Sách tham khảo là rào cản đổi mới giáo dục trong trường học?

08/07/2022 06:58
Nguyễn Nguyên Lương
GDVN- Thực tế, gánh nặng đè lên vai phụ huynh không phải chỉ là sách giáo khoa, gánh nặng không kém, chính là sách tham khảo, do kiểu “bán bia kèm lạc” trong trường học

Chuyện giá sách giáo khoa chương trình mới đè nặng lên vai phụ huynh học sinh đã và đang được dư luận quan tâm, phản ánh nhiều trong thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị đem giá sách vào danh mục quản lý giá.

Thực tế, gánh nặng đè lên vai phụ huynh không phải chỉ là sách giáo khoa, gánh nặng không kém, chính là sách tham khảo, do kiểu “bán bia kèm lạc” trong trường học.

Tại sao nhà trường bán sách tham khảo cho học sinh?

Từ khi thực hiện chương trình lớp 1, 2, 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, phụ huynh có “kênh” phân phối sách mang tên “nhà trường”.

Khách quan mà nói, nhà trường bán sách giáo khoa cho học sinh là phù hợp, ngoài học sinh mua được đúng sách đã được Hội đồng chọn sách cấp tỉnh phê duyệt, còn mua được sách chính phẩm, đúng giá, nhà trường có 5%/số sách học sinh đã mua, do nhà xuất bản tài trợ cho học sinh khó khăn của trường.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Nếu nhà trường chỉ bán, hay “mua giúp” sách giáo khoa cho học sinh, có thể nói là thêm công, thêm việc cho nhà trường mà chẳng có lợi lộc gì.

Thực tế, có những cơ sở giáo dục đã thực hiện “combo” sách giáo khoa lên đến hàng triệu đồng, gây bức bối cho xã hội.

Tác giả của hơn chục đầu sách tham khảo từng cho biết, công ty sách (liên kết với nhà xuất bản) chi "hoa hồng" cho người mua lẻ là 45% giá bìa, nếu mua số lượng nhiều thì có thể lên đến 50-55%.[1]

Hoa hồng sách tham khảo cao là nguyên nhân chính làm xuất hiện “combo” sách giáo khoa lên đến hàng triệu đồng gây nhức nhối xã hội trong thời gian qua.

Ngoài “hoa hồng”, còn có nguyên nhân nào khác?

Đây là phân tích của một hiệu trưởng một trường tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh với báo tuoitre.vn khi nhà trường phải bán sách tham khảo kèm sách giáo khoa:

“Nhưng đối với các lớp học hai buổi/ngày, nếu không có sách bài tập thì học sinh sẽ phải chép đề bài vào vở rồi mới làm bài, chắc chắn sẽ chậm hơn các bạn có sách bài tập. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dạy học chung của cả lớp".[2]

Như vậy, chính phương pháp, nội dung dạy học của giáo viên tiểu học vô hình trung đã buộc nhà trường phải bán sách tham khảo, phụ huynh mua sách tham khảo để con học buổi hai trong ngày.

Sách tham khảo là rào cản đổi mới giáo dục?

Những cuốn sách tham khảo mang tên “văn mẫu”, giáo viên dạy theo “văn mẫu”, làm học trò chán học văn, làm thui chột tư duy của học trò, làm cho học trò không dám nói điều mình muốn, không dám viết điều mình muốn.

Trong hướng dẫn nội dung dạy buổi thứ hai đối với các lớp học hai buổi/ngày của Bộ:

Nội dung dạy buổi thứ hai cần phân hóa được đối tượng học sinh để tổ chức ôn luyện kiến thức cơ bản và các kỹ năng mà buổi sáng các em chưa nắm vững đồng thời nâng cao và mở rộng kiến thức cho học sinh khá giỏi.

Đảm bảo hình thức tổ chức dạy học cần diễn ra nhẹ nhàng, tự nhiên để phát huy tính tích cực chủ động và rèn các kĩ năng cho học sinh; lồng ghép các nội dung Hát- Nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Hoạt động tập thể thành hoạt động tổng hợp có định hướng theo chủ đề; tăng cường các hình thức học theo nhóm như nhóm Vẽ, Hát múa, Thể thao, Ngoại ngữ, Tin học...[3]

“Nếu không có sách bài tập thì học sinh sẽ phải chép đề bài vào vở rồi mới làm bài, chắc chắn sẽ chậm hơn các bạn có sách bài tập”, rõ ràng cả lớp khi học buổi 2 đều có chung sách bài tập, chung đề.

Vậy làm sao giáo viên thực hiện được “phân hóa được đối tượng học sinh để tổ chức ôn luyện kiến thức cơ bản và các kỹ năng mà buổi sáng các em chưa nắm vững đồng thời nâng cao và mở rộng kiến thức cho học sinh khá giỏi”?

Cả lớp cùng chung một bài tập, làm sao để “phát huy tính tích cực chủ động và rèn các kĩ năng cho học sinh”?

Sách tham khảo đang đem lại lợi ích cho nhà trường, giáo viên? Với học sinh, sách tham khảo có thể giúp các em nhanh bằng các bạn không cần chép bài tập, nhưng giáo viên đang vô tình “đồng phục” học sinh qua bài tập.

Với giáo dục, sách tham khảo chính là “văn mẫu”, sách tham khảo đang là vật cản rất lớn đối với đổi mới giáo dục nói chung, chương trình 2018 nói riêng, đặc biệt là ở tiểu học và trung học cơ sở.

Đã đổi mới chương trình, giáo viên vẫn dùng sách tham khảo, sách bài tập để dạy buổi hai ở tiểu học được chính lãnh đạo nhà trường “bật đèn xanh”, lỗi lớn nhất chính là lãnh đạo nhà trường.

Chương trình giáo dục 2018 đang hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Muốn vậy, giáo viên phải đổi mới phương pháp, không thể dùng sách tham khảo để làm “dụng cụ” dạy học.

Vì học sinh thân yêu, vì mục tiêu đổi mới của chương trình 2018, người viết đề nghị cách chức lãnh đạo cơ sở giáo dục bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo trong trường học.

Chỉ có kỷ luật nghiêm khắc mới có thể chặn đứng được tệ nạn “bán bia kèm lạc” trong trường học, trả lại sự trong sáng cho môi trường giáo dục.

Học sinh không đồng loạt mua sách tham khảo, giáo viên không thể “đồng phục” học sinh khi dạy buổi 2 ở tiểu học.

Học sinh không đồng loạt mua sách tham khảo chắc chắn giáo viên dạy buổi 2 ở tiểu học sẽ vất vả hơn, giáo viên vì học sinh sẽ nhận vất vả về mình, đó cũng là thể hiện chữ tâm của nhà giáo.

Có như thế, ngân sách nhà nước, nguồn lực phụ huynh đóng góp để con em được học buổi 2, mới chi đúng mục đích, nội dung giáo viên dạy buổi 2 ở tiểu học mới đúng mục tiêu tốt đẹp đề ra.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/de-xuat-bo-giao-duc-cam-ban-sach-tham-khao-trong-truong-hoc-post227224.gd

[2] https://tuoitre.vn/sach-tham-khao-ban-kem-van-hoanh-hanh-20220629232119754.htm

[3] https://hoatieu.vn/huong-dan-viec-thuc-hien-day-hoc-2-buoi-ngay-bac-tieu-hoc-133969

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nguyên Lương