Theo lời của thầy Trần Quang Dũng – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu), Pờ Khải Sinh (người dân tộc La Hủ) – học sinh lớp 9B là một học sinh lễ phép, hiếu thảo, tích cực tham gia phong trào của trường được thầy cô quý mến.
Nhà của Pờ Khải Sinh cũng không lấy gì làm khá giả, biết được hoàn cảnh gia đình mình như vậy, nhiều lần Sinh cũng tâm sự với các bạn về ước mơ, cố gắng học để có thể theo nghề nghiệp mình thích.
Thế nhưng, tai nạn kinh hoàng mà Sinh gặp phải đã làm hành trình thực hiện ước mơ của Sinh dang dở, thậm chí suýt mất mạng.
Pờ Khả Sinh khi nhập viện. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Tháng 5/2022, trong một lần đi mua thức ăn đưa cho bố mẹ trên nương, trên đường trở về trường, thật không may, đoạn đường Sinh đi bị sạt lở. Sinh bị đất đá, cành cây đổ vào người gây thương tích rất nặng.
Theo thầy Trần Quang Dũng, khi nhà trường nhận được tin báo, người dân đã đưa Pờ Khả Sinh vào trạm xá xã Mù Cả để sơ cứu trong tình trạng đa chấn thương, đầu bị chấn thương nặng, chảy máu tai, nôn ra máu…
Sau đó, em được gia đình và nhà trường chuyển tuyến xuống bệnh viện huyện và được chuyển ngay xuống khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Tại đây, các bác sĩ đã chuẩn đoán: Em bị vỡ hộp sọ, tụ máu não, đứt các gân đầu, hết sức nguy kịch.
Hoàn cảnh gia đình em thuộc hộ nghèo của xã, bố mẹ làm nông, chi phí sinh hoạt của cả gia đình 7 người chỉ trông chờ vào mấy sào nương rẫy. Vì thế chi phí làm phẫu thuật cho em hết sức khó khăn, bế tắc, vượt quá khả năng chi trả của gia đình.
Thế nhưng, rất may, Pờ Khả Sinh có tham gia bảo hiểm y tế học sinh, nhờ vậy, mọi chi phí phẫu thuật của Sinh được bảo hiểm y tế chi trả.
Theo chia sẻ của thầy giáo Trần Quang Dũng: “Cũng may Sinh có bảo hiểm y tế nên được chạy chữa kịp thời và các chi phí phẫu thuật đều được bảo hiểm y tế chi trả, nếu không gia đình cũng không biết làm thế nào".
Đặc biệt, trước hoàn cảnh khó khăn của Sinh, nhà trường cũng đã kêu gọi nhiều nhóm thiện nguyện giúp đỡ Sinh.
Các đoàn thiện nguyện cho cũng đã giúp đỡ được nhiều nhưng chủ yếu là sau hậu phẫu, em cần quá trình điều trị phục hồi. Tiền phẫu thuật, hiện tôi chưa rõ cụ thể là bao nhiêu nhưng theo gia đình nói là rất lớn”.
Đến tháng 7/ 2022, Pờ Khả Sinh đã được xuất viện về nhà để chăm sóc, tuy nhiên, theo thầy Dũng, Sinh chưa nói được bởi ảnh hưởng của tai nạn.
“Cuộc sống của em ấy bây giờ đã ổn hơn nhiều rồi, gia đình cũng đỡ vất vả. Hiện Sinh đang ở nhà dưỡng bệnh và có nhiều tiến triển tốt”, thầy Dũng cho biết thêm.
Nói về việc học sinh tham gia bảo hiểm y tế tại Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Mù Cả, thầy Trần Quang Dũng cho biết, học sinh ở Mù Cả 100% học sinh đã tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài đối tượng đã được cấp phát miễn phí theo diện chính sách, các trường hợp phải mua bảo hiểm y tế cũng tham gia rất đầy đủ.
Bên cạnh việc tuyên truyền về lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế, hàng năm nhà trường đều thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè để phổ biến đến từng gia đình nên tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế học sinh đều rất tốt. Điều đó cho thấy, các phụ huynh đã hiểu được ý nghĩa nhân văn, tầm quan trọng của bảo hiểm y tế học sinh.
Không những vậy, đối với những gia đình hộ nghèo còn được cấp phát bữa cơm ăn miễn phí cho người nhà đi trông các em nếu có đau ốm.
Sau nhiều tháng điều trị, Pờ Khả Sinh đã xuất viện về nhà, tuy chưa nói được nhưng bệnh tình của Sinh tiến triển rất tốt. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
“Ở Mù Cả không tính những trường hợp nặng như em Sinh, nhiều em học sinh khác bị tai nạn hay đau ốm phải đi viện, người nhà đều thấy lợi ích khi được tham gia bảo hiểm y tế học sinh nên việc tuyên truyền của nhà trường cũng có nhiều thuận lợi. Có tham gia bảo hiểm y tế, học sinh và các gia đình yên tâm hơn nếu chẳng may bị tai nạn, hay ốm đau sẽ bớt đi gánh nặng về kinh tế”, thầy Dũng nhấn mạnh.
Huyện Mường Tè (Lai Châu) có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, có những dân tộc rất ít người như: Cống, Mảng, La Hủ, Si La.
Những năm gần đây, ngành giáo dục Mường Tè có nhiều khởi sắc, tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhiệm vụ “trồng người” trên mảnh đất biên cương Tổ quốc.
Toàn huyện có 37 trường với trên 14.500 học sinh các cấp học từ Mầm non đến Trung học cơ sở. Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè đã đặt ra mục tiêu: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn nơi có học sinh dân tộc La Hủ.