Ngay sau khi Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở được ban hành thì nó đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của những thầy cô giáo sẽ dạy môn tích hợp.
Cả 2 quyết định này đều hướng tới một vấn đề, đó là: “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí” thì việc hướng dẫn các đối tượng tham gia bồi dưỡng cũng là điều đáng quan tâm nhiều nhất.
Bởi, giáo viên đang dạy các môn Vật lý, Hóa Học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử dù đào tạo từ nguồn nào, đào tạo 1 chuyên ngành, hay 2 chuyên ngành, thậm chí đang là sinh viên đều được hướng dẫn tham gia khóa học bồi dưỡng để lấy chứng chỉ tích hợp.
Đối tượng tham gia bồi dưỡng môn tích hợp có cả sinh viên sư phạm năm cuối Ảnh chụp từ màn hình: Thanh An |
Thầy cô nào cũng là….đối tượng bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp
Đọc Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thì chúng tôi thấy có một điều rất đáng băn khoăn mà lẽ ra họ không cần thiết phải bồi dưỡng hoặc nếu Bộ chủ động thì nhiều đối tượng không cần phải tham gia khóa bồi dưỡng để lấy chứng chỉ tích hợp trong thời gian tới đây.
Bởi, theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT thì những đối tượng phải tham gia bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên ở cấp Trung học cơ sở sẽ có 2 đối tượng là A và B.
Đối tượng A: đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng đơn ngành sư phạm hoặc cử nhân Vật lý, sư phạm Hóa học, sư phạm Sinh học hoặc các ngành sư phạm hoặc cử nhân song môn trong có 1 môn là Vật lý hoặc Hóa học hoặc Sinh học (Toán học - Vật lý, Vật lý – Kỹ thuật công nghiệp, Toán học - Hóa học, Sinh học – Thể dục thể thao...).
Chương trình giáo dục phổ thông mới mang đến nhiều kỳ vọng, nhưng cũng có không ít băn khoăn từ các thầy cô giáo về cách triển khai, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: moet.gov.vn. |
Đối tượng B: đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng các ngành sư phạm hoặc cử nhân: Vật lý - Hóa học, Hóa học - Sinh học, Sinh học - Hóa học.
Theo hướng dẫn của Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thì Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý tới đây sẽ có 6 đối tượng cụ thể, đó là:
+ Đối tượng 1: Người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành sư phạm Lịch sử hoặc tốt nghiệp cao đẳng các ngành sư phạm song môn trong có 1 môn là Lịch sử.
+ Đối tượng 2: Người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành sư phạm Địa lí hoặc tốt nghiệp cao đẳng các ngành sư phạm song môn trong có 1 môn là Địa lí.
+ Đối tượng 3: Sinh viên năm cuối các trường cao đẳng đang học ngành sư phạm Lịch sử, hoặc các ngành sư phạm song môn trong có 1 môn là Lịch sử.
+ Đối tượng 4: Sinh viên năm cuối các trường cao đẳng sư phạm đang học ngành sư Địa lí, hoặc các ngành sư phạm song môn trong có 1 môn là Địa lí.
+ Đối tượng 5: Giáo viên đang giảng dạy môn Lịch sử, Địa lí đã tốt nghiệp ở các trường Đại học khác mà không có bằng Cử nhân Sư phạm.
+ Đối tượng 6: Giáo viên được đào tạo chuyên môn khác có nhu cầu dạy Lịch sử, Địa lý hoặc sẽ được phân công dạy Lịch sử, Địa lí.
Nhìn vào các đối tượng mà 2 quyết định này hướng dẫn, chúng tôi thấy là tất cả giáo viên đang giảng dạy các môn học hiện nay là Địa lí, Lịch sử, Hóa học, Sinh học, Vật lí đều phải tham gia bồi dưỡng từ 20-36 tín chỉ để được cấp chứng chỉ môn tích hợp.
Khi có chứng chỉ mới đủ điều kiện để: “được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí”.
Có những tối tượng đáng lẽ ra không nên phải tham gia bồi dưỡng để lấy chứng chỉ, nếu…
Đọc 2 quyết định mà Bộ vừa ban hành, chúng tôi thấy đáng lẽ ra có những đối tượng không cần thiết phải tham gia bồi dưỡng để có chứng chỉ tích hợp, nếu Bộ chủ động ngay từ đầu.
Chẳng hạn, đối với môn Lịch sử và Địa lí, người viết thấy có 2 đối tượng 3 và 4 cũng được hướng dẫn tham gia bồi dưỡng, đó là:
+ Đối tượng 3: Sinh viên năm cuối các trường cao đẳng đang học ngành sư phạm Lịch sử, hoặc các ngành sư phạm song môn trong có 1 môn là Lịch sử.
+ Đối tượng 4: Sinh viên năm cuối các trường cao đẳng sư phạm đang học ngành sư Địa lí, hoặc các ngành sư phạm song môn trong có 1 môn là Địa lí.
Nếu nhìn lại quá trình chuẩn bị Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì Bộ có kế hoạch từ khá lâu. Năm 2017 và 2018 thì Bộ đã ban hành Chương trình tổng thể, Chương trình môn học, năm 2021 thì triển khai giảng dạy ở các nhà trường đối với lớp 6.
Vì thế, đáng lẽ ra ở thời điểm này thì Bộ đã có chủ trương sẽ đưa môn tích hợp vào cấp Trung học cơ sở thì ngưng việc đào tạo giáo viên đơn môn hệ cao đẳng thì bây giờ sinh viên năm cuối đỡ phải học chứng chỉ?
Thậm chí bây giờ, khi Bộ ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT hướng dẫn đối tượng bồi dưỡng có cả: “Sinh viên năm cuối các trường cao đẳng sư phạm…” thì các trường sư phạm có thể lồng ghép chương trình tích hợp vào dạy chính khóa cũng không phải là quá khó khăn.
Thế nhưng, Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT lại yêu cầu cả “Sinh viên năm cuối các trường cao đẳng sư phạm…” cùng tham gia bồi dưỡng để lấy chứng chỉ môn học của mình sẽ dạy trong tương lai từ khi đang còn là…sinh viên?
Vậy, mấu chốt của sự việc này là gì?
Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT hướng dẫn kinh phí bồi dưỡng giáo viên từ 3 nguồn:
- Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương.
- Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng.
- Do người học tự đóng góp.
Như vậy, cho dù kinh phí được lấy từ nguồn nào đi chăng nữa thì cái lợi sẽ không thuộc về người học và ngân sách nhà nước. Vô tình, Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT tạo thêm công ăn, việc làm và thu nhập cho các trường sư phạm trong thời gian tới đây, còn các thầy cô và sinh viên sư phạm muốn "đủ điều kiện tối thiểu" để dạy môn tích hợp mới thì phải có chứng chỉ, và rất có thể phải bỏ tiền ra học (học phí, chi phí đi lại, ôn thi...) để nuôi các cơ sở dạy và cấp chứng chỉ.
Tài liệu tham khảo:
- Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT
- Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.