Nhận diện muôn kiểu lạm thu núp bóng ban đại diện phụ huynh

16/08/2022 06:46
Bùi Nam
GDVN- Cha mẹ học sinh có quyền từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đề xuất các khoản ủng hộ, đóng góp.

Ngày 5/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo đó, thời gian tựu trường sớm nhất trước 01 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 02 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Tổ chức khai giảng đồng loạt cả nước vào ngày 05 tháng 9 năm 2022.[1]

Trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh thì lạm thu tiếp tục là nỗi lo lắng của phụ huynh trước thềm năm học mới chuẩn bị bắt đầu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ban đại diện cha mẹ học sinh được quyền từ chối những khoản thu vô lý

Các khoản vận động, ủng hộ, tự nguyện,… được quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có hiệu lực từ ngày 7/01/2012.

Theo đó Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu 2 khoản tiền: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác; kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Như vậy, theo quy định trên, ta thấy Ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu tiền từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Tại khoản 4 Điều 10 của Thông tư quy định rõ các khoản Ban đại diện không được phép thu gồm:

Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện;

Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có hiệu lực từ ngày 7/01/2012 có những quy định cụ thể về các khoản thu tự nguyện như:

Tại mục c khoản 2 Điều 8 quy định “Cha mẹ học sinh có quyền từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện.”

Tại mục d khoản 2 Điều 8 cũng quy định “Phụ huynh cũng có quyền thực hiện hoặc không thực hiện những nội dung chưa được thống nhất ý kiến trong cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh hoặc cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh.”

Như vậy, phụ huynh hoàn toàn có quyền từ chối những khoản thu không hợp lý của các trường học.

Nhận diện muôn kiểu lạm thu tại trường học

Thực trạng lạm thu “núp bóng” Ban đại diện cha mẹ học sinh, các khoản thu hộ, ủng hộ tự nguyện,… diễn ra tràn lan nhưng không được giải quyết dứt điểm.

Quy định về khoản thu được quy định cụ thể bởi các văn bản, hướng dẫn tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng trên thực tế, mỗi trường đều có những cách thức riêng để “hợp thức hóa” các khoản thu ngoài quy định, hoặc việc thỏa thuận bằng văn bản với phụ huynh cũng được các trường thực hiện trên tinh thần “tự nguyện”.

Nào là quỹ phụ huynh, đồng phục quần áo, tập vở, viết, nón, giày, ba lô; sổ điểm điện tử,... rồi đến mua sắm trang thiết bị cho nhà trường, thu tiền trả cho bảo vệ, lao công, tạp vụ,… nước uống, giấy ăn, giấy vệ sinh, thiết bị rửa tay khử trùng, nhãn vở, phiếu photo bài tập, hỗ trợ tiền điện, mua bảng chống lóa, bảng tương tác, máy chiếu,… khiến phụ huynh vô cùng bức xúc nhưng vì “ngại” nên đành cam chịu.

Lạm thu tiền dạy thêm học thêm, tiền dạy buổi 2 cũng là vấn nạn nhiều năm liền chưa giải quyết dứt điểm.

Theo báo cáo từ nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, tính trung bình gia đình học sinh đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh (mầm non, tiểu học, phổ thông) đi học. Đóng góp của gia đình có xu hướng tăng dần theo cấp học. Trong đó, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông. Đối với tiểu học là 32%; trung học cơ sở là 42% và trung học phổ thông là 43%.[2]

Đề xuất các giải pháp chấm dứt lạm thu

Thứ nhất, xử lý nghiêm khắc, khởi tố hiệu trưởng lạm thu

Thời gian qua đã có nhiều vị hiệu trưởng bị xử lý kỷ luật, khởi tố do lạm thu nhưng do lợi ích quá lớn nên tình trạng lạm thu vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Việc thu các khoản thu tự nguyện, ủng hộ,… đều do hiệu trưởng quyết định nên đa phần việc lạm thu đều xuất phát từ lợi ích của các vị hiệu trưởng, nên tiếp tục xử lý mạnh tay, tiếp tục khởi tố các hiệu trưởng lạm thu sẽ dẫn đến không còn tình trạng lạm thu trong nhà trường.

Thứ hai, công khai minh bạch các khoản thu tự nguyện

Thực tế một số khoản thu tự nguyện được sự đồng tình của phụ huynh, góp phần tạo điều kiện cho học sinh có được cơ sở vật chất, điều kiện học tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Tuy nhiên, có những khoản thu tự nguyện được sử dụng không đúng mục đích khiến phụ huynh bức xúc.

Do đó, công khai, minh bạch các khoản thu tự nguyện là góp phần tạo niềm tin cho phụ huynh trong việc sử dụng các khoản thu trên.

Thứ ba, Ban đại diện cha mẹ học sinh nghiêm túc, trách nhiệm

Hiệu trưởng là người đề ra các khoản thu nhưng ban đại diện cha mẹ học sinh chính là những người có tiếng nói trong việc thu các khoản tự nguyện, đóng góp.

Do đó, lựa chọn Ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm, công tâm, khách quan sẽ góp phần hạn chế việc lạm thu tại các trường học.

Đừng để Ban đại diện biến thành "cánh tay nối dài" của hiệu trưởng, hay "cái loa" của trường, có nhiệm vụ "hợp pháp hóa" các khoản thu đầu năm học.

Thứ tư, phụ huynh cần đồng lòng phản ánh sai phạm lạm thu

Không ai khác, phụ huynh là đối tượng chịu trực tiếp tác động của việc lạm thu, nên khi phát hiện sự việc lạm thu, các phụ huynh hãy mạnh dạn, thẳng thắn phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền.

Thứ năm, lập đường dây nóng phản ánh lạm thu

Nhiều phụ huynh sau khi phát hiện hoặc nghi vấn lạm thu đã không biết nơi phản ánh đã đăng tải lên mạng xã hội gây những bình luận, thông tin trái chiều, không được kiểm chứng gây mất uy tín của trường, niềm tin của nhân dân, nhiều thông tin đăng tải sai,… có thể bị xử lý thậm chí khởi tố.

Một số địa phương cũng lập đường dây nóng phản ánh lạm thu nhưng chưa đầy đủ, người viết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập một đường dây nóng phản ánh tình trạng lạm thu cho cả nước.

Xã hội hóa nhìn chung cũng nhằm mục đích cải thiện chất lượng dạy và học, tạo điều kiện cho học sinh có điều kiện học tập tốt hơn cũng như huy động nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục nhưng thực trạng lạm thu, chi sai các khoản thu tự nguyện đã vắt kiệt tiền của những gia đình nghèo, khiến đời sống họ càng thêm khó khăn.

Người viết rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương có những giải pháp, quyết sách phù hợp để không còn tình trạng lạm thu trong năm học mới sắp đến gần.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/bo-giao-duc-ban-hanh-khung-ke-hoach-thoi-gian-nam-hoc-2022-2023-post228642.gd

[2] https://tienphong.vn/chi-phi-hoc-them-la-khoan-lon-nhat-doi-voi-phu-huynh-co-con-hoc-pho-thong-post1459807.tpo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam