Ở nhiều trường đại học, thiết chế HĐT - Ban giám hiệu chưa phân định rõ ràng

05/08/2022 06:41
Phạm Minh
GDVN- Ông Nguyễn Đắc Vinh: Đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục đại học theo hướng Nhà nước tiếp tục phân bổ nguồn lực đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học.

Phát biểu tại "Hội nghị tự chủ đại học 2022” diễn ra ngày 04/8, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học là một chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước thời gian qua.

Việc triển khai tự chủ đại học chỉ thực sự được đẩy mạnh triển khai từ sau khi ban hành Luật Giáo dục đại học và bước đầu đạt kết quả quan trọng.

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học đã dần tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Từ các văn kiện, nghị quyết về chủ trương, đường lối của Đảng cho tới văn bản luật, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội cũng như hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh thực hiện tự chủ, có chính sách đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Hành lang pháp lý về tự chủ đại học tiếp tục được hoàn thiện. Việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, công tác quản lý, quản trị đại học có chuyển biến tích cực. Cơ chế tự chủ đã tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục đại học phát huy dân chủ, có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn trong xây dựng và tổ chức triển khai hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng một cách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.

Bên cạnh đó, việc thu hút, huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học đã bước đầu có sự đa dạng hoá; hiệu quả sử dụng nguồn lực có nhiều cải thiện và từng bước được nâng cao.

Cơ chế tài chính cho giáo dục đại học dần được điều chỉnh, đổi mới. Cơ sở giáo dục đại học công lập được giao thực hiện tự chủ được quyền quyết định giá dịch vụ đào tạo, bảo đảm bù đắp chi phí và có tích luỹ hợp lý cũng như tự quyết định các khoản chi, mức chi phù hợp với mức độ, năng lực thực hiện tự chủ theo quy định.

Chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên. Tỉ lệ cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị tăng đáng kể; số lượng công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh.

Cơ chế tài chính cho giáo dục đại học còn vướng mắc

Bàn về một số rào cản, vướng mắc nổi cộm trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, nhận thức, tư duy về tự chủ đại học còn chưa có sự thống nhất giữa các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục đại học; còn có quan niệm chưa đúng bản chất tự chủ.

Các quy định pháp luật có liên quan đến tự chủ đại học trong một số văn bản luật còn mâu thuẫn, chồng chéo và khó triển khai trên thực tiễn. Bên cạnh quy định của Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học công lập còn bị ràng buộc, chi phối bởi nhiều đạo luật, nhiều quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị và về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Công tác tổ chức, quản trị đại học còn bất cập. Ở một số cơ sở giáo dục đại học, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các thiết chế hội đồng trường, ban giám hiệu chưa được phân định rõ ràng dẫn tới chồng lấn về thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý, quản trị và công tác lãnh đạo, chỉ đạo định hướng hoạt động của nhà trường.

Ngoài ra, nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học còn nhiều khó khăn. Cơ chế tài chính cho giáo dục đại học còn vướng mắc, như việc phân bổ nguồn lực chưa thực sự dựa trên yếu tố chất lượng đầu ra; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản còn bị ràng buộc bởi nhiều quy định phức tạp và chồng chéo thậm chí có sự mâu thuẫn nhất định, dẫn tới sự thiếu thống nhất trong cách hiểu, áp dụng, vận dụng các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Năng lực thực hiện tự chủ của nhiều cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế. Năng lực thực thi của hội đồng trường nhiều nơi còn yếu dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả việc quyết nghị các chủ trương, định hướng lớn cũng như giám sát các hoạt động quản lý, điều hành nhà trường.

Tâm lý e dè, nể nang, ngại va chạm, ngại đổi mới còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý một số cơ sở giáo dục đại học khiến cho quá trình triển khai thực hiện tự chủ thiếu quyết liệt. Trách nhiệm giải trình, nhất là về chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng cũng như giải trình về hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của nhiều cơ sở giáo dục đại học còn chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.

4 vấn đề quan trọng của tự chủ đại học

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng để thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học hiệu quả hơn nữa, cần quan tâm thực hiện tốt 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm tiếp cận cũng như cách hiểu nội hàm khái niệm tự chủ đại học đối với tất cả các bên liên quan để có thể tạo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện.

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ và cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học chủ động thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm một cách thực chất và hiệu quả.

Nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể về tự chủ đại học, trong đó xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn và mức độ, điều kiện cũng như lộ trình để cơ sở giáo dục đại học nói riêng và cả hệ thống giáo dục đại học nói chung chuyển đổi sang mô hình tự chủ phù hợp với định hướng chiến lược và quy hoạch phát triển của quốc gia, của từng vùng.

Rà soát các bất cập trong triển khai thực tiễn để có giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tự chủ đại học.

Thứ ba, trong quá trình triển khai thực hiện tự chủ đại học, cần lưu ý phân biệt, làm rõ hơn mối quan hệ giữa các thiết chế trong nhà trường; có sự phân công, phối hợp, phân vai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong công tác quản trị, quản lý và điều hành hoạt động nhà trường một cách hợp lý hơn.

Thứ tư, đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục đại học theo hướng Nhà nước tiếp tục phân bổ nguồn lực đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện tự chủ và có tiềm lực, có năng lực, uy tín và chất lượng tốt để có điều kiện phát triển, tiếp cận với trình độ giáo dục đại học khu vực và thế giới.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cam kết, trong phạm vi trách nhiệm của mình sẽ đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nền giáo dục Việt Nam theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình hội nhập và phát triển của đất nước thời kỳ cách mạng công nghệ số.

Kết luận và bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, con đường tự chủ đại học còn rất dài, nhưng chúng ta đã đi được một chặng đường quan trọng và chặng đường phía trước đã trở nên rõ nét. Và trên chặng đường dài ấy, sự kiện ngày hôm nay là bắt đầu cho một chặng đường mới cho quá trình tự chủ đại học. Thời gian tới là thời kỳ tự chủ đại học bước vào chiều sâu, đi vào toàn diện, đi vào chất lượng với sự đầy đủ, sự phù hợp và sự tinh tế của nó. Hi vọng một ngày nào đó không còn phải bàn đến tự chủ đại học nữa vì đó sẽ là việc đương nhiên.

Phạm Minh