Chương trình “9+ cao đẳng”: Rút ngắn thời gian đào tạo, chất lượng khó đảm bảo

28/04/2022 06:58
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- TS Lê Viết Khuyến nói: “Chương trình đào tạo ‘9 + cao đẳng’ đang có nhiều dấu hiệu phạm luật và làm dấy lên những lo ngại đáng báo động về chất lượng đào tạo”.

Sự xuất hiện của chương trình đào tạo “9+ cao đẳng” và phương thức đào tạo của chương trình này khiến nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, khi đối chiếu với các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng như với Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED-2011 (do UNESCO ban hành, có hiệu lực từ năm 2014), có thể thấy rõ chương trình đào tạo "9 + cao đẳng” đang có nhiều dấu hiệu phạm luật và làm dấy lên những lo ngại đáng báo động về chất lượng đào tạo.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, chương trình "9+ cao đẳng" đang làm dấy lên những lo ngại về chất lượng đào tạo. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, chương trình "9+ cao đẳng" đang làm dấy lên những lo ngại về chất lượng đào tạo. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Cụ thể, nguồn tuyển của chương trình “9 + cao đẳng" là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, 2 năm sau (tương đương lớp 11) được cấp bằng trung cấp, năm học tiếp theo (tương đương lớp 12) tập trung học văn hóa để hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nửa năm cuối lấy được bằng cao đẳng. Sau đó người học có thể học liên thông lên đại học với thời gian 1,5 năm.

Nhìn lại lịch sử giáo dục Việt Nam cũng như trong các luật về giáo dục của Việt Nam từ trước đến nay, chúng ta chưa hề có điều luật hay quy định nào cho đào tạo vượt cấp từ trung học cơ sở lên cao đẳng, đại học.

Đối chiếu với những chương trình đào tạo ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn quốc, Đài loan, thời gian đào tạo của họ là 5 năm, bao gồm 3 năm đào tạo chương trình trung học nghề và 2 năm đào tạo chương trình cao đẳng.

Trong khi đó, ở Việt Nam, chương trình “9 + cao đẳng" của các trường cao đẳng tuy chỉ kéo dài 3,5 năm nhưng vẫn cấp cho người học các bằng trung cấp, trung học phổ thông và cao đẳng. Việc rút bớt thời gian đào tạo một cách “khó hiểu” như vậy đặt ra câu hỏi: các trường làm sao có thể đảm bảo chất lượng đào tạo?

Đào tạo “siêu tốc”, trái quy định pháp luật

Không chỉ đặt ra những lo ngại về chất lượng đào tạo, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến còn cho biết, đào tạo theo kiểu chương trình “9+ cao đẳng” là trái với quy định của pháp luật.

Thứ nhất, Điều 28 Luật Giáo dục 2019 quy định: “Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở”. Nhưng theo “sáng kiến” chương trình “9 + cao đẳng", thời lượng dành cho chương trình trung học phổ thông không quá 2 năm.

Trình độ trung cấp nghề ở chương trình “9 + cao đẳng” nói chung thấp hơn trình độ trung cấp nghề của Việt Nam, lại càng thấp hơn so với trung học nghề ở các nước. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trình độ trung cấp nghề ở chương trình “9 + cao đẳng” nói chung thấp hơn trình độ trung cấp nghề của Việt Nam, lại càng thấp hơn so với trung học nghề ở các nước. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Rõ ràng, thời gian đào tạo theo chương trình 9+ đã trái với quy định của Luật Giáo dục 2019.

Vấn đề đặt ra là, thời gian học rút gọn như vậy, người học sẽ không đủ điều kiện để được dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia (theo đúng khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục: “Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”).

Thứ hai, theo chương trình “9 + cao đẳng", thời lượng dành cho dạy nghề là không quá 1 năm, trong khi Điều 33 Luật giáo dục nghề nghiệp quy định: Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo”.

ISCED-2011 cũng quy định rõ, thời gian đào tạo để đạt tới trình độ trung học nghề là 2-3 năm (thường là 3 năm với hệ thống giáo dục có thời gian giáo dục phổ thông 12 năm, như Việt Nam).

Như vậy, theo ISCED-2011, trình độ trung cấp nghề ở chương trình “9 + cao đẳng” nói chung thấp hơn trình độ trung cấp nghề của Việt Nam, lại càng thấp hơn so với trung học nghề ở các nước.

Thứ ba, đối với chương trình “9 + cao đẳng" thời gian dành cho học cao đẳng chỉ là 0,5 năm, trong khi quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật giáo dục nghề nghiệp là 1-2 năm (đối với người có cả bằng trung cấp và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông), còn theo ISCED-2011 thì thời gian này tối thiểu là 2 năm.

Trình độ cao đẳng ở chương trình “9 + cao đẳng” khá thấp so với trình độ cao đẳng ở Luật giáo dục nghề nghiệp và rất thấp so với trình độ cao đẳng theo ISCED-2011.

Với trình độ thấp như vậy, sản phẩm của chương trình “9+ cao đẳng” không đủ điều kiện để được đào tạo liên thông lên trình độ đại học chỉ với thời gian 1,5 năm.

“Trước những vấn đề bất cập tồn tại trên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Vụ Trung học phổ thông và các Sở giáo dục khẩn trương rà soát lại chương trình “9 + cao đẳng" và không cho phép những học sinh theo học chương trình này được nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông và không được dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần chỉ đạo Vụ Giáo dục đại học và các trường đại học trên toàn quốc không tiếp nhận những người theo học chương trình "9 + cao đẳng” vào học các chương trình liên thông đại học”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết.

Phạm Minh