Kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn THPT thay đổi thế nào trong chương trình mới?

20/07/2022 07:00
Nguyễn Văn Lự
GDVN- Quan niệm “thi thế nào, học thế nấy” từ trước nay đã định hình phương pháp dạy và học để thi lấy điểm trong các nhà trường phổ thông.

Từ năm học 2022-2023, cấp trung học phổ thông bắt đầu thực hiện Thông tư 22/2021, việc dạy Ngữ văn và kiểm tra đánh giá học sinh thay đổi toàn diện kéo theo sự thay đổi trong tư duy, phương pháp dạy và học của thầy trò hiện nay.

Kiểm tra đánh giá thay đổi hoàn toàn

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 đã áp dụng thực hiện từ lớp 6 và tiếp tục thực hiện theo lộ trình thay sách giáo khoa.

Khi chưa có công bố về thi tốt nghiệp và đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chương trình mới, các nhà trường, giáo viên và phụ huynh đang rất băn khoăn, lúng túng khi chọn tổ hợp dạy và học cho học sinh khối 10 năm học 2022-2023.

Theo Thông tư 22, cách kiểm tra đánh giá sẽ thay đổi hoàn toàn, từ đánh giá, xếp loại dựa điểm số sang đánh giá năng lực.

Đa dạng hình thức, phương thức và kết hợp giữa kiểm tra định tính qua hồ sơ học tập, quan sát, nhận xét với kiểm tra định lượng cho điểm bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ và cuối kỳ.

Xếp loại học lực 4 mức: Giỏi, Khá, Đạt và Chưa đạt; khen thưởng 3 mức: Xuất sắc, Giỏi và Hoàn thành nhiệm vụ với tính điểm không còn quy định môn chính, môn phụ; không còn điểm trung bình cuối năm; linh hoạt nhiều hình thức kiểm tra trong cả quá trình học tập và rèn luyện giúp người học điều chỉnh để tiến bộ và người dạy điều chỉnh phương pháp phù hợp đối tượng học sinh…

Thực hiện Chương trình Giáo dục 2018, cả nước thống nhất một chương trình nhiều bộ sách nên kiểm tra đánh giá không phụ thuộc vào ngữ liệu trong sách giáo khoa.

Hình thức kiểm tra và thi vẫn ổn định như hiện nay, chỉ khác nội dung bài kiểm tra nêu một vấn đề trong tình huống cụ thể để học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng xử lý.

Việc học thuộc, nhớ lâu sẽ không còn ý nghĩa. Học sinh học hiểu và vận dụng tri thức tích hợp giải quyết vấn đề nêu ra.

Qua kiểm tra định tính quan sát, nhận xét và kiểm tra định lượng theo tiêu chí, yêu cầu thích hợp với mỗi đối tượng, mỗi nhà trường, thầy cô sẽ đánh giá được năng lực, sở trường và thế mạnh, giúp các em hình thành tư duy hướng nghiệp cho lớp 12 và chuẩn bị cho cuộc sống sau này.

Định hướng đánh giá Ngữ văn 10, Bộ sách Cánh Diều, Tr.118. Ảnh: Văn Lự

Định hướng đánh giá Ngữ văn 10, Bộ sách Cánh Diều, Tr.118. Ảnh: Văn Lự

Đối với môn Ngữ văn, đề bài kiểm tra định lượng sẽ là đề bài dạng mở, tự do và sáng tạo với những yêu cầu chung của chuẩn kiến thức kỹ năng và yêu cầu linh hoạt theo tình hình thực tế của mỗi đối tượng trong từng địa phương.

Nội dung kiểm tra của bộ sách Kết nối Tri thức với cuộc sống lớp 10. Ảnh: Văn Lự.

Nội dung kiểm tra của bộ sách Kết nối Tri thức với cuộc sống lớp 10.

Ảnh: Văn Lự.

Phương pháp dạy Ngữ văn 10 linh hoạt

Các giáo viên Ngữ văn đã được tập huấn thay sách nhưng cần thời gian để hiểu và thực hành tốt phương pháp dạy theo từng bộ sách của Chương trình 2018.

Mục tiêu, yêu cầu cần đạt của bài học mỗi bộ sách đều rất cụ thể với đọc hiểu văn bản, kiến thức mới, luyện tập và vận dụng nói và viết.

Sự khác nhau giữa các bộ sách giáo khoa chỉ là kênh chữ, kênh hình, kênh ngữ liệu với 8-9 bài học, mỗi bài có 3-4 ngữ liệu.

Thầy cô không còn lệ thuộc một ngữ liệu bắt buộc như trước mà lựa chọn văn bản phù hợp học sinh.

Mỗi bài dạy trong nhiều tiết qua 4 hoạt động đọc, viết, nói và nghe, và thực hành với các yêu cầu đọc hiểu, viết, thuyết trình và thảo luận ở mức độ khác nhau.

Việc chuẩn bị bài giảng theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo tuy vẫn còn nhiều tranh luận, nhưng theo tôi, soạn một bài giảng dài dạy trong nhiều tiết không phải quá khó.

Để thiết kế bài học khoa học và hướng dẫn học sinh tiếp cận bài học, đọc hiểu, luyện tập và vận dụng được đòi hỏi thầy cô phải chuyên tâm, tự bồi dưỡng các tri thức tiếng Việt, tri thức đọc hiểu văn bản, cập nhật đời sống xã hội và văn học.

Từ bỏ phương pháp truyền thống áp đặt học trò cách hiểu, cách nói sang hướng dẫn các em tìm hiểu và bày tỏ cách hiểu bằng cách viết, nói hàm súc, thuyết phục không phải là cách làm mới.

Thầy cô trước hết phải là người hiểu đúng ngữ liệu và yêu cầu của bài học, sau đó mới dẫn dắt học sinh đọc hiểu và vận dụng tri thức tích hợp để diễn đạt ý hiểu thành câu chữ, thành đoạn, thành bài văn ngắn.

Nắm vững tri thức về lý luận văn học, thể loại, cách đọc hiểu văn bản theo thể loại và hướng dẫn học sinh tìm hiểu ngữ liệu theo thể loại.

Những thông tin về tác giả, thời đại…(như Tiểu dẫn của sách Ngữ văn cũ) học sinh sẽ tự tìm hiểu, giáo viên chỉ chú trọng gợi mở giúp trò khám phá các giá trị nội dung và nghệ thuật của ngữ liệu.

Những gợi ý, định hướng của sách giáo khoa ý nghĩa cho thầy và trò tiếp cận yêu cầu bài học.

Theo đó, thầy cô kiên trì yêu cầu học sinh tự nói, tự viết theo cảm nhận và chấp nhận cả những ý hiểu trái chiều và từ ngữ mới lạ của trò. Thầy cô sẽ chỉ ra lỗi (nếu có) và giúp học sinh điều chỉnh theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Các bộ sách Ngữ văn 10 mới đều yêu cầu học sinh rèn luyện, nâng cao tri thức tiếng Việt, từ đọc hiểu, đến sử dụng và sử dụng hiệu quả từ ngữ khi nói và viết.

Chuyển từ phương pháp dạy đọc chép, ghi nhớ sang phương pháp hướng dẫn học sinh lần đầu tiên chủ động tìm hiểu và cảm nhận và trình bày ý hiểu là một việc không dễ và cần thời gian.

Mục tiêu của Chương trình 2018 trả lời câu hỏi sau bài này, học sinh sẽ làm được gì và làm như thế nào?, nên thầy cô hướng dẫn học sinh ghi chép chọn lọc, dành thời gian quan sát, tìm hiểu và vận dụng thực hành.

Thầy cô sẽ sử dụng chọn phương pháp dạy học tích cực để phát huy tác dụng trong bối cảnh của trường và học sinh. Ví như, lớp đông trên 40 học sinh, bàn ghế đôi cố định, phòng học nhỏ thì không thể dùng phương pháp chia nhóm, hoặc học sinh nông thôn, vùng khó khăn, phương pháp giao dự án học tập không có tác dụng…

Không có phương pháp giảng dạy nào tốt nhất. Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy cô được chủ động toàn bộ hoạt động giáo dục theo Kế hoạch chuyên môn đã phê duyệt nên các nhà giáo đừng vì lo "cháy giáo án" mà "lướt sóng".

Tùy đối tượng và để học sinh hiểu và vận dụng được, thầy cô có thể đi sâu, mở rộng hoặc không dạy một số đơn vị kiến thức.

Sự linh hoạt về phương pháp, (bản thân tôi đã thực hiện nhiều năm qua), giúp học trò không sợ giờ Văn, biết viết văn, biết diễn đạt ý, và giảm lỗi chính tả, dùng từ, dựng câu tiếng Việt.

Năng lực thầy cô quyết định kiểm tra đánh giá

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đã thay đổi hoàn toàn tư duy và các phương thức kiểm tra, đánh giá và thi. Trong kiểm tra, đánh giá toàn diện học sinh, năng lực chuyên môn của nhà giáo giữ vai trò quyết định từ việc ra đề, tổ chức kiểm tra đến nhận xét, đánh giá, xếp loại học sinh.

Thầy cô Ngữ văn nói riêng, trước hết cần hiểu thấu đáo quan điểm, phương thức, hình thức kiểm tra đánh giá toàn diện quá trình học tập và tu dưỡng của học sinh.

Để kiểm tra đánh giá công bằng và toàn diện học sinh, thầy cô Ngữ văn còn là những nhà sư phạm vững chuyên môn, hiểu biết sâu rộng, có vốn ngôn ngữ dồi dào, tri thức văn học và đời sống phong phú và cập nhật, biết dùng công nghệ thông tin cơ bản…

Thầy cô Ngữ văn gương mẫu khi nói và viết tiếng mẹ đẻ, tự bồi dưỡng chuyên môn để đủ năng lực nhận xét, đánh giá những bài kiểm tra theo hướng tự do và sáng tạo của học trò.

Sử dụng linh hoạt các phương tiện, công cụ và hình thức kiểm tra như dự án, thuyết trình, sản phẩm học tập,…; trắc nghiệm kết hợp và tự luận, hình thức nói và viết, để đánh giá định tính (nhận xét) và định lượng (cho điểm số) định kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ.

Giáo viên cần đổi mới câu hỏi, ma trận, cấu trúc đề, dùng câu hỏi mở, đáp án mở và hình thức kiểm tra linh hoạt theo đối tượng để đạt mục tiêu bộ môn.

Xây dựng được các tiêu chí đánh giá phù hợp và đảm bảo yêu cầu bộ môn Ngữ văn căn cứ vào năng lực học trò thích hợp với mỗi sản phẩm và hình thức kiểm tra.

Không hạ thấp yêu cầu nhưng các tiêu chí phải là căn cứ đánh giá được quá trình tiếp cận và vận dụng tri thức bài học và có ý nghĩa thúc đẩy học trò khắc phục thiếu sót để thay đổi cách đọc hiểu, cách nói và viết về một vấn đề đặt ra của đề bài.

Không còn môn chính, môn phụ, cho nên thầy cô Ngữ văn - bằng tâm huyết và năng lực, bắt đầu từ năm lớp 10, hướng dẫn học trò từng bước, từng ngày từ bỏ quan điểm học đối phó để thi qua môn sang học Ngữ văn với mục đích mở rộng năng lực hiểu biết, để nói đúng, viết đúng và nói tốt, viết tốt.

Thi Ngữ văn của Chương trình 2018 không chấp nhận học thuộc nhớ nhiều để chép ra bài thi lấy điểm mà yêu cầu thí sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết một vấn đề đời sống hay văn học gần gũi, không khó nhưng chưa có trong tài liệu nào.

Một bộ óc mà hai tư duy và phương pháp dạy Ngữ văn cũ và mới đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm lớn, trách nhiệm và lòng yêu nghề của các thầy cô giáo dạy lớp 10 và lớp chưa thay sách.

Các cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh truyền thông tuyên truyền, quán triệt để giáo viên và nhân dân, học sinh và phụ huynh hiểu đầy đủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đổi mới kiểm tra đánh giá và thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các cơ sở giáo dục, tổ nhóm chuyên môn đẩy mạnh tập huấn, thảo luận và thống nhất các tiêu chí trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá; đổi mới tiêu chí thanh kiểm tra, xây dựng kho ngữ liệu học phong phú, khuyến khích các nhà giáo Ngữ văn linh hoạt và sáng tạo trong kiểm tra đánh giá theo năng lực học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Văn Lự