Hoa hồng suất ăn bán trú… không thơm đâu

25/09/2019 06:14
Lê Mai
(GDVN) - Đã có hiệu trưởng ăn bớt của học trò phải vào tù, thế nhưng bài học ấy vẫn chưa làm “sáng mắt” những hiệu trưởng thích “hoa hồng”.

Đầu năm nay, hình ảnh “xấu xí” suất ăn bán trú học trò tràn ngập trên truyền thông, mạng xã hội. Phụ huynh đã phải thốt lên “Tôi đã khóc khi nhìn thấy suất ăn của con mình ở trường quốc tế Việt Úc" v.v...

Nếu  gõ vào Google cụm từ “ăn bớt khẩu phần của học trò”, bạn nhận được 67.400.000 kết quả trong vòng 0.44 giây. Việc ăn bớt suất ăn của học trò không phải chỉ có năm nay, nó đã có từ khi có... hoa hồng.

Đã có hiệu trưởng ăn bớt của học trò phải vào tù, thế nhưng bài học ấy vẫn chưa làm “sáng mắt” những hiệu trưởng thích “hoa hồng”.

Tại sao bữa ăn con trẻ dễ bị bớt xén?

Nhiều học trò coi việc ăn uống như “tù đày”, ở nhà cha mẹ trẻ cho con ăn được chén cơm là công việc vất vả nhất trong ngày.

Việc suất ăn ít, nhiều khi là “yêu thích” của học trò, vì thế chúng “chả dại méc bố mẹ”. Tâm lý đó được hiệu trưởng và nhà cung cấp dịch vụ tận dụng triệt để.

Nhà cung cấp thực phẩm, suất ăn cho trường học đều phải “làm luật”, trích “phần trăm” cho hiệu trưởng v.v..., nếu muốn có chỗ làm ăn. Nơi thì vài chục %, nơi thấp nhất cũng vài %, tiền ấy ở đâu ra? Từ bữa ăn của các cháu chứ ở đâu?

Nhận tiền hoa hồng, bớt xén tiền ăn của học trò là tội ác. (Ảnh minh họa: http://vnca.cand.com.vn)
Nhận tiền hoa hồng, bớt xén tiền ăn của học trò là tội ác. (Ảnh minh họa: http://vnca.cand.com.vn)

Há miệng mắc quai, cứ thế thực phẩm “bẩn”, “suất ăn” không xứng đồng tiền bố mẹ đóng, cứ vào trường học, “con voi chui lọt lỗ kim”, đúng quy trình.

Tiền “hoa hồng” nhiều khi gấp mấy tiền lương của hiệu trưởng; hiệu trưởng xấu tâm khó mà từ chối được.

Giáo viên trong trường có biết không? Xin thưa biết, biết quá đi chứ, “thấp cổ, bé họng”, dám nói đâu! Nếu phản ánh, nhiều khi còn bị kỷ luật vì “gây mất đoàn kết”. Chưa kể đến doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, suất ăn, nhiều khi là công ty “sân sau” của lãnh đạo.

Làm sao để đảm bảo suất ăn học đường không bị bớt xén?

Minh bạch, công khai nguồn cung cấp thực phẩm, suất ăn là điều đầu tiên phải làm. Suất ăn hàng ngày phải chiết tính công khai về tiền bạc, hình ảnh suất ăn được phản ánh hàng ngày trên truyền thông của mỗi trường.

Quy trách nhiệm cụ thể cho bộ phận kiểm tra, giám sát. Giáo dục họ hiểu được vai trò quan trọng của bữa ăn học đường với sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ; chăm sóc bữa ăn của trẻ tốt là góp phần xây dựng tương lai đất nước.

Đừng ăn vào khẩu phần của học trò, nhẫn tâm lắm
Đừng ăn vào khẩu phần của học trò, nhẫn tâm lắm

Khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát, chế biến, kiểm tra bữa ăn của trẻ.

Lắp camera giám sát các quy trình hoạt động của nhà bếp, nhà ăn; phụ huynh học sinh có thể truy cập thông tin, thấy được hoạt động của bộ phận này bất cứ khi nào.

Học trò đến trường coi thầy cô là cha mẹ.

Chế độ dinh dưỡng cho học trò, đặc biệt là mầm non, có vai trò rất lớn cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ của trẻ.

Đây là giai đoạn tiền đề quyết định đến toàn bộ sự phát triển chung của trẻ về sau.

Không đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học trò, ăn bớt, ăn xén của con trẻ là tội ác! Hoa hồng vừa đẹp, vừa thơm, thế nhưng “hoa hồng” từ suất ăn bán trú vừa tội lỗi, vừa độc ác; vô cùng thối tha, đáng khinh, đáng ghét.

Tiền hoa hồng có thể xây nhà to, mua xe đẹp, áo quần hàng hiệu; thế nhưng chính chủ nhân của nó sẽ xấu hổ ngàn lần khi lương tri thức dậy.

Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước; xin đừng vì “hoa hồng”, những lợi ích tầm thường của mình, thầy cô đánh mất đi niềm tin, “thiên chức” cao quý của xã hội đặt vào tay mình: Bà mẹ thứ hai của học trò.

Chăm sóc bữa ăn của trẻ, đúng những gì cha mẹ trẻ đóng góp, là góp phần xây dựng tương lai đất nước; tự khẳng định mình là người tử tế.

Lê Mai