NGƯT, PGS. Nguyễn Văn Hàm: Một đời đắm đuối với ngành Lưu trữ học

18/06/2022 06:37
Ngô Hiển
GDVN- Dù tuổi gần 80, kể cả khi công tác lẫn lúc đã về hưu, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm vẫn miệt mài với sự nghiệp nghiên cứu và dìu dắt cán bộ.

Ở tuổi gần 80, Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm (nguyên Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Lưu trữ học và quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã gắn bó hơn nửa thế kỷ với sự nghiệp lưu trữ của đất nước. Ông là chuyên gia hàng đầu trong vấn đề công bố tài liệu của ngành lưu trữ.

Chàng học trò nghèo xứ Kinh Bắc

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Hàm sinh năm 1944 ở tỉnh Bắc Giang (thuộc xứ Kinh Bắc xưa). Làng Đa Mai quê ông nằm cạnh con sông Thương với hai màu trong đục. Người dân nơi đây có câu ca rằng: “Sông Thương nước chảy đôi dòng. Bên trong bên đục nặng lòng quê hương”.

Tuổi thơ của ông cũng phải đi chăn trâu, cắt cỏ như bao đám bạn cùng trang lứa. “Có lần đi chăn bò, tôi cùng đám bạn thả bò ra gò để chúng tự ăn cỏ, sau đó ra hồ hái trộm các bát sen. Có lần bị phát hiện, cả lũ cứ quần cộc, cởi trần chạy bán sống bán chết để không bị chủ đầm bắt, kẻo về nhà lại no đòn” - Ông nhớ lại.

Do thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm ra vùng Bắc Giang nên đầu năm 1950, ông theo gia đình tản cư về huyện Yên Thế, Bắc Giang. Ông bắt đầu được bố mẹ cho đi học bình dân học vụ và làm quen với con chữ.

Năm 1955, sau khi miền Bắc giải phóng, gia đình ông mới trở lại quê nhà. Năm 1956, ông vào học lớp 5 của trường cấp 2-3 Ngô Sĩ Liên (nay là trường Trung học phổ thông Ngô Sĩ Liên).

Trong quá trình học, ông đem lòng yêu thích môn Lịch sử do thầy Ngô Văn Đôi dạy với bài giảng Đinh Bộ Lĩnh và trận cờ lau, chăn trâu chơi trận giả.

Năm 1963, ông tốt nghiệp cấp 3 (theo hệ giáo dục 10 năm) và đăng ký nguyện vọng thi vào khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. May mắn, ông đã thi đỗ. Từ một học sinh tỉnh lẻ được về Hà Nội học tập đối với ông là một điều may mắn và hạnh phúc. Trên giảng đường, ông được học với các thầy nổi tiếng như: Trần Văn Giàu, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng… Các thầy đã truyền cho cảm hứng cho ông thêm yêu thích môn Lịch sử.

Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm. (Ảnh: NVCC)

Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm. (Ảnh: NVCC)

Chủ nhiệm khoa đầu tiên

Sau 4 năm học tập, sinh viên Nguyễn Văn Hàm cùng bạn học là Nguyễn Văn Thâm được giữ lại khoa Lịch sử để chuẩn bị xây dựng Bộ môn Lưu trữ học. Sau 3 năm chuẩn bị, từ năm 1970, bộ môn Lưu trữ học bắt đầu đào tạo sinh viên.

Thời ấy, đất nước đang chiến tranh nên khoa Lịch sử phải đi sơ tán ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Cơm ăn không đủ no, tài liệu nghiên cứu luôn thiếu thốn nhưng ông vẫn cùng các đồng nghiệp say sưa tìm đọc và tự dịch tài liệu nước ngoài. Cũng từ đây, ông chọn cho mình một hướng đi riêng trong ngành Lưu trữ là Công bố tài liệu.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm cho biết: “Hình thức công bố tài liệu sẽ được thể hiện ở báo, tạp chí, xuất bản phẩm, triển lãm, sự kiện, truyền thông đại chúng... Các hoạt động công bố do nhiều cơ quan cùng thực hiện như viện nghiên cứu, bảo tàng, cơ quan báo chí, nhà in, cơ quan xuất bản”.

Ông và các bạn đã tham gia biên soạn bài giảng cho các môn học như công tác lập hồ sơ và danh mục hồ sơ, lưu trữ tài liệu khoa học kỹ thuật, tài liệu ảnh, phim ảnh và ghi âm, công bố tài liệu văn kiện… Những tập bài giảng này đã được Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ấn hành năm 1980, 1981 làm tài liệu học tập chính thức cho sinh viên chuyên ngành lưu trữ - lịch sử ở khoa Lịch sử.

Đầu những năm 90, trước sự phát triển mạnh mẽ của đất nước cũng như nhu cầu cán bộ làm công tác lưu trữ của xã hội, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm cùng các đồng nghiệp trong Bộ môn Lưu trữ học chuẩn bị về giáo trình và thủ tục cho việc thành lập khoa.

Các ông thấy rằng việc phải thành lập khoa riêng để phục vụ nhu cầu xã hội bởi nếu chỉ là bộ môn trực thuộc khoa Lịch sử thì mỗi năm chỉ được 20 sinh viên (theo chỉ tiêu) sẽ khó phát triển.

Trong khi đó, nhiều tỉnh như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La đều mời các ông về tham gia đào tạo cán bộ lưu trữ. Lớp đông nhất là 160 người, còn lớp bình thường là 80 đến 90 người.

Ngày 20/6/1996, khoa Văn thư và Lưu trữ học được thành lập theo Quyết định số 343/TCCB của Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm được bổ nhiệm là Chủ nhiệm khoa đầu tiên. Khoa trực thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, trên cơ sở phát triển Bộ môn Lưu trữ học của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây.

Đến tháng 12/1997, khoa Văn thư và Lưu trữ học được đổi tên là khoa Lưu trữ học và quản trị văn phòng để phù hợp với nội dung đào tạo và phương hướng phát triển của khoa. Trong gần 10 năm làm Chủ nhiệm khoa (1996-2005), Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm đã cùng các đồng nghiệp đào tạo nhiều thế hệ học trò ở các bậc từ cử nhân đến tiến sĩ, đáp ứng nhu cầu cán bộ ở nhiều nơi trong cả nước. Tạo dựng nền tảng, vị thế của khoa trước sự chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường.

Một đời đắm đuối với ngành Lưu trữ học

Dù tuổi gần 80, kể cả khi công tác lẫn lúc đã về hưu, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm vẫn miệt mài với sự nghiệp nghiên cứu và dìu dắt cán bộ.

Ông có gần 50 bài viết về các vấn đề: Công bố tài liệu, tổ chức bộ máy chính quyền… đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Văn thư - Lưu trữ; Tạp chí Lịch sử Đảng; Tạp chí Quản lý Nhà nước; Tạp chí Dấu ấn thời gian.

Ông còn là tác giả và đồng tác giả của 9 cuốn sách về Lưu trữ học.

Cuốn sách chuyên khảo "Một số vấn đề về Lưu trữ - Lịch sử và Công bố tài liệu lưu trữ" của Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm. Ảnh: ussh.vnu.edu.vn

Cuốn sách chuyên khảo "Một số vấn đề về Lưu trữ - Lịch sử và Công bố tài liệu lưu trữ" của Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm. Ảnh: ussh.vnu.edu.vn

Với các lớp cán bộ trẻ trong khoa Lưu trữ học và quản trị văn phòng, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm đã dốc trọn tâm huyết bồi dưỡng khi “tre già nhưng măng chưa kịp mọc”. Do đó, dù nghỉ hưu, không còn phải nặng gánh với công việc nhưng ông tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh và giảng dạy một số chuyên đề cho các lớp cao học và nghiên cứu sinh. Nhiều người đến nay đã trở thành cán bộ quản lý cốt cán của khoa.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm còn tham gia, hợp tác giảng dạy với nhiều cơ quan như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước… Nhắc đến ông, nhiều học trò đều nhớ đến hình ảnh một người thầy bình dị, nghiêm túc nhưng rất gần gũi và thương yêu học trò.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đến nay Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm mới có nhiều thời gian với những giây phút thảnh thơi của riêng mình bên gia đình và con cháu. Nhìn lại chặng đường đời đã qua, ông cảm thấy mãn nguyện với những gì mình đã đóng góp cho sự nghiệp trồng người và sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ngành Lưu trữ.

Ngô Hiển