Bao giờ địa phương mạnh dạn bỏ nhân hệ số 2 Toán, Văn vào 10 như Nghệ An, TPHCM?

23/06/2022 06:32
NHẬT DUY
GDVN- Việc nhân điểm hệ số 1 hay hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán không hề ảnh hưởng đến số lượng thí sinh trúng tuyển vì tỉnh phê duyệt cụ thể từ khi chưa thi.

Kỳ thi tuyển sinh 10 cho năm học 2022-2023 đến thời điểm này đã có một số địa phương công bố điểm thi, một số địa phương vừa tổ chức xong và cũng có một số địa phương sang tháng 7 tới mới tổ chức. Điều mà chúng ta đang chứng kiến là cách tính điểm hệ số các môn thi ở các địa phương đang có sự khác nhau.

Có nơi chỉ duy trì nhân điểm hệ số 2 đối với những môn chuyên ở các trường Trung học phổ thông chuyên, còn những trường không chuyên thì tính điểm hệ số 1. Thế nhưng, cũng có những địa phương vẫn đang duy trì nhân điểm số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán. Môn thứ 3 (thường là môn Tiếng Anh) thì tính điểm hệ số 1.

Chính vì duy trì nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán nên nhìn vào điểm trúng tuyển của nhiều trường thì chúng ta thấy cao nhưng thực tế nếu tính điểm hệ số 1 thì phần nhiều là dưới trung bình (dưới 5 điểm/ 1 môn). Việc duy trì nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán, theo nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết. Lý do là ở phổ thông các môn có vị thế ngang nhau vậy tại sao lại đi nhân hệ số 2 môn Toán, Văn?

Đặc biệt, việc nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tuyển sinh 10 có phù hợp với Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Việc tính điểm hệ số 2 đối với môn Văn và Toán không còn phù hợp (Ảnh minh họa: Hoài Ân)

Việc tính điểm hệ số 2 đối với môn Văn và Toán không còn phù hợp

(Ảnh minh họa: Hoài Ân)

Nhiều địa phương vẫn duy trì nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập (không chuyên) năm học 2022-2023 có tới 60/63 tỉnh thành tổ chức thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (chủ yếu là Tiếng Anh). Chỉ có Bắc Giang có thêm môn thứ tư là môn Giáo dục công dân, Cao Bằng có thêm môn Lịch sử, Hưng Yên không có môn Ngoại ngữ nhưng có bài thi tổng hợp.

Tuy nhiên, có một điểm chung là nhiều tỉnh vẫn đang duy trì nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán. Chẳng hạn như các tỉnh, thành: Tuyên Quang, Hà Nội, An Giang, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh…

Điều đáng mừng là trong kỳ thi năm nay cũng đã có nhiều địa phương tính điểm hệ số 1 đối với tất cả các môn thi ở kỳ thi tuyển sinh 10 như: Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Nghệ An, Bình Dương, Ninh Bình…

Một điểm đáng lưu ý là trong số địa phương đã bỏ cách tính điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tuyển sinh 10 thì có một số tỉnh, thành đang có vị trí xếp hạng cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông các năm vừa qua.

Chẳng hạn như kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 vừa qua thì Bình Dương đứng ở vị trí số 1, Nam Định xếp thứ 2, Ninh Bình xếp thứ thứ 3 và Thành phố Hồ Chí Minh xếp ở vị trí số 9/63 tỉnh, thành trong trên cả nước.

Tỉnh Nghệ An dù có nhiều địa bàn có nhiều huyện miền núi, xếp hạng thứ 35 nhưng từ lâu vẫn được xem là “đất học” khi hằng năm tỉnh này luôn có rất nhiều những thủ khoa ở các trường đại học.

Thực tế cho thấy, cách tính hệ số trong kỳ thi tuyển sinh 10 dù nhân điểm hệ số 1 hay điểm hệ số 2 cũng chẳng ảnh hưởng gì đến số lượng thí sinh đậu hoặc rớt vì kỳ thi này do các tỉnh đứng ra tổ chức. Số lượng tuyển sinh của cả tỉnh và từng trường bao nhiêu thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành đã phê duyệt từ khi chưa tổ chức kỳ thi.

Vậy nên, sau khi kỳ thi kết thúc, các trường trung học phổ thông công lập sẽ căn cứ vào điểm số của những thí sinh dự thi ở trường mình để tuyển sinh đầu vào.

Những thí sinh trúng tuyển là những thí sinh không có điểm liệt, không vi phạm quy chế thi. Và, trường sẽ căn cứ điểm thi, lấy từ thí sinh có điểm cao nhất xuống đến chỉ tiêu cuối cùng trong bảng điểm thi.

Vì vậy, cao hay thấp thì cũng lấy chừng ấy chỉ tiêu, cũng chừng ấy thí sinh rớt nên việc nhân điểm hệ số 2 hay không nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán không hề ảnh hưởng đến số lượng thí sinh trúng tuyển đã được phê duyệt từ khi chưa thi.

Bao giờ mạnh dạn bỏ nhân hệ số 2 môn thi Toán, Văn vào 10?

Như phần trên chúng tôi đã đề cập, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập (không chuyên) cho năm học 2022-2023 có tới 60/63 tỉnh, thành thi 3 môn Toán, Văn, Anh. Tuy nhiên, dù là 3 môn thi trong một kỳ thi nhưng nhiều địa phương đã áp dụng hình thức nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn là Toán, còn môn Tiếng Anh thì chỉ tính điểm hệ số 1.

Như vậy, cũng có thể một bộ phận thí sinh học giỏi môn Tiếng Anh nhưng học không tốt môn Toán và Ngữ văn thì rõ ràng các em chịu nhiều thiệt thòi. Trong khi, một số em học chưa tốt môn Tiếng Anh nhưng nổi trội hơn ở 1 trong 2 môn Toán hoặc Ngữ văn thì lại là lợi thế vì điểm nhân hệ số 2.

Vì thế, yếu tố hên- xui trong kỳ thi này là rất rõ ràng bởi không nhiều em học đều cả 3 môn thi này.

Trong khi đó, bắt đầu từ năm học 2020-2021 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT nên đã có một số thay đổi so với trước đây.

Theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT, môn Ngoại ngữ đã có vị thế ngang bằng với môn Ngữ văn và môn Toán trong việc xếp loại, công nhận danh hiệu học tập cho học sinh.

Nếu như trước đây, khi mà đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT thì chỉ có môn Ngữ văn và Toán được đứng riêng ở một vị trí đặc biệt.

Nhưng, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 11/10/2020 và tại khoản 6, Điều 2 đã hướng dẫn: “Thay thế cụm từ "của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn" tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều 13 bằng cụm từ "của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ”.

Như vậy, môn Ngoại ngữ đã được đã có vị thế ngang hàng như môn Ngữ văn và Toán trong việc xếp loại học tập của học sinh chứ không giống như Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT chỉ đề cao môn Ngữ văn và Toán trong việc xếp loại học lực của học sinh.

Đến thời điểm này, cho dù một số địa phương đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 hay chưa tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 thì các kế hoạch cho kỳ thi này đã được các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phê duyệt nên sự thay đổi tính hệ số 2 đối với môn Văn và Toán là rất khó.

Song, chúng tôi hy vọng từ kỳ thi tuyển sinh 10 năm sau, các địa phương nên tính điểm thi bằng hệ số 1 cho tất cả các môn thi sẽ phù hợp hơn.

Việc nhân điểm hệ số 2 chỉ nên duy trì ở khối trường chuyên hoặc khi tuyển sinh vào đại học để đào tạo chuyên sâu, còn khi tuyển sinh đại trà thì cần sự bình đẳng trong cách tính điểm mới đánh giá đúng bản chất của kỳ thi và tránh tình trạng học lệch, tâm lý môn chính môn phụ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY