm nhiệm dạy chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông gồm 7 môn học.
Để hiểu hơn về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Đông Phương (cán bộ nghiên cứu Viện khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Tiến sĩ Lê Đông Phương (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Tiến sĩ Lê Đông Phương: Chương trình Giáo dục thường xuyên là chương trình giáo dục phổ thông được rút gọn (từ 14 môn học rút gọn còn 7 môn là Toán, Văn, Lí, Hóa, Sinh, Sử, Địa) nhưng vẫn đòi hỏi về mặt sư phạm là được dạy trong 3 năm và có đầy đủ hệ thống học liệu, bài tập..
Việc dạy chương trình giáo dục Giáo dục thường xuyên thì không phải ai tốt nghiệp đại học đều có thể dạy được, mà đòi hỏi phải là giáo viên tốt nghiệp sư phạm chuyên ngành bộ môn tương ứng như Lý, Hóa...chứ không phải một kỹ sư đứng lên dạy.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có kiến nghị để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dừng dạy chương trình giáo dục thường xuyên, bởi từ năm học 2022-2023 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 tức là sẽ học theo sách giáo khoa mới, thầy cô có phương pháp giảng dạy mới. Và quan trọng nhất là khi triển khai chương trình này thì học sinh được lựa chọn tổ hợp các môn.
Đồng thời, cũng chưa xác định được chương trình dạy giáo dục thường xuyên lựa chọn như nào, liệu các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp liệu có đủ sức trong việc cho học sinh được lựa chọn tổ hợp môn hay không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo không đồng ý để cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy văn hóa là vì phần lớn cơ sở này hiện nay không đủ cơ sở vật chất về điều kiện phòng học, trang thiết bị, đội ngũ.
Chưa kể, đội ngũ giáo viên các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp không thuộc biên chế của ngành giáo dục nên chưa được tập huấn, chưa được chuẩn bị để dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bên cạnh đó, việc chọn sách giáo khoa cũng rất phức tạp rồi mỗi môn học sẽ dùng sách của một nhà xuất bản. Vậy liệu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chạy theo được vấn đề đó không?
Phóng viên: Thực tế hiện nay, Luật Giáo dục 2019 quy định chương trình giáo dục thường xuyên phải được thực hiện với thời lượng đủ 3 năm học. Tuy nhiên, chiếu theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì lại quy định thời gian đào tạo trung cấp với người tốt nghiệp trung học cơ sở chỉ từ 1-2 năm.
Như vậy sẽ không có sự thống nhất dẫn tới việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng học sinh học hệ trung cấp 1-2 năm không thể vừa hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp, vừa hoàn thành Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. Chuyên gia có đánh giá như nào về nhận định trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Tiến sĩ Lê Đông Phương: Đây là một nhận định rất chính xác, bởi trình độ trung cấp như bên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mô tả thì chỉ kéo dài 1-2 năm, học toàn bộ thời gian. Như vậy sẽ không còn thời gian cho nội dung khác, nếu bổ sung thêm 1 năm liệu có dạy được 7 môn hoặc học sinh có tiếp thu nổi hay không?
Chương trình Giáo dục thường xuyên thiết kế cho 3 năm học là có lí phù hợp với tâm sinh lí, tiến độ tiếp thu kiến thức của học sinh.
Việc dạy văn hóa trong 1 năm thay vì 3 năm là câu chuyện rất phi lí của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bởi khi thiết kế chương trình 7 môn này thì người ta đã tính toán rất kĩ. Việc học được đẩy nhanh như vậy thì sẽ không đạt chất lượng và tiếp thu của người học.
Kể cả chương trình Giáo dục thường xuyên hay kiến thức dạy nghề cho học sinh đều có đánh giá đi kèm, nhưng kiểm tra, đánh giá kiến thức phổ thông khác với đánh giá của kĩ năng dạy nghề.
Ví như nếu trong dạy nghề thì người học biết uốn que sắt là đạt, nhưng việc có giải được bài tập Hóa hay không lại là vấn đề khác.
Phóng viên: Thực tế, hiện nay, rất nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp quảng cáo chiêu sinh với thời gian đào tạo ngắn, có phải là để dễ tuyển sinh, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Đông Phương: Thực ra câu chuyện này không phải là mới, mà từ năm 2014 khi Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời, thì nhiều trường trung cấp đã quảng cáo đào tạo 1-2 năm sẽ tốt nghiệp trung cấp như một lợi thế cạnh tranh để tuyển sinh. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là với tấm bằng trung cấp thì các em đi tiếp như nào, họ đã không trả lời được.
Học sinh tốt nghiệp trung cơ sở khi theo học hệ trung cấp 1 năm, thì 16 tuổi các em ra trường đi kiếm việc làm rất khó do chưa đủ tuổi lao động, nên chủ lao động cũng sẽ thận trọng.
Theo đúng Luật Giáo dục nghề nghiệp, chỉ có cách giải quyết cho các em là học tiếp vào cao đẳng, vì cao đẳng chấp nhận cùng ngành. Tuy nhiên, không phải ai có bằng trung cấp cũng học được ngay, mà phải có bằng trung cấp loại giỏi mới học lên cao đẳng.
Vì vậy, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp đề xuất cho phép họ dạy chương trình Giáo dục thường xuyên, tức là người học học chương trình giáo dục thường xuyên và được thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xong thì học cao đẳng, đại học ngay.
Thực tế, họ có cái sai là dùng bằng cấp để thu hút người học, mà không hề nói đến việc sau khi học trung cấp xong sẽ có cơ hội việc làm ra sao, đơn vị nào tuyển dụng...?
Phóng viên: Thực tế hiện nay, nhiều trường cao đẳng quảng cáo tràn lan tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học trong khoảng 4 năm sẽ có bằng cao đẳng. Vậy việc dạy văn hóa của các đơn vị này như nào, thưa chuyên gia?
Tiến sĩ Lê Đông Phương: Với những trường đang đào tạo chương trình 9+ sẽ không dạy chương trình Giáo dục thường xuyên, mà họ chỉ dạy 4 môn văn hóa, đồng thời sẽ nối trung cấp ngay vào cao đẳng. Khi có bằng cao đẳng, người học sẽ học đại học mà không cần bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tuy nhiên trên thực tế, nếu 100 học sinh vào 9+ thì không phải tất cả khi học xong trung cấp đều sẽ được vào thẳng cao đẳng, bởi hệ cao đẳng còn phụ thuộc quyết định chỉ tiêu của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp cấp. Chính vì vậy việc chiêu sinh 9+ học 4 năm có bằng cao đẳng theo tôi là cách chiêu sinh "dối trá", họ đều né từ "có thể" vào cao đẳng, để lẩn tránh trách nhiệm này.
Thực tế hiện nay, nhiều trường cao đẳng đều không mặn mà với hệ trung cấp nên họ thường tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông để học 1-2 năm là có bằng cao đẳng. Đối tượng này khá nhiều vì một năm có khoảng 900.000 học sinh tốt nghiệp lớp 12 (chưa kể số trượt năm trước- phóng viên).
Nếu không dạy học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, mà dạy học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông thì nhà trường sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Phóng viên: Trận trọng cảm ơn ông!