Hiệu trưởng đừng "mượn tay" Ban đại diện cha mẹ học sinh để lạm thu

20/09/2019 06:44
NHẬT DUY
(GDVN) - Những người được chọn vào Ban đại diện cha mẹ học sinh, tất nhiên phải là người có uy tín, có vị thế, có quan hệ xã hội rộng, và có điều kiện kinh tế.

Nếu làm đúng chức năng, Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các nhà trường phổ thông sẽ là một cầu nối quan trọng với nhà trường trong việc phối hợp giáo dục, chăm sóc học sinh được tốt hơn.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa được nhà trường đặt vào một vị trí đúng theo vai trò và chức năng hiện hành đã được quy định.

Vì vậy, Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động cũng mờ nhạt, không phát huy được vai trò của mình mà đôi khi còn bị dư luận gán cho cái tội là cánh tay nối dài trong việc lạm thu hiện nay.

Nhiều phụ huynh không muốn tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh. (Ảnh mang tính minh họa: teachvn.com)

Nhiều phụ huynh không muốn tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh. (Ảnh mang tính minh họa: teachvn.com)

Ai sẽ tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh?

Khi bước vào đầu năm học được vài tuần là các trường có kế hoạch cho các giáo viên chủ nhiệm họp phụ huynh của lớp mình. Tất nhiên, trong buổi họp này có rất nhiều việc cần thông báo, cần thống nhất và việc bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp là việc bắt buộc đều phải thực hiện.

Tuy nhiên, thực tế thì việc giới thiệu từ các phụ huynh rất ít xảy ra mà đa số là giáo viên chủ nhiệm lớp giới thiệu và chỉ định một số phụ huynh tham gia vào Ban đại diện.

Tất nhiên, để giới thiệu những người tham gia Ban đại diện của lớp thì giáo viên chủ nhiệm cũng đã “nhắm tới” những phụ huynh nào có thể “đảm đang” được công việc của hội.

Sau khi các lớp tiến hành họp phụ huynh thì nhà trường sẽ tiến hành họp Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường. Việc tìm một người làm trưởng và 2-3 người làm phó Ban đại diện cha mẹ học sinh thường được nhà trường làm công tác tư tưởng từ trước.

Thông thường những vị trí trưởng ban đại diện lớp, trường rất hiếm khi là những những người lao động tay chân, nghèo khó.

Những người được chọn vào Ban đại diện cha mẹ học sinh, tất nhiên phải là người có uy tín, có vị thế, có quan hệ xã hội rộng, và có điều kiện kinh tế. Các tiêu chí này, hiệu trưởng nào cũng phải hướng tới bởi những người như vậy mới “thúc đẩy” được phong trào hoạt động của hội đi lên.

Phụ huynh rất ngại khi tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh

Hiệu trưởng đừng "mượn tay" Ban đại diện cha mẹ học sinh để lạm thu ảnh 2Giữa nhà trường và phụ huynh đâu chỉ có tiền và tiền...

Thực tế, đa số phụ huynh học sinh hiện nay rất quan tâm đến con em của mình khi đang học trong các nhà trường bởi mỗi gia đình chỉ có 1-2 đứa con nên họ luôn mong muốn con mình sẽ được đầu tư, chăm sóc và dạy dỗ tốt nhất.

Chính vì vậy, việc tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp của trường không phải là điều khiến phụ huynh băn khoăn hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác bởi thực tế mỗi năm cũng chỉ họp vài ba lần.

Thế nhưng, việc bầu các phụ huynh vào ban đại diện hiện nay ở các lớp và nhà trường thường gặp khó khăn khi nhiều phụ huynh nhiệt tình, năng nổ lại ngại tham gia. Lý do nào mà họ lại không muốn tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh?

Tất nhiên là sự vất vả, đầu tư thời gian chưa phải là vấn đề quá lớn đối với phụ huynh hiện nay mà cái chính là Ban giám hiệu nhà trường chưa thực sự để họ phát huy tối đa vai trò của mình.

Thường thì nhà trường chỉ cần họ nhất vào thời điểm đầu năm học và muốn họ là người đứng ra quyên góp, vận động, đứng ra ký tên vào các thư ngỏ để vận động phụ huynh đóng góp cho nhà trường.

Tất nhiên, khi “vác tù và hàng tổng”  đã không có quyền lợi mà đôi khi  họ còn bị phụ huynh khác phản đối hoặc có xảy ra chuyện gì thì phải nhận thay trách nhiệm cho hiệu trưởng nhà trường thì ai muốn gánh vác trách nhiệm tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh làm gì?

Hãy trả lại vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các nhà trường

Thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến lên tiếng là nên giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường bởi còn “cái ban này” là còn lạm thu.

Hiệu trưởng đừng "mượn tay" Ban đại diện cha mẹ học sinh để lạm thu ảnh 3Buổi họp phụ huynh trong mơ

Thực tế, giải tán ban Ban đại diện cha mẹ học sinh thì dễ vô cùng bởi duy trì và hoạt động có hiệu quả mới khó chứ giải tán thì có gì khó khăn đâu.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế thì chúng ta thấy rằng, việc lạm thu trong nhà trường không phải là do Ban đại diện cha mẹ học sinh xướng lên hay đưa ra kế hoạch.

Muốn không còn lạm thu thì cần phải giải quyết gốc rễ vấn đề- đó là lòng tham của một số hiệu trưởng nhà trường hiện nay. Cái này giáo viên không làm được, phụ huynh không làm được mà phải là cấp trên của hiệu trưởng làm.

Thực tế, Ban đại diện cha mẹ học sinh không bao giờ biết trường thiếu gì, cần gì và họ cũng không bao giờ tự tay viết thư ngỏ hay vạch ra các kế hoạch quyên góp, vận động phụ huynh đóng tiền.

Họ thường được hiệu trưởng “động viên, nhờ vả” đứng ra ký tên và kêu gọi phụ huynh đóng góp mà thôi.

Chúng ta đều biết, Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường cũng rất cần thiết trong việc làm một cầu nối với nhà trường để cùng chung tay xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất cho con em mình.

Muốn làm được điều này thì phải trả họ về đúng với chức năng, vai trò đã được quy định. Đồng thời, đừng để Ban đại diện cha mẹ học sinh phải đứng ra kêu gọi phụ huynh…đóng tiền. Ai cần vận động phụ huynh đóng tiền, ai cần tiền xã hội hóa giáo dục phải cần được lộ diện.

Đừng “ném đá giấu tay” khi mượn tay người khác để vận động rồi sau đó chi tiêu như thế nào lại không công khai, minh bạch, tạo nên thị phi cho xã hội và đẩy trách nhiệm cho những người nằm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh phải gánh!

NHẬT DUY