GS.Nguyễn Văn Tuấn: "Mục đích đào tạo tiến sĩ không phải cho bộ máy công quyền"

11/05/2022 06:36
Đặng Lường
GDVN- Học tiến sĩ vì muốn theo đuổi sự nghiệp hành chính, quản trị kinh doanh, hay các chức vụ hành chính...thì e rằng đó là sai lầm.

Vừa qua dư luận xôn xao về một số luận án tiến sĩ “cầu lông” hay 16 luận án kiểu "Quá trình chuyển biến kinh tế xã hội tỉnh ..." của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Giáo sư Y khoa của Đại học New South Wales, Giáo sư của Đại học Công nghệ Sydney, và Adjunct professor (Giáo sư kiêm nhiệm) dịch tễ học và thống kê thuộc Đại học Notre Dame.

Phóng viên: Từ những lùm xùm về luận án tiến sĩ vừa qua, Giáo sư đánh giá như thế nào về chất lượng, cách đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay? Đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài có sự khác biệt gì so với Việt Nam không, thưa ông?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn:Tôi không đánh giá được vì không có những dữ liệu cụ thể. Tuy nhiên, phẩm chất đào tạo tiến sĩ, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội, đã là một vấn đề được nêu ra từ cả 20 năm trước.

Từ hơn 15 năm trước, đã xuất hiện những luận án với những chủ đề na ná nhau, chỉ khác nơi làm nghiên cứu. Rồi những đề tài nghiên cứu tiến sĩ làm công chúng trố mắt ngạc nhiên vì dường như tính khoa học không mấy cao.

Còn quy trình đào tạo tiến sĩ ở chúng ta thì khác nhiều so với các nước phương Tây. Chẳng hạn như ở Úc, các nghiên cứu sinh tiến sĩ phải học toàn thời gian (giống như người đi làm) dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của giáo sư, còn ở Việt Nam tôi thấy quy định đào tạo khá lỏng lẻo vì nghiên cứu sinh vừa học mà vẫn đi làm, hình như không khác mấy giữa học và làm.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ảnh:giaoduc.net.vn)

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ảnh:giaoduc.net.vn)

Các đại học Úc không có buổi lễ bảo vệ luận án, mà luận án được gửi cho các giáo sư ngoài trường đại học (kể cả nước ngoài) để bình duyệt. Tuy không viết ra trên giấy trắng mực đen, nhưng các nghiên cứu sinh ở Úc đều phải công bố ít nhất 2 bài báo khoa học trước khi được phép viết luận án. Ở Việt Nam, các nghiên cứu sinh phải gửi 50 phiếu xin ý kiến nhận xét luận án tóm tắt của nghiên cứu sinh, còn ở các nước phương Tây thì không có quy định này.

Đây không phải lần đầu tiên dư luận bàn về vấn đề này, tuy nhiên gần đây dư luận đang có những cái nhìn sâu hơn về chất lượng đào tạo tiến sĩ nhờ chủ trương công khai thông tin của các cơ quan quản lý. Vậy Giáo sư đánh giá như thế nào về chủ trương này?

Giáo sư Nguyễn văn Tuấn: Chủ trương công khai luận án đã được đề nghị từ hơn 20 năm trước, nhưng chỉ mới thực hiện gần đây. Thật ra, chủ trương này cũng bình thường trong học thuật, vì các đại học phương Tây đã làm như vậy lâu rồi.

Dĩ nhiên, công bố luận án là một tiến bộ vì nó giúp công chúng có thể biết tầm quan trọng của nghiên cứu mà ứng viên đã làm. Tuy nhiên, cho dù luận án được công bố thì để đánh giá nghiêm túc đòi hỏi phải có chuyên môn và thời gian. Nếu không là người trong chuyên ngành và có kinh nghiệm tốt thì khó biết được luận án có đóng góp gì mang tính khoa học.

Nếu công bố luận án mà không công bố dữ liệu gốc làm cơ sở cho luận án thì cũng khó biết được nghiên cứu sinh đã làm đúng hay sai. Do đó, nhiều đại học nước ngoài còn đề ra yêu cầu công bố dữ liệu gốc kèm theo luận án.

Thực tế hiện nay, nhiều địa phương dường như đang có chính sách khuyến khích cán bộ công chức có bằng tiến sĩ. Ví dụ như Hà Nội có ban hành Nghị quyết về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025 và những năm tiếp theo”. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, 40% cán bộ Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Giáo sư đánh giá như thế nào về mục tiêu này của Hà Nội?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi biết chủ trương này, nhưng tôi nghĩ khác. Mục tiêu của đào tạo tiến sĩ là kiến tạo một cộng đồng học thuật phục vụ cho nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học. Văn bằng tiến sĩ có thể ví von như là một passport hay chứng chỉ để làm nghiên cứu khoa học (giống như bằng bác sĩ để hành nghề y). Mục đích của đào tạo tiến sĩ không phải cho bộ máy công quyền.

Cái điểm cốt lõi của học vị tiến sĩ, và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác, là nghiên cứu khoa học, không phải quản trị. Do đó, học tiến sĩ vì muốn theo đuổi sự nghiệp hành chính, quản trị kinh doanh, hay các chức vụ hành chính, hay các chức vụ mang tính quản lí trong hệ thống chính phủ thì e rằng là một sai lầm.

Mấy năm gần đây, các nước phương Tây có chương trình đào tạo tiến sĩ hướng nghiệp (professional doctorate) nhằm đáp ứng yêu cầu của kĩ nghệ và chính phủ, nhưng luận án vẫn theo đáp ứng 2 tiêu chuẩn quan trọng là tính nguyên thuỷ (có cái mới) và tầm quan trọng.

Giáo sư có đề xuất gì với các cơ sở đào tạo tiến sĩ và các cấp quản lý để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong đào tạo tiến sĩ?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi không có đề xuất gì cả, vì tôi nghĩ chỉ mất thì giờ mà thôi. Tôi nghĩ quy trình đào tạo và tiêu chuẩn học vị tiến sĩ cần cải cách từ lâu rồi. Cách tốt nhất là tổ chức một uỷ ban chuyên trách nghiên cứu và cải cách toàn diện chương trình đào tạo tiến sĩ sao cho đúng với chuẩn mực ở các nước tiên tiến.

Tôi nghĩ đầu vào rất quan trọng. Việc đánh giá một đề tài nghiên cứu có xứng đáng tầm tiến sĩ hay không cần phải dựa vào những tiêu chuẩn khoa học, chứ không phải phải tuỳ tiện hay theo suy nghĩ cá nhân. Ngoài ra, cần có những tiêu chuẩn cụ thể cho một luận án tiến sĩ, và bộ tiêu chuẩn này có thể tìm thấy đây đó của các hiệp hội khoa học quốc tế.

Hiện nay, đã có quy định nghiên cứu sinh phải công bố 2 bài báo khoa học để được bảo vệ luận án. Nhưng cần phải bổ sung là tập san phải ‘chính thống’, chứ những tập san dỏm hay gần dỏm hay không thuộc một hiệp hội khoa học thì không nên công nhận.

Có những quy định mà theo tôi là không cần thiết. Chẳng hạn như quy định về số trang của luận án; về số tài liệu tham khảo trong nước bao nhiêu, nước ngoài bao nhiêu,... là không cần thiết.

Cũng không cần phải có buổi lễ bảo vệ luận án và càng không cần phải gửi 50 phiếu xin ý kiến nhận xét luận án tóm tắt của nghiên cứu sinh. Nhưng cần phải gửi luận án cho các giáo sư nước ngoài hay ngoài trường đại học đánh giá và bình duyệt.

Phải cải cách để học viên có thì giờ và tập trung tâm trí vào khoa học hơn là đối phó hành chính. Phải cải cách để cái bằng tiến sĩ từ Việt Nam có ý nghĩa quốc tế và người cầm cái bằng đó có thể tự tin và cạnh tranh xin postdoc (hậu tiến sĩ) từ các đại học thuộc các nước tiên tiến.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.

Đặng Lường