Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 70.317 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (đạt 94%) và 742.794 người tham gia bảo hiểm y tế (đạt 91%).
Thu hơn 1.007 tỷ đồng, chi trả hơn 1.851 tỷ đồng
Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình, số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt 1.007 tỷ đồng, đạt 48% so với kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Tuy nhiên số người tham gia bảo hiểm y tế lại giảm 1.182 người so với tháng 12/2021.
Trong sáu tháng đầu năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình đã chi trả chi phí khám chữa bệnh cho hơn 418.370 lượt người. Ảnh: CTV |
Nguyên nhân đối tượng giảm tập trung chủ yếu tại các xã không tiếp tục được ngân sách nhà nước đóng 100% kinh phí tham gia Bảo hiểm y tế vì không được công nhận là các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo theo các quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 13/12/2021.
Thực hiện công tác chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kịp thời, chính xác, đảm bảo an toàn tiền mặt, tiết kiệm đúng theo quy định với tổng số tiền chi trả 1.851 tỷ đồng.
Trong đó, chi bảo hiểm xã hội là 1.489 tỷ đồng; chi Bảo hiểm y tế là 316 tỷ đồng… Thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cho 418.370 lượt người.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay chính sách bảo hiểm y tế đã mở rộng thanh toán rất nhiều khoản viện phí, bao gồm: Kỹ thuật cao, thuốc men và các dịch vụ cận lâm sàng...
Người tham gia bảo hiểm y tế chỉ phải đóng 804.000 đồng/năm và giảm dần nếu mua theo hộ gia đình, nhưng được bảo hiểm y tế chi trả gấp nhiều lần trong quá trình điều trị.
“Hiện nay, Bộ Y tế dự kiến sẽ đưa dịch vụ khám sàng lọc một số bệnh, khám định kỳ dự phòng sớm và cả tiêm vắc-xin phòng bệnh vào danh sách các dịch vụ được bảo hiểm y tế chi trả.
Đó là các bệnh rối loạn chuyển hóa và nội tiết, tiểu đường, ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, cùng một số bệnh ung thư khác để có hiệu quả khi can thiệp sớm.
Danh sách các dịch vụ, các loại bệnh được bảo hiểm y tế chi trả đang được nghiên cứu mở rộng dần để bảo đảm quyền lợi ngày càng cao cho người tham gia bảo hiểm y tế”, ông Dũng nói.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, đơn vị này đã tiến hành chi trả chi phí khám chữa bệnh cho nhiều người bị bệnh nặng, phải nhập viện điều trị nhiều ngày.
Trong số đó, có nhiều trường hợp số tiền bảo hiểm chi trả lên đến vài trăm triệu đồng. Điển hình như trường hợp bệnh nhân Hồ Công Nhân (xã An Ninh, Quảng Ninh) được thanh toán chi phí khám chữa bệnh hơn 260 triệu đồng;
Nguyễn Minh Đức (xã Phù Hóa, Quảng Trạch) được thanh toán chi phí khám chữa bệnh hơn 250 triệu đồng; Nguyễn Đình Dự (xã Quảng Phương, Quảng Trạch) được thanh toán chi phí khám chữa bệnh gần 200 triệu đồng…
Đẩy mạnh chính sách bảo hiểm xã hội
Ông Phạm Thanh Tùng - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu kịp thời Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành... đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn.
“Bên cạnh đẩy mạnh thực hiện công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ngành bảo hiểm xã hội cũng đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp đôn đốc thu nợ, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng
Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh đôn đốc thu nợ đối với những đơn vị đủ điều kiện để đề nghị khởi tố, lập hồ sơ đề nghị cơ quan Công an điều tra, khởi tố đối với các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không chấp hành kết luận thanh tra.
Tiếp tục bám sát quy trình giám định, kết hợp giám định chủ động và giám định điện tử để triển khai tốt công tác giám định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh”.
Trước đó, tại hội nghị Ban chỉ đạo thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tỉnh Quảng Bình ngày 10/3, ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng đến từng nhóm người dân để tích cực tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế.
Trong đó, chú trọng phát huy tối đa sự ảnh hưởng của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo… trong công tác tuyên truyền, vận động.
Đẩy mạnh tập huấn kỹ năng tuyên truyền với nhân viên đại lý thu, chấn chỉnh kịp thời những hành vi vi phạm về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế nhất là hành vi trốn, nợ đọng…
Ông Phong cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp để hỗ trợ mức đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện cho nhóm người có thu nhập thấp.
Tăng cường chỉ đạo công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên và hoạt động y tế trường học, phấn đấu năm học 2022-2023 có 100% học sinh, sinh viên tham gia Bảo hiểm y tế.