Học sinh yêu thích môn Lịch sử hay không phụ thuộc vào cách dạy của thầy cô

12/04/2022 08:48
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bao năm nay, ngành giáo dục vẫn đang loay hoay tìm nguyên nhân để khắc phục tình trạng học sinh thờ ơ đối với môn Lịch sử nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Trong rất nhiều nguyên nhân khiến môn Lịch sử ở các trường học được ít học sinh yêu thích thì cách dạy của giáo viên hiện nay cũng góp một phần không nhỏ.

Với không ít học sinh, những giờ học Lịch sử đã khiến các em chán ngán và mệt mỏi. Nhiều bài lịch sử khá hay, nội dung kiến thức phong phú nhưng qua cách dạy của một số thầy cô giáo lại khiến các em không còn một chút hứng thú gì.

Vào tiết dạy, giáo viên kiểm tra bài cũ mà dò từng câu, từng chữ trong vở viết, trong sách giáo khoa xem học sinh trả lời có thiếu sót không mới cho điểm.

Vào tiết dạy, giáo viên không giảng bài mà chỉ nhìn vào sách giáo khoa đọc và bắt học sinh chép bài khá dài. Người học như chúng tôi thời ấy, nhiều lần bất bình với cách dạy học của thầy cô đã nói với nhau "dạy như thế thì ai chẳng dạy được".

Học sinh yêu thích môn Lịch sử hay không phần nhiều do cách dạy của giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong).

Học sinh yêu thích môn Lịch sử hay không phần nhiều do cách dạy của giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong).

Chọn môn Lịch sử vì quá yêu quý cô giáo dạy Lịch sử

Bên cạnh những thầy cô giáo dạy Lịch sử kiểu "gây mê" khiến học trò buồn ngủ vẫn còn những thầy cô dạy Lịch sử rất hay. Nhiều học sinh không theo học ban xã hội nhưng vẫn trông đến giờ Lịch sử để được nghe thầy cô giảng.

Cô giáo Mai Hoa, giáo viên một trường trung học cơ sở tại Bình Thuận kể rằng, mình vốn có năng khiếu học về các môn tự nhiên. Cô Hoa ước muốn sau này sẽ trở thành một giáo viên dạy Toán.

Vào bậc trung học, cô vẫn giữ ý định ấy và lao vào ôn luyện 3 môn Toán, Lý, Hóa cho đến khi vào học lớp 12 cô đã bất ngờ thay đổi hoàn toàn dự định trước đó.

Cô đã chọn học và đầu tư nhiều cho môn Lịch sử và đăng ký dự thi vào khoa Lịch sử của Trường Đại học Đà Lạt, cú “quay xe” gấp gáp này làm cả gia đình bất ngờ và kịch liệt phản đối.

Gia đình nói rằng, làm giáo viên có thu nhập thấp nhưng đi dạy môn Toán còn có thể dạy thêm cũng như có thêm một nghề tay trái để cuộc sống bớt khổ.

Nhưng dạy dạy môn Lịch sử, ai cũng nói là môn phụ, ngoài đồng lương sẽ không có thêm một khoản thu nào khác.

Dù thấy ba mẹ phân tích có lý nhưng cô vẫn không thể chiều ý cha mẹ mình. Cô nói kể từ khi được học Lịch sử với cô giáo Minh, Hoa tự nhiên yêu thích môn Lịch sử đến kỳ lạ.

Những tiết dạy của cô giáo Minh khác hoàn toàn với những thầy cô giáo dạy Lịch sử trước đó. Vào tiết học, cô không kiểm tra bài cũ như cách thông thường để học sinh hồi hộp đến thót tim vì sợ tên mình được xướng lên.

Thế nhưng trong suốt tiết dạy, cô vẫn lồng vào kiểm tra kiến thức cũ một cách nhẹ nhàng. Cô giảng bài theo sơ đồ tư duy vừa hấp dẫn, vừa ngắn gọn và học sinh nắm bài ngay sau tiết học kết thúc.

Cứ dạy đến một sự kiện lịch sử gì, cô đều có những câu chuyện bên ngoài sách cung cấp cho các em. Cô thường tạo ra các tình huống có vấn đề để học sinh tư duy, đối chất và phản biện một cách sôi nổi.

Trong mỗi tiết học đều có những tình huống cô nêu ra để học sinh nhập vai vào thể hiện. Tiết học Lịch sử đã trở thành sân khấu nhỏ trong lớp nên học sinh rất hào hứng tham gia.

Cô Hoa còn cho biết, dù tiết dạy Lịch sử của cô Minh rơi vào tiết thứ 5, thời gian mà học sinh mệt mỏi nhất thì các em vẫn luôn chờ đợi đến giờ học để được nghe cô giảng bài.

Giờ học của cô không còn cảnh học sinh ngồi rầu rĩ, ủ rũ vì mệt, không còn cảnh ngồi học mà trong lòng chờ đợi nhanh có hồi trống báo hiệu hết giờ.

Cô Hoa nói, mình mê cô giáo dạy Lịch sử đến mức có những đêm nằm ngủ mà mơ đang được học Lịch sử. Vì thế, cô khao khát được trở thành giáo viên dạy Lịch sử như chính cô giáo của mình.

Người viết cũng may mắn được học Lịch sử với thầy giáo Dư ở Thanh Hóa. Cách dạy của thầy khác hẳn với nhiều giáo viên trước đó nên học sinh khá hào hứng. Thầy không nhìn sách đọc, không bắt học sinh chép đến mỏi tay, không kiểm tra bài cũ kiểu thuộc lòng từng chữ.

Học với thầy, không phải ghi bài nhiều, không phải học thuộc lòng bài học trong vở ghi, trong sách giáo khoa. Thế nhưng, những kiến thức trọng tâm học sinh vẫn nhớ rất lâu. Nhờ đó, những tiết dạy Lịch sử của thầy luôn được các lớp chờ đợi.

Tích hợp Lịch sử và Địa lý mà dạy kiểu cũ sẽ càng làm học sinh chán sử

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc trung học cơ sở đã không còn môn Lịch sử độc lập mà kết hợp với môn Địa lý để thành môn Lịch sử và Địa lý.

Giáo viên cũng được phân công dạy học tích hợp môn học này. Nhiều thầy cô giáo vốn có chuyên môn Địa lý nay phải dạy cả Lịch sử đã cảm thấy đuối. Dù cố gắng, những giáo viên này cũng chỉ đóng tròn vai người truyền thụ kiến thức.

Nhiều giáo viên dạy Lịch sử trước đây được đào tạo bài bản, chuyên sâu môn Lịch sử muốn có được những tiết dạy tốt, thu hút sự hứng khởi học tập của học sinh như cô giáo Minh, thầy giáo Dư mà người viết đã phản ánh ở phần trên cũng đã khó.

Nay, giáo viên không có chuyên môn Lịch sử mà buộc phải dạy Lịch sử đã gặp không ít khó khăn. Thầy giáo Khánh, một đồng nghiệp dạy Địa lý nói với người viết rằng dạy thì dạy được nhưng để dạy hay thì không đơn giản chút nào.

Trao đổi với một số giáo viên dạy Địa lý được phân công dạy Lịch sử, người viết được biết rằng, trong giờ dạy, các thầy cô chỉ sử dụng phần lớn phương pháp dạy học thuyết trình. Bản thân giáo viên còn chưa thuộc giáo án thì làm sao có thể linh hoạt trong từng giờ dạy? Giáo viên muốn dạy tốt phải biết 10 dạy một, nhưng dạy tích hơn kiểu này chỉ biết một dạy một thì lấy đâu dạy hay?

Lịch sử vốn đã nặng nề về các con số, sự kiện cộng với cách dạy nặng về thuyết trình, một chiều đã biến những giờ học Lịch sử vốn sinh động, hấp dẫn trở nên nặng nề, mệt mỏi nên học sinh vốn đã không thích sử càng trở nên sợ và chán môn học này.

Giáo sư Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, để lôi kéo được học sinh, khiến học sinh yêu thích và hứng thú học Lịch sử thì cần rất nhiều yếu tố. Và hơn hết là sự vào cuộc phối hợp mạnh mẽ của cả xã hội, gia đình, nhà trường và tư duy của người học.

Cần phải thay đổi từ những nguyên nhân kể trên, trong đó phương pháp giảng dạy cùng với cách học của các em học sinh trong chương trình mới phải thay đổi.

“Giáo viên phải xác định học sinh là yếu tố trung tâm của bài giảng, giáo viên chỉ có nhiệm vụ tổ chức. Trong chương trình mới thì các em không phải là cái máy nghe, thầy cô cũng không phải cái máy phát mà là sự tương tác hai chiều. Học sinh được chủ động tham gia vào bài học, phát huy tinh thần sáng tạo trên kiến thức có sẵn.” [1]

Bao năm nay, ngành giáo dục vẫn đang loay hoay tìm nguyên nhân để khắc phục tình trạng học sinh thờ ơ đối với môn Lịch sử nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Sợ rằng, tình trạng học sinh chán học môn Sử, quay lưng lại với môn học này sẽ diễn ra nhiều hơn khi các cơ sở giáo dục yêu cầu giáo viên Địa lý dạy luôn cả Lịch sử như chương trình mới vừa triển khai ở lớp 6 trong năm học này.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/lanh-dao-nha-truong-coi-lich-su-la-mon-phu-thi-nghiem-nhien-gv-cung-coi-la-phu-post225655.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết