Bao giờ mới bồi dưỡng xong kiến thức môn tích hợp cho GV bậc THCS trên cả nước?

24/07/2022 06:48
NGUYỄN CAO
GDVN- Việc thực hiện mở lớp để tất cả giáo viên dạy 2 môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở đi bồi dưỡng vẫn đang phải lần lữa, chậm trễ so với kế hoạch ban đầu.

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, ngành Giáo dục đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở ở lớp 1, năm học 2021-2022 là lớp 2 và lớp 6, năm học 2022-2023 tới đây là lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Điều đặc biệt ở chương trình 2018 là ở cấp trung học cơ sở có một số môn học tích hợp.

Đó là các môn học: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý nhưng hiện nay những giáo viên đã được tuyển dụng phần lớn được đào tạo đơn môn, họ đang dạy đơn môn nên điều chắc chắn phải bồi dưỡng thêm kiến thức mới có thể đảm nhận được các phân môn ở những môn học tích hợp.

Chính vì thế, ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 2 quyết định, đó là: Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học Tự nhiên; Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý ở trường trung học cơ sở.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, các địa phương đã triển khai các quyết định này đến đâu và có phải tất cả giáo viên đã được bồi dưỡng để có chứng chỉ dạy các môn học tích hợp hay chưa?

Việc bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên dạy các môn tích hợp vẫn đang gặp khó khăn (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Việc bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên dạy các môn tích hợp vẫn đang gặp khó khăn

(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Môn tích hợp đã triển khai đến năm thứ 2, giáo viên được bồi dưỡng kiến thức tích hợp đến đâu?

Trong năm học 2021-2022 vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh về tình trạng một số trường đại học sư phạm chiêu sinh mở lớp bồi dưỡng giáo viên dạy 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở với mức học phí từ 3 đến 5,4 triệu đồng.

Đặc biệt, kể từ ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có 2 quyết định, đó là Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý thì việc bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên tích hợp là điều bắt buộc.

Bởi lẽ, ngay phần đầu của 2 quyết định đã khẳng định: “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý”.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của người viết, lúc này đã là giữa mùa hè của năm học 2021-2022 nhưng có rất ít địa phương triển khai việc bồi dưỡng kiến thức môn tích hợp cho giáo viên theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT. Hoặc, có tổ chức mở lớp bồi dưỡng kiến thức môn tích hợp nhưng mỗi trường cũng mới cử được 01 giáo viên đi bồi dưỡng mà thôi.

Có lẽ, điều mà các địa phương, các nhà trường hiện nay đang phải tính toán kĩ lưỡng là kinh phí mở lớp cho giáo viên ở địa phương mình, trường mình sao cho hợp lý bởi kinh phí bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý ban hành kèm theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021 hướng dẫn rất cụ thể.

Theo đó, kinh phí được lấy từ 3 nguồn, bao gồm: “Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng; Do người học tự đóng góp”.

Trong khi, thời lượng học tập, bồi dưỡng kiến thức 2 môn tích hợp theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT sẽ có từ 20-26 tín chỉ (tùy từng đối tượng đào tạo) mà mỗi tín chỉ đào tạo đang được một số trường sư phạm thông báo có giá 150.000 đồng.

Như vậy, việc bồi dưỡng mỗi giáo viên tích hợp theo 2 quyết định này có giá học phí dao động từ 3-5,4 triệu đồng.

Chính vì thế, nếu giáo viên tích hợp của cả trường, cả tỉnh đều được cử đi học luôn mà nhân lên là một con số rất lớn về kinh phí. Có lẽ vì thế mà các địa phương đã có kế hoạch nhưng việc thực hiện mở lớp để tất cả giáo viên dạy 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở đi học vẫn đang phải lần lữa, chậm trễ so với kế hoạch ban đầu Bộ đã đề ra.

Bởi, bên cạnh việc bồi dưỡng cho giáo viên môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý thì còn có môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học cũng có thời lượng bồi dưỡng tương đương và nhiều môn học khác cũng cần bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các khối lớp.

Việc triển khai các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn gặp khó khăn trong năm học tới đây

Ngày 23/6/2021, khi triển khai chương trình mới ở lớp 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về 2 môn tích hợp như sau: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên”.

Để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình mới ở lớp 7 trong năm học 2022-2023 tới đây, ngày 19/4/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc triển khai thực hiện chương trình năm học 2022-2023.

Trong công văn này, Bộ đã hướng dẫn đối với môn Lịch sử và Địa lý: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học”.

Với môn Khoa học tự nhiên, Bộ hướng dẫn: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học”.

Như vậy, về cơ bản, việc Bộ hướng dẫn sắp xếp, bố trí nhân lực dạy 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở ở lớp 7 tới đây theo Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH so với lớp 6 trong năm học trước theo Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH cơ bản là giống nhau.

Trong khi, các nhà trường muốn đưa giáo viên đi bồi dưỡng kiến thức để về dạy cả môn học tích hợp phải có kế hoạch, lộ trình của Sở vì nó liên quan đến vấn đề kinh phí chi trả cho các trường sư phạm chứ nhà trường không thể tự ý được. Hoặc, giáo viên muốn tự đi học thì phải chi trả hoàn toàn học phí.

Chính vì vậy, việc sắp xếp nhân sự giảng dạy các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở trong năm học tới đây về cơ bản vẫn là phân môn của ai, người đó dạy vì hiện nay có rất ít địa phương đã đưa giáo viên đi bồi dưỡng kiến thức các môn học tích hợp.

Chủ trương đưa 5 môn học ở chương trình 2006 gồm Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học thành 2 môn học tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Chủ trương đã có, chương trình, sách giáo khoa đã thiết kế thành một môn học nhưng môn học đó đang có từ 2-3 giáo viên cùng giảng dạy.

Nếu ngành Giáo dục, các địa phương không đẩy nhanh tiến độ bồi dưỡng giáo viên tích hợp theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thì việc triển khai chương trình mới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện ở các nhà trường và tất nhiên mục tiêu, chủ trương ban đầu sẽ bị thách thức.

Với những gì đang diễn ra ở địa phương hiện nay thì chưa biết bao giờ nào mới bồi dưỡng xong cho tất cả giáo viên dạy các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở.

Trong khi, Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT đều khẳng định: “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý”.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO