Chấm dứt văn mẫu và đổi mới dạy học, kiểm tra môn Ngữ văn phải bắt đầu từ đâu?

30/07/2022 06:32
NGUYỄN NGUYÊN
GDVN- Dù dư luận rất mong chờ vào sự thay đổi trong việc giảng dạy, kiểm tra, thi cử đối với môn Ngữ văn ở các cấp học phổ thông nhưng có lẽ vẫn còn lắm gian nan.

Ngày 21/7 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng nề về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu.

Thế nhưng, chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu môn Ngữ văn phải bắt đầu từ đâu lại là một câu chuyện rất dài và không hề giản đơn như một số người vẫn nghĩ vì văn mẫu, bài mẫu đã “phủ sóng” khắp ngành giáo dục từ mấy chục năm nay.

Hiện nay có rất nhiều loại sách đi kèm sách giáo khoa Ngữ văn (Ảnh chụp màn hình)

Hiện nay có rất nhiều loại sách đi kèm sách giáo khoa Ngữ văn

(Ảnh chụp màn hình)

Tránh thuyết giảng, đọc chép và thuộc lòng theo văn mẫu có khó không?

Với yêu cầu hiện nay, việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở các nhà trường đã loại dần việc thuyết giảng một chiều, độc thoại của thầy cô trong quá trình đứng lớp nhưng sự việc này đang gặp phải những trở ngại nhất định.

Thực tế, một bộ phận giáo viên hiện nay vẫn luôn vận dụng phương pháp thuyết giảng vì luôn có suy nghĩ những tác phẩm văn học mà thầy cô không giảng thì học sinh không hiểu một cách trọn vẹn được.

Một bộ phận học sinh cũng ngại tìm tòi, suy nghĩ nên khi thầy cô giao bài tập, giao nhiệm vụ thì chỉ có một số ít em thực hiện. Chính vì vậy, nhiều thầy cô sợ học sinh không nắm được bài, không ghi chép bài thì sẽ không có gì để học.

Trong khi đó, không ít những chuyên gia đầu ngành, những tác giả sách giáo khoa môn Ngữ văn lại là tác giả của những cuốn văn mẫu, bài mẫu môn Ngữ văn ở các cấp học phổ thông.

Chương trình 2006 đã đành, chương trình 2018 thì những cuốn sách mẫu như bài tập đọc hiểu, văn bản đọc hiểu, phiếu học tập… đã xuất hiện khá nhiều. Tất nhiên, những cuốn sách này được tác giả gợi ý chi tiết cách tiếp cận các phân môn: văn bản, tiếng Việt, tập làm văn.

Phải thừa nhận một điều là văn mẫu, bài mẫu đã xuất hiện từ rất lâu và bản chất của nó không xấu nếu người viết, người sử dụng không quá lạm dụng các loại sách này nhằm mưu cầu những toan tính riêng.

Nhưng, nhìn lại cách tiếp cận của các tác giả viết văn mẫu, bài mẫu, cách sử dụng văn mẫu, bài mẫu của một bộ phận nhà giáo, học sinh trong mấy chục năm qua thì chúng ta không khỏi không lo ngại.

Những tác giả, nhà xuất bản văn mẫu, bài mẫu, kiểm tra mẫu mong muốn sách được bán nhiều. Thầy cô giáo cũng muốn có những tài liệu để tham khảo, học sinh cũng muốn có văn mẫu để khỏi phải suy nghĩ, khám phá…

Chính vì thế, bên cạnh sách giáo khoa thì sách bài tập, sách tham khảo đi kèm vào nhà trường một cách tự nhiên. Dần dần, một bộ phần thầy cô, học trò lệ thuộc vào văn mẫu, bài tập mẫu lúc nào không hay.

Tính sáng tạo trong dạy và học Văn ở các trường phổ thông mất dần, thay vào đó là những bài tập, những bài kiểm tra đã có đáp án sẵn và những bài văn mẫu đi vào những những bài kiểm tra, bài thi…

Vì vậy, muốn khắc phục tình trạng thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu là điều cần thiết, phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhưng có lẽ nó cũng không đơn giản vì nó liên quan đến nhiều người.

Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH có gì mới?

Việc Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH được dư luận đặc biệt quan tâm, nhiều người cho rằng chỉ đạo của Bộ vừa đúng, vừa trúng nhưng cũng có nhiều thầy cô giáo cho rằng Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH thực ra không mới.

Bởi lẽ, những năm qua thì Bộ cũng triển khai nhiều văn bản, cũng nói nhiều đến việc đổi mới trong dạy và học văn ở các nhà trường nhưng rồi đâu cũng lại vào đấy.

Chương trình mới mới thực hiện được ở lớp 6, năm tới đây đến lớp 7 và lớp 10 nhưng trên các trang mạng của giáo viên có hàng trăm tin quảng cáo bán giáo án mẫu theo hướng dẫn của Công văn 5512.

Tác giả viết chương trình, tác giả sách giáo khoa các bộ sách Ngữ văn của chương trình mới thì bên cạnh những cuốn sách giáo khoa chính thống cũng có hàng loạt sản phẩm “ăn theo” đi kèm.

Có những tác giả là chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn cũng liên tục lên trang facebook của nhóm giáo viên Ngữ văn quảng bá về những cuốn sách mẫu của mình là tác giả, cũng nhấn mạnh sự cần thiết của những cuốn sách mẫu mà mình viết hoàn thành, được các nhà xuất bản phát hành.

Có nhiều nhóm giáo viên cũng đứng ra bán giáo án một cách rầm rộ, công khai và có rất nhiều thầy cô giáo sẵn sàng bỏ ra mấy trăm ngàn đồng để mua bộ giáo án cả năm cho khỏi mất thời gian ngồi soạn bài.

Có nhiều đề kiểm tra ở nhà trường - kể cả chương trình hiện hành, chương trình mới là những đề kiểm tra được lấy hoàn toàn từ các bộ đề kiểm tra sẵn rồi đưa cho học sinh làm.

Có thầy cô dạy môn Ngữ văn đang dạy thêm cho học trò chính khóa của mình tại nhà, gần đến ngày kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ thì cho cái đề na ná, thậm chí hướng dẫn giải đề trước, gợi ý trước cho học sinh.

Học sinh muốn đạt điểm cao thì đi học thêm từ thầy cô chính khóa của mình hoặc lên mạng internet chỉ cần vài thao tác là có các đề, đáp án mà thầy cô mình sẽ ra. Vì khi kiểm tra, gần như thầy cô nào cũng giới hạn các đơn vị kiến thức, hoặc các tác phẩm văn học để học sinh chuẩn bị bài trước.

Hơn nữa, lãnh đạo ngành thì luôn ấn định chỉ tiêu phần trăm học sinh giỏi, khá nên bắt buộc giáo viên phải tìm mọi cách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh của mình có điểm số đẹp cho đạt chỉ tiêu.

Chính vì vậy, muốn cho những nội dung chỉ đạo trong Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH có hiệu quả thì phải thay đổi toàn diện từ khâu kiểm soát, xuất bản sách mẫu, văn mẫu và phát hành đến các nhà trường.

Các hội đồng bộ môn cấp huyện, cấp tỉnh, các tổ trưởng Ngữ văn ở các nhà trường phải là những người sâu sát, đi đầu trong việc đổi mới giảng dạy bộ môn cũng mình và có những định hướng, giúp đỡ giáo viên trong trường, trong hội đồng bộ môn thay đổi.

Việc ra đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn cũng cần có thay đổi, tránh máy móc đưa ra đáp án chi tiết rồi khi chấm cứ nhìn vào đáp án để chấm. Học sinh làm theo đáp án của người ra đề thì điểm cao, học sinh làm khác ý thầy cô thì điểm thấp.

Không phải đợi đến bây giờ mà ngay đầu năm học 2021-2022 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói rằng cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu vì nó dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò nhưng rồi mọi chuyện cũng chưa có sự thay đổi rõ ràng.

Chấm dứt văn mẫu, bài mẫu cũng đồng nghĩa là chống lại tình trạng dạy thêm môn Ngữ văn, chống lại bệnh thành tích đã tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua…

Vì thế, dù rất mong chờ vào sự thay đổi trong việc giảng dạy, kiểm tra, thi cử đối với môn Ngữ văn ở các cấp học phổ thông nhưng có lẽ nó cũng không hề đơn giản.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN