Yêu cầu ghi học bạ nhận xét 5 phẩm chất yêu nước, nhân ái...giáo viên bối rối

19/05/2022 08:50
Phan Tuyết
GDVN- Ghi một cuốn học bạ đã đuối, ghi vài chục cuốn thế này chẳng biết đến bao giờ mới xong. Ghi chán chê rồi xếp lại cũng chỉ mình mình đọc mà thôi.

Thực hiện đánh giá nhận xét học sinh lớp 1, lớp 2 theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT đặc biệt là Phụ lục 1 (Học bạ), Phụ lục 2 (Bảng ghi tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục lớp học) giáo viên phải miệt mài ghi phê học bạ. [1]

Ghi phê học bạ cũng chỉ giáo viên đọc (Ảnh tác giả)

Ghi phê học bạ cũng chỉ giáo viên đọc (Ảnh tác giả)

Khi làm học bạ theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều thầy cô giáo than trời. Điều đáng nói là, những lời nhận xét trung thực hay những lời phê được đầu tư kỹ càng thì cuối cùng vẫn mỗi mình thầy cô viết thầy cô tự đọc.

Nhìn mẫu học bạ và bảng tổng hợp kết quả đã thấy mệt

Học bạ là gì? Theo từ điển do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên (Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa phát hành) thì “Học bạ là cuốn sổ ghi kết quả quá trình học tập và rèn luyện của học sinh ở trường”.

Trước đây, cuốn học bạ cũng rất gọn nhẹ khi giáo viên chỉ việc vào điểm thi, điểm tổng kết, nhận xét về năng lực học tập môn học, ghi xếp loại học lực, hạnh kiểm, được lên lớp hay lưu ban, đạt danh hiệu thi đua gì.

Vài năm trở lại đây, khi Thông tư 30 về việc đánh giá xếp loại học sinh (sau là Thông tư 22 sửa đổi bổ sung một số điều) ra đời thì việc ghi phê học bạ đã nhiêu khê hơn nhiều.

Giáo viên mỏi tay viết những lời nhận xét về những tiêu chí của Năng lực và Phẩm chất (cũng chỉ viết cho mỗi mình giáo viên chủ nhiệm đọc) thay vì chỉ cần đánh giá đạt hay không.

Sau một năm, nhiều góp ý được đề xuất, việc ghi phê những lời nhận xét cũng được giảm đi đáng kể. Vậy mà, trong quy định về học bạ của lớp 1 lần này lại tiếp tục đi theo lối mòn của việc ghi học bạ theo Thông tư 30.

Cụ thể: Ngoài 13 môn học và hoạt động giáo dục giáo viên phải ghi điểm, mức đạt được và lời nhận xét thì phần Năng lực, Phẩm chất đều yêu cầu ghi nhận xét cụ thể hàng chục mục con.

Trong mục Phẩm chất có tới 5 mục con như: Yêu nước; Nhân ái; Chăm chỉ; Trung thực; Trách nhiệm.

Ngoài việc ghi mức đạt được còn phải viết lời nhận xét từng mục nhỏ, giáo viên phải ghi nhận xét thế nào đây?

Với trẻ nhỏ, khái niệm yêu nước có gì đó cao siêu. Để ghi nhận xét về “yêu nước” chẳng lẽ lại ghi học sinh ấy có lòng yêu nước? Một em như trăm em, đều gần giống như nhau?

Thực chất thì có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước chân chính của trẻ nhỏ. Đó có thể là những hành động nhỏ như cố gắng học tập tốt, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức.

Nhiều mục yêu cầu nhận xét khá trùng lặp về ý (Ảnh tác giả)

Nhiều mục yêu cầu nhận xét khá trùng lặp về ý (Ảnh tác giả)

Có khi đơn giản chỉ là một hành động vì môi trường, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn trường lớp sạch đẹp hay không đánh nhau, không nói tục chửi thề. Hoặc thậm chí đơn giản hơn chỉ là nở một nụ cười với vị khách nước ngoài khi ta vô tình gặp trên đường.

Vậy thì những biểu hiện này cũng đã bao trùm cả khái niệm về Nhân ái, Trung thực, Chăm chỉ, Trách nhiệm.

Hay như, ghi nhận xét về Nhân ái, đứa trẻ nào mà chẳng yêu thương thầy cô, bạn bè, trẻ em thì em nào mà chẳng (trừ một vài trường hợp đặc biệt) thật thà, trung thực?

Ghi nhiều sẽ dẫn đến việc đối phó, giáo viên cũng sẽ viết đại những lời nhận xét vô thưởng vô phạt ấy cho xong. Nhưng dù thế, giải thích theo kiểu nào cũng chẳng sai vì con trẻ phần đông còn rất ngây thơ, trong sáng.

Thay vì phần Phẩm chất chỉ cần đánh mức đạt hay không đạt trong học bạ là quá đủ. Ghi nhiều cũng chẳng để làm gì khi chính các em và gia đình cũng chẳng có cơ hội được đọc trừ khi các em chuyển trường hoặc ra trường.

Phần Năng lực cũng thế. Năng lực chung có 3 phần con: Tự chủ và tự học; Giao tiếp và hợp tác; Giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Phần năng lực đặc thù có 7 mục con: Ngôn ngữ; Tính toán; Khoa học; Công nghệ; Tin học; Thẩm mĩ; Thể chất.

Giáo viên ngồi mà nặn ra những câu chữ để ghi những mục con con thế này cũng chẳng hề đơn giản. Thế rồi lại cầu cứu google như đã từng ghi phê học bạ Thông tư 30. Lại những câu khen ngợi sáo rỗng, những lời nhận xét chung chung gần như giống nhau được viết ra.

Đã quy định Mức đạt được thì cần gì phải yêu cầu ghi phê tỉ mỉ từng mục con như thế?

Ghi một cuốn học bạ đã đuối, ghi dăm chục cuốn thế này chẳng biết đến bao giờ mới xong. Ghi chán chê rồi xếp lại cũng chỉ mình mình đọc mà thôi.

Mẫu học bạ rườm rà sẽ dẫn đến bảng tổng hợp kết quả giáo dục cũng hết sức rối mắt. Nhìn vào chỉ thấy những ô và những cột chữ.

Bộ Giáo dục sẽ bỏ học bạ, sổ điểm giấy, sao bây giờ còn bắt ghi phê nhiều thế?

Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: "Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu và đang làm các bước phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ cho các chính sách quản lý ngành trong thời gian tới".

Theo ông Hải: "Chúng ta đã có dữ liệu số rồi, không cần văn bản giấy nữa. Sau này sổ điểm, học bạ… những giấy tờ xác nhận về kết quả học tập, thông tin học sinh... trong nhà trường chúng tôi hoàn toàn có thể thực hiện qua môi trường mạng". [2]

Vậy mà hiện nay, Bộ lại ra cái mẫu học bạ yêu cầu giáo viên ghi phê chi chít những chữ là chữ thế này, không biết đến bao giờ những học bạ giấy như thế mới bị bỏ để có thể thực hiện qua môi trường mạng như lời Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đã nói?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1365

[2]https://tuoitre.vn/bo-giao-duc-dao-tao-se-bo-hoc-ba-so-diem-giay-20190729185304648.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết