'Bệnh ngụy thành tích' làm hại học trò, thuốc gì chữa được?

25/04/2021 07:14
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một phần nguyên nhân dẫn đến học sinh không biết đọc biết được cho là "bệnh ngụy thành tích" nhưng dường như “bệnh” đã chẩn mà thuốc vẫn chưa có để chữa.

Việc một số học sinh lớp 6 trường Trung học cơ sở -Trung học phổ thông Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) mà đọc, viết vẫn khó khăn khiến dư luận băn khoăn. [1]

Băn khoăn cũng phải bởi bao năm qua, phụ huynh và xã hội đã quá quen với việc năm học nào kết thúc cũng có báo cáo thành tích 100% được lên lớp, cứ cuối năm học là phụ huynh dần dần khoe các con giấy khen thành tích này, thành tích nọ.

Cháu nào không hoàn thành xuất sắc thì được khen “từng mặt”… và như vậy lên lớp là chuyên đương nhiên.

Nhưng lên lớp mà không đọc thông viết thạo, thậm chí các cháu vượt qua cả cấp Tiểu học với 5 năm ngồi trên ghế nhà trường khiến dư luận ngạc nhiên và giật mình.

Có lẽ nhiều người đã quên vào năm 2016, ở Sóc Trăng, có trường hợp em L.S.V - học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Lê Vĩnh Hòa, thành phố Sóc Trăng tỉnh Sóc Trăng bị trả về lớp 1 vì chưa đọc thông viết thạo. Nước mắt em V. và gia đình đã khiến nhiều người cám cảnh, chính em cũng không biết vì sao mình được lên lớp để rồi phải trả về lớp 1 khi đã học đến lớp 6. [2]

Năm 2019, một trường Trung học cơ sở ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang dù đạt chuẩn quốc gia nhưng có đến 5 em học sinh từ lớp 6 lên lớp 7 đọc viết còn kém. [3]

Cũng trong năm 2019, tại Trường Tiểu học Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), nhiều học sinh ở trường này được phản ánh có hiện tượng “ngồi nhầm lớp”, khi lên lớp 3, lớp 4 song đọc, viết còn kém. [4]

Có thể thấy, hiện tượng học sinh không đạt yêu cầu về học lực, chưa đáp ứng các kiến thức của năm học mà vẫn tiếp tục lên lớp không phải vừa mới xuất hiện mà đã diễn ra từ nhiều năm qua.

Mặc dù được gọi nhẹ nhàng là “ngồi nhầm chỗ” hay chỉ thẳng ra là “bệnh ngụy thành tích” hay “bệnh đã yếu kém còn gian dối”…nhưng dường như “bệnh” đã chẩn mà thuốc vẫn chưa có để chữa.

Nước mắt em L.S.V - học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Lê Vĩnh Hòa, thành phố Sóc Trăng tỉnh Sóc Trăng năm 2016. ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, vtv.vn

Nước mắt em L.S.V - học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Lê Vĩnh Hòa, thành phố Sóc Trăng tỉnh Sóc Trăng năm 2016. ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, vtv.vn

Bày tỏ ý kiến với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo (Đồng Văn, Hà Giang) cho rằng để tình trạng học sinh học đến lớp 6 vẫn không đọc thông viết thạo là hiện tượng đáng buồn.

“Để xảy ra hiện tượng này không khó giải thích về trách nhiệm của ai, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó”, thầy Thuận cho biết.

“Hàng năm, hầu hết ở các trường, cụ thể như trường Lũng Táo để xét lên lớp, nhà trường cũng tổ chức thi, kiểm tra chéo, nhận xét đánh giá đầy đủ theo quy định. Chỉ cần so sánh chất lượng đầu năm với chất lượng cuối năm thì sẽ ra chất lượng của học sinh.

Để xảy ra hiện tượng này có thể do nhà trường đã quá tin tưởng giáo viên và người quản lý không làm tốt vai trò kiểm tra, giám sát của mình”.

Nói về ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do việc giao chỉ tiêu, áp lực của trường chuẩn quốc gia… khiến các trường cố tình lấp liếm dẫn đến sai lại càng sai.

Thầy Thuận cho rằng: “Đó không phải là nguyên nhân chính, nguyên nhân chính xác ở đây là năng lực của người đứng đầu nhà trường, người lãnh đạo nhà trường làm tốt thì khó có hiện tượng học sinh không biết đọc biết viết kéo dài theo nhiều năm.

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm mang lại môi trường học tập thuận lợi, tốt nhất cho học sinh. Trường chuẩn quốc gia được đầu tư nhiều thì cũng đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải làm việc nhiều vầ trọng trách nhiều hơn.

Nhà trường nhắm mắt cho qua vì thành tích thật nhẫn tâm với học sinh. Ảnh minh họa: Người lao động.

Nhà trường nhắm mắt cho qua vì thành tích thật nhẫn tâm với học sinh. Ảnh minh họa: Người lao động.

Nói giữ trường chuẩn quốc gia là nguyên nhân để những sai phạm bị lấp liếm nhiều năm dẫn đến học sinh không biết đọc, biết viết, tôi cho rằng không hợp lý. Mà chỉ là những cá nhân vì những lợi ích khác mới làm như vậy”, thầy Nguyễn Văn Thuận chia sẻ.

“Đối với học sinh trường vùng cao như Lũng Táo, chúng tôi cũng rất vất vả trong việc duy trì và phát triển chất lượng giáo dục. Để các em đọc thông, viết thạo đòi hỏi các thầy cô vất vả nhiều hơn dưới xuôi, vùng phát triển.

Tuy nhiên, để học sinh đến lớp 5 mà vẫn không đọc thông, viết thạo thì ở Lũng Táo không xảy ra hiện tượng này”, thầy Thuận cho biết thêm.

Những đánh giá, kiểm tra chỉ là hình thức nếu thầy cô chỉ làm cho có, hoặc vì thành tích, danh hiệu mà lờ đi sự yếu kém của học sinh là đáng lên án. Về phía học sinh, có học sinh giỏi, có học sinh kém là chuyện rất bình thường, không thể trách các em được.

Như vậy có thể thấy, các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn đang hoàn thành tốt công tác phổ cập giáo dục tiểu học.

Cũng từng chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng trường Tiểu học Húc (xã Húc, Hướng Hóa, Quảng Trị) cho rằng:

“Những đánh giá, kiểm tra chỉ là hình thức nếu thầy cô chỉ làm cho có, Hiệu trưởng nếu không kiểm tra, giám sát tốt thì cũng khó có thể biết được.

Về phía học sinh, có học sinh giỏi, có học sinh kém là chuyện rất bình thường, không thể trách các em được. Vấn đề các thầy cô phải biết phát hiện vấn đề của học sinh kịp thời để điều chỉnh”.

Thực tế tại trường Húc, các thầy cô giáo vẫn phải chấp nhận có học sinh bị lưu ban lớp 1; lớp 2. Tuy buồn đấy, nhưng thà để các em lưu ban lại lớp 1, lớp 2 nhưng các em sẽ nhận được kiến thức tuần tự để tiếp tục học tiếp. Tại trường Tiểu học Húc, dù có đến 90% học sinh là người dân tộc thiểu số Bru- Vân Kiều nhưng không có chuyện học sinh học đến lớp 5 nhưng vẫn không biết đọc, biết viết.

Điều gì khiến học sinh lớp 6 chỉ viết được vào dọc nguệc ngoạc như thế này?

Điều gì khiến học sinh lớp 6 chỉ viết được vào dọc nguệc ngoạc như thế này?

Như vậy, nếu Hiệu trưởng không thực hiện tốt vai trò giám sát của mình, để sự việc sai lại càng thêm sai thì người thiệt thòi vẫn là học sinh và là ngươi hứng chịu hậu quả.

Các em học không đạt có thể mất một năm để học lại nhưng nếu bị đẩy lên quá sức mình, từ năm này sang năm khác thì có lẽ suốt quãng đời học sinh sẽ phải vẹo vọ trong một vị trí không vừa với mình, kiến thức thì cứ hổng mãi.

Đây là thiệt thòi về lâu dài trong cả quá trình sau này đối với các em. Rõ ràng khi học sinh học yếu, chưa đủ điều kiện để tiếp nhận kiến thức cao hơn thì việc đẩy các em lên lớp để lấy thành tích là làm hại học trò.

Các em cần được có quyền tiếp nhận những thứ vừa vặn với bản thân và sống với những điều chân thực về kiến thức và cuộc sống.

Thực tế, tại Đồng Tháp đã có em học sinh bỏ học vì không theo kịp chúng bạn, các em phải ra đời sớm một phần nguyên nhân đến từ các thầy cô giáo.

Sự “lờ đi” của người lớn đã hại các em.

'Bệnh ngụy thành tích' trong giáo dục vẫn được chỉ ra nhiều năm qua nhưng để kê đơn thuốc trị 'bệnh' này nghe chừng vẫn rất xa vời.

Dư luận có lẽ vẫn phải thêm vào lần 'giật mình' việc học sinh phải ra đời sớm hay phải "giáo dục lại" khi bị phát hiện ra ngồi nhầm lớp, trong khi các em cứ lên lớp đều đều và được "khen từng mặt".

· Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/xa-hoi/xon-xao-chuyen-hoc-sinh-lop-6-doc-viet-kho-khan-339888.html

[2] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hoc-sinh-lop-6-lop-7-truong-chuan-quoc-gia-doc-viet-khong-ro-899640.vov

[3] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/soc-trang-chan-chinh-tinh-trang-hoc-lop-3-nhung-khong-biet-doc-556961.vov

[4] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/ha-tinh-khong-biet-doc-biet-viet-van-duoc-len-lop-3-514991.html

Trần Phương