16 năm trước, báo Tienphong.vn – cơ quan báo chí của tổ chức đại diện cho lực lượng thanh niên cả nước – đã phát đi cảnh báo: “Trang sức bằng luận án tiến sĩ”. [1]
Thực ra nếu chỉ mới ở mức “luận án” thì nó chưa thể trở thành “trang sức”, phải là tấm bằng tiến sĩ mới được xem là đồ trang sức để thiên hạ ngắm nhìn.
Người viết trong một số bài đã đăng từng nêu tên một luận án tiến sĩ dưới dạng rút gọn là “Tắm tập thể” áp dụng cho bộ đội.
Thực ra tên đề tài luận án tiến sĩ này viết đầy đủ là: “Tắm giặt tập trung cho các quân đoàn đóng quân phía Bắc”. [1]
Đề tài luận án tiến sĩ này đã được một vị vụ trưởng thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra bàn luận tại Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học miền Trung - Tây Nguyên diễn ra tại Đà Nẵng ngày 26/08/2006.
Ngay từ năm 2002 – theo phát biểu của GS. Phạm Minh Hạc - đã phát hiện trên 10.000 người sử dụng văn bằng giả, đây là loại “giả” nhưng mà “thật” bởi người sử dụng bằng giả biết chính xác đó là bằng giả và cũng biết chính xác trình độ của mình chỉ là thứ để lừa thiên hạ.
Có một loại người trong túi có bằng tiến sĩ nhờ vào các luận án đại khái kiểu như “Tắm tập thể” hay “Chơi cầu lông”, bằng ấy là bằng thật nhưng chất lượng và ý nghĩa với xã hội không hiểu sao lại tốn kém quá nhiều thời gian và giấy mực của giới bình luận.
Viết vài dòng ôn lại chuyện cũ để thấy, sự thiếu chuẩn mực trong học thuật đã tồn tại trong thời gian quá dài ở Việt Nam, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt và thậm chí còn được một bộ phận cán bộ, công chức xem là bình thường!
Một trong những điều bình thường ấy xảy ra ngay tại Hà Nội. Báo chí đưa tin Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường N.T.Đ được một cán bộ dưới quyền thi hộ học phần chuyên viên chính tại trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.
Trước "cơn bão dư luận", ông này được điều động làm Phó Bí thư Quận ủy Long Biên.
“Sau hơn một năm giữ chức Phó Bí thư Quận ủy, bất ngờ ông N.T.Đ lại được xem xét đưa trở lại Sở TNMT Hà Nội với chức vụ Giám đốc sở”. [3]
Từ kết luận mà Thanh tra Chính phủ vừa công bố về hoạt động đào tạo tiến sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, liệu đã có đủ chứng cứ để cho rằng nơi sản xuất “tiến sĩ rởm” thuộc vào hàng nhiều nhất cả nước chính là một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học cấp cao nhất quốc gia – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam?
Báo Tienphong.vn đăng bức ảnh chụp một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài: “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”. [4]
Ảnh nguồn Tienphong.vn |
Bức ảnh này được đăng lại trên mạng xã hội kèm theo lời bình “Đại học bèo, tiến sĩ dỏm ở Việt Nam”!
Hành vi “nịnh” trở thành đề tài luận án tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, từ đòi hỏi của xã hội về một vấn đề mang tầm vóc thời đại là “hành vi nịnh”?
Và phải chăng điều này đóng góp ý nghĩa rất lớn cho một bộ phận không nhỏ những người cần tìm hiểu sự đa dạng của hành vi “nịnh” trong môi trường “ghế ít … người nhiều”?
Vấn đề là vì sao rất nhiều cảnh báo đã được đưa ra, rất nhiều tiếng chuông báo động về bằng thật trình độ “rởm” đã được gióng lên nhưng vấn nạn này vẫn chưa được dẹp bỏ?
Khá nhiều lý giải được nêu lên, chẳng hạn
“Hệ thống đào tạo cấp bằng tiến sĩ hiện đang bị suy thoái từ các trường, viện, giảng viên hướng dẫn, hội đồng phản biện, nghiệm thu… dẫn tới sẽ có thêm nhiều tiến sĩ kém chất lượng”.
“Các hội đồng chấm luận án phải chịu trách nhiệm giải trình, trong đó người hướng dẫn chịu trách nhiệm rất lớn trong việc nghiên cứu. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể buông trách nhiệm mà cần thiết đối chiếu với Khung trình độ quốc gia Việt Nam để công nhận hoặc không công nhận kết quả nghiên cứu của tiến sĩ”… [1]
Các ý kiến nêu trên chỉ mới giới hạn trong phạm vi học thuật kể cả khi nói về “các cơ quan quản lý nhà nước”. Không khó để thấy có sự “cân nhắc”, né tránh khi nói đến hoạt động quản lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Chưa dẹp bỏ được vấn nạn đồ rởm trong học thuật có nhiều nguyên nhân cả về phía người học lẫn cơ quan quản lý và phải chăng người ta ngại vạch áo cho người xem lưng bởi vì liên quan đến chuyện “Xấu nàng hổ ai”?
Ảnh minh hoạ, nguồn: Laodong.vn |
Thực trạng nền học thuật nước nhà được nhận định như sau:
“Nguy hiểm nhất hiện nay là đang tồn tại hệ thống tiến sĩ kém chất lượng hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho thế hệ tiếp theo”. [2]
Nhận định trên được đăng trên Vietnamnet.vn – tờ báo của Bộ Thông tin và Truyền thông nên không có gì phải “tâm tư” khi kết luận đây là một sự thật tồn tại sờ sờ trước mắt mọi người.
Một khi đã tồn tại một “hệ thống tiến sĩ kém chất lượng” thì không thể không nêu câu hỏi “Hệ thống” ấy to cỡ nào và phân bổ ở những đâu?
Rõ ràng là các thành viên của “hệ thống tiến sĩ kém chất lượng” ấy không sống chỉ để làm duy nhất một việc “hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho thế hệ tiếp theo” mà có thể họ còn giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa, an ninh, quốc phòng,...
Nếu giả sử không ít người trong “hệ thống tiến sĩ kém chất lượng” đó ngoài chuyện “học thuật” còn giữ trọng trách trong hoạt động “dẹp bỏ vấn nạn học giả, bằng thật” thì việc “sống khỏe” của “thế hệ tiến sĩ tiếp theo” chắc chắn không cần phải bàn luận.
Đã có nhận định cho rằng “đang tồn tại các chính sách khuyến khích việc háo danh” mà biểu hiện là một số “địa chỉ” không liên quan đến học thuật lại đưa chỉ tiêu bao nhiêu phần trăm cán bộ, công chức phải có bằng tiến sĩ, hay người được cơ cấu phải có học hàm, học vị thế nào.
Điều đáng nói là những ngày gần đây, sau vụ “tiến sĩ cầu lông” hầu hết ý kiến đều quy trách nhiệm cho quá trình đào tạo, chẳng hạn:
“Hệ thống đào tạo cấp bằng tiến sĩ hiện đang bị suy thoái từ các trường, viện, giảng viên hướng dẫn, hội đồng phản biện, nghiệm thu”;
“Các hội đồng chấm luận án phải chịu trách nhiệm giải trình, trong đó người hướng dẫn chịu trách nhiệm rất lớn trong việc nghiên cứu”.
Nếu hàng “rởm” phát triển có hệ thống trong các lĩnh vực y tế, thực phẩm, lương thực,… thì chắc chắn các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ vào cuộc và các vụ án hình sự sẽ được khởi tố.
Vậy phải chăng các vụ “ấp nở thạc sĩ, tiến sĩ” như Thanh tra Chính phủ vừa công bố chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội nên chưa cần phải khởi tố?
Và phải chăng điều này không thể coi là ngoại lệ, không thể làm mạnh tay khi tình trạng của cả nền giáo dục nước nhà nhiều thập niên qua gắn với “lời ru buồn”, rằng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”?
Thạc sĩ cờ vua có thể làm Bí thư, Giám đốc sở thì Tiến sĩ cầu lông có thể làm những gì?
Nếu không có một vài đại án về “Bằng thật, chất rởm” thì cuộc chiến chống lại những thói xấu trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hay trong xét chọn giáo sư, phó giáo sư khó mà có chuyển biến về chất mặc dù chuyển biến về lượng đã có thể coi là quá đủ.
Phải chăng cần một cú hích để thắng sức ì trong cuộc chiến trả lại sự trong sạch và tôn nghiêm cho học vị tiến sĩ?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tienphong.vn/trang-suc-bang-luan-an-tien-si-post58563.tpo
[2]https://vietnamnet.vn/tu-vu-tien-si-cau-long-dang-ton-tai-chinh-sach-khuyen-khich-viec-hao-danh-2016383.html
[3] https://laodong.vn/archived/can-bo-trong-nghi-an-thi-ho-duoc-bo-nhiem-cap-cao-hon-708396.ldo
[4] https://tienphong.vn/tac-gia-luan-an-ninh-trong-tieng-viet-duoc-khuyen-khich-viet-sach-post866741.tpo