Không chỉ ngành y, GV chúng tôi cũng mong được quan tâm, cải thiện thu nhập

17/08/2022 06:36
Mỹ Tiên
GDVN- Đầu tư cho giáo dục mỗi năm mỗi tăng, nhưng việc tăng lương cho giáo viên lại chưa được chú trọng đúng mức.

Thời gian gần đây thông tin nhiều nhân viên ngành y xin nghỉ việc ở nhiều địa phương trong cả nước vì áp lực công việc lớn, thu nhập không đủ sống.

Không riêng gì ngành y, ngành giáo dục cũng có nhiều giáo viên bỏ việc vì thu nhập không đủ sống, lương giáo viên mới ra trường thua xa lương công nhân.

Theo thống kê tại Bình Dương Từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, toàn ngành giáo dục Bình Dương có 527 giáo viên nghỉ việc.[1]

Ảnh minh họa - Lại Cường

Ảnh minh họa - Lại Cường

Từ thực trạng trên, thay đổi lương, thu nhập cho 2 ngành y tế, giáo dục là việc làm cấp thiết để không chỉ giữ chân những người giỏi mà còn góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của 2 ngành trên.

Lương, thu nhập giáo viên hiện nay là bao nhiêu?

Năm 2019, Value Champion, trang phân tích tài chính nổi tiếng có trụ sở tại Singapore, thực hiện một nghiên cứu về lương trung bình của giáo viên phổ thông hoặc trung học ở 16 quốc gia và vùng lãnh thổ (ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và Mỹ, Pháp). Theo đó, lương giáo viên Việt Nam thấp nhất, đứng cuối trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ này.[2]

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nghề giáo được xem là nghề cao quý nhưng lương, thu nhập của nghề còn khá thấp, chưa tương xứng, chưa thể thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.

Hiện nay, lương giáo viên các cấp, giáo viên mới ra trường trong thời gian tập sự chỉ khoảng 3,5 triệu mỗi tháng, sau khi hết tập sự chỉ trên dưới 4 triệu đồng mỗi tháng.

Bản thân người viết đi dạy ở bậc trung học cơ sở 20 năm, tổng thu nhập gồm lương, phụ cấp ưu đãi 30%, phụ cấp thâm niên 19%, phụ cấp chức vụ tổ trưởng 0,2 thì tổng thu nhập sau khi trừ các loại quỹ (công đoàn phí, quỹ tương trợ, vận động,…) chỉ khoảng 7,5 triệu đồng mỗi tháng.

Với tình hình vật giá leo thang hiện nay, thu nhập giáo viên còn thấp nhưng mức chi hiện nay gồm chi phí ăn uống, sinh hoạt, hiếu, hỷ,… tăng cao, nên giáo viên không thể đủ sống, làm đủ mọi nghề tay trái hoặc phải vay mượn thêm nếu phát sinh đau ốm, bệnh tật.

Rõ ràng, mức lương giáo viên như trên là không thể trang trải cuộc sống hàng ngày.

Một khi mức thu nhập không đủ sống, phải chật vật mưu sinh, vay mượn thì khó đòi hỏi người giáo viên toàn tâm toàn ý chăm lo cho giáo dục, khó đòi hỏi chất lượng.

Ngành y dự kiến tăng phụ cấp lên 100%, kế hoạch tăng lương giáo viên ra sao?

Ngày 8/8/2022, Báo Vietnamnet đăng tải thông tin, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký một loạt văn bản gửi đoàn Đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong đó có đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Theo đó, đối với ngành y thì Bộ Y tế đang xây dựng, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011 cho phù hợp Kết luận số 25 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38 của Chính phủ về chương trình phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở.[3]

Đây có thể là tin vui đối với ngành y trong tình hình hiện nay, nếu được thông qua thì mức thu nhập ngành y có thể được cải thiện, hạn chế được phần nào tình trạng nhân viên ngành y xin nghỉ việc hàng loạt như hiện nay.

Tuy nhiên, đối với ngành giáo dục theo người viết nắm được, chưa có kế hoạch cụ thể nào về cải thiện lương, thu nhập nhà giáo.

Trong những năm gần đây do đại dịch Covid phức tạp nên đã có 3 lần hoãn tăng lương cơ sở nên thu nhập giáo viên hầu như không thay đổi trong khi vật giá leo thang, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.

Việc cải thiện lương, thu nhập tương xứng với vị thế của nghề giáo chưa được quan tâm đúng mức.

Trong thời gian tới vẫn chưa thể cải thiện được thu nhập cho nhà giáo, vẫn khó có thể được nâng mức lương hoặc phụ cấp cho nhà giáo, cũng khó có thể có thang, bảng lương riêng cho nhà giáo. Khó giữ chân và thu hút người giỏi vào và cống hiến cho ngành.

Thực tế, bài toán tăng lương cho nhà giáo là vô cùng cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, với lực lượng giáo viên cả nước hơn 1,2 triệu giáo viên, chỉ cần tăng lương giáo viên một khoản nhỏ cũng ảnh hướng lớn đến nguồn ngân sách hiện nay.

Tăng lương là cần thiết, tăng lương nhưng phải không làm gánh nặng lên ngân sách đang giai đoạn khó khăn mới là vấn đề quan trọng.

Một nghịch lý là việc đầu tư cho giáo dục mỗi năm mỗi tăng, ngân sách đầu tư cho giáo dục là rất lớn nhưng lương, thu nhập nhà giáo thì vẫn không có nhiều thay đổi, vẫn thấp, thậm chí lương giáo viên mới ra trường còn thua xa cả lương công nhân, lao động phổ thông.

Tại Hà Nội, ngày 8/8, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức Hội thảo “Công bố Báo cáo phân tích ngành Giáo dục 2011-2020” nhằm đánh giá những thành tựu phát triển giáo dục của Việt Nam trong 10 năm qua và đề xuất định hướng, chính sách phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030.

Về tài chính, đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam có xu hướng tăng đều trong 10 năm qua, đạt hơn 18% tổng chi ngân sách nhà nước. [4]

Đầu tư cho giáo dục mỗi năm mỗi tăng, nhưng việc tăng lương cho giáo viên lại chưa được chú trọng đúng mức.

Do đó, theo người viết để tăng được lương giáo viên thì cần có những giải pháp quyết liệt từ Bộ Giáo dục và Đào tạo như bỏ bớt những dự án, đề án, những chương trình,… không hiệu quả, tinh giản biên chế, mở rộng trường liên cấp, khuyến khích mở rộng đầu tư trường ngoài công lập, tiết kiệm,… một cách đồng bộ thì việc tăng lương, thu nhập cho giáo viên mới có thể sớm thành hiện thực.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://danviet.vn/nhieu-giao-vien-nghi-viec-vi-luong-thap-hon-luong-cong-nhan-20220810143910366.htm

[2] https://vnexpress.net/giao-vien-luong-thap-thi-bo-nghe-la-tu-tuong-nguoc-doi-4397940.html

[3] https://vietnamnet.vn/bo-noi-vu-tra-loi-ve-tang-luong-cong-chuc-phu-cap-y-bac-sy-va-giao-vien-2047596.html

[4] http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/1038955/dau-tu-cho-giao-duc-tai-viet-nam-co-xu-huong-tang-deu-trong-10-nam-qua

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên