Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận đánh giá cao những nỗ lực của ngành giáo dục, cán bộ giáo viên, học sinh trong việc khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
"Năm học vừa qua vẫn là năm học vượt khó do đại dịch, chúng ta một lần nữa trân trọng sự đóng góp của tất cả đội ngũ giáo viên và của nhiều em học sinh. Chúng ta tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, xử lý các vấn đề liên quan tới sách giáo khoa, trong đó kể cả vấn đề về biên chế. Cũng trong năm học vừa qua, chúng ta rất mừng vì được Bộ Chính trị cho phép tăng biên chế".
Thông cảm với "cái khó" của ngành Giáo dục
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu ra một số cái khó của ngành giáo dục, đó là việc không tự quyết định được các điều kiện đảm bảo cho phát triển giáo dục: trường lớp, biên chế, và chế độ lương.
“Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không có thẩm quyền để có quyết định được tuyển bao nhiêu biên chế, đương nhiên ngành giáo dục bao giờ cũng đề ra yêu cầu phải có đủ giáo viên, đủ trường lớp cho học sinh được học ngày 2 buổi thuận tiện, nhưng để giải quyết yêu cầu này thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không quyết được”.
Trước những khó khăn đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong toàn dân thông cảm với ngành Giáo dục.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn |
Theo Phó Thủ tướng, đấy là yêu cầu của xã hội, nhất là một dân tộc hiếu học và quan tâm tới các thế hệ mai sau. Người Việt Nam yêu cầu về giáo dục rất cao, nhưng giáo dục hay bất kỳ ngành nào đi chăng nữa thì cũng đòi hỏi phải gắn với điều kiện, trình độ phát triển của đất nước.
Kinh tế chúng ta vẫn đang còn phát triển với thu nhập ở mức trung bình thấp, nhưng những mong muốn, nguyện vọng đã gián tiếp dẫn tới một đòi hỏi với ngành giáo dục, là giáo dục phải như các đất nước phát triển nhất.
Giáo dục luôn luôn được xã hội quan tâm, đây là điều may mắn, tuy nhiên đó cũng là áp lực đòi hỏi chúng ta phải có bản lĩnh. Ai cũng quan tâm tới giáo dục, và ai cũng có thực tiễn giáo dục của bản thân mình nên ai cũng tưởng mình là chuyên gia giáo dục cả nên khi ý kiến của mìn không được ủng hộ hoàn toàn thì rất bức xúc.
Do vậy, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý ngành giáo dục trước khi đưa ra các chính sách cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, lấy ý kiến công khai thảo luận, đăng lên cổng thông tin điện tử,... trong đó chú trọng khâu thông tin truyền thông trước khi đưa ra chính sách để đại đa số người dân nắm được thông tin.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đồng thời bày tỏ sự vui mừng vì ngành Giáo dục đã có những nhìn nhận thẳng hơn vào bất cập, yếu kém do yếu tố chủ quan của chính mình. Phó Thủ tướng lấy ví dụ “chúng ta không tự chủ được về vấn đề biên chế và trường lớp, nhưng chuyên môn về giáo dục, về chương trình sách giáo khoa thì đương nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo phải hoàn thành”.
Tại sao chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử, không chỉ là thi trung học phổ thông, mà còn là thi cử phổ thông, học thêm dạy thêm, sách tham khảo,... Bởi đơn giản bản chất vấn đề ở đây là chúng ta chưa trung thực trong giáo dục.
Giáo dục là quá trình liên tục
Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục là quá trình liên tục và có rất nhiều việc phải tiếp tục làm. Tinh thần chung là bám sát Nghị quyết 29 để đổi mới căn bản, toàn diện các khâu về giáo dục và đào tạo. Thực hiện làm sao cho thực chất việc dạy và học để phát triển cho học sinh cả Đức - Trí - Thể - Mỹ. Việc đưa môn Giáo dục thể chất vào trường phổ thông là rất quan trọng.
Tiếp theo, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Bộ phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn thế chúng ta phải đổi mới từ quản lý nhà nước, đổi mới về quản trị trong cả trường phổ thông và trường đại học. Phải xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ, khi muốn tuyển giáo viên thì tiếng nói của tập thể giáo viên phải là quyết định thay vì ý kiến của một người ngoài nhà trường. Đây là một điều rất quan trọng thể hiện tính dân chủ trong nhà trường.
Một nội dung quan trọng được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là, ngành Giáo dục cần rà soát và chủ động đề xuất cơ chế về học phí, về thực hiện tự chủ để nhằm có một tỷ lệ các trường thích hợp ở những vị trí, địa bàn thích hợp có thể lo được vấn đề lương cho giáo viên, giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước; từ đó sử dụng biên chế này cho các vùng nông thôn, để nhằm đủ giáo viên, đảm bảo học sinh được học ngày 2 buổi/ngày thuận lợi, và không để tình trạng 60 học sinh/lớp.
Ngoài ra, một vấn đề trọng tâm Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo quyết liệt, đó là phải ứng dụng công nghệ để có hệ thống nắm thật chắc nguồn lực của ngành, về giáo viên và cơ sở vật chất, gắn với thông tin dân số của từng địa bàn để toàn ngành và từng địa phương chủ động, đảm bảo đủ lớp, đủ trường học, đủ giáo viên cho học sinh. Theo Phó Thủ tướng, vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện chậm.
Xây dựng nền giáo dục thực chất, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin
Vấn đề tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để nghiên cứu, đề xuất các phương án thật cụ thể, tổ chức cho học sinh vùng dân tộc ít người theo hướng “ở nội trú, bán trú nhưng học phải hòa đồng”, quyết tâm nâng cao chất lượng của học sinh các vùng miền núi, có như vậy các vùng trên cả nước mới phát triển được.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ phải thực hiện kiên trì, có thể phải 10 năm, 20 năm sau chúng ta mới nhìn thấy kết quả.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục của học sinh các vùng dân tộc khó khăn. Ảnh: Doãn Nhàn |
Một điểm quan trọng đã nói nhiều nhưng vẫn chưa thực hiện tốt, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, rà soát, đề xuất bổ sung các quy định về huy động các nguồn đóng góp tự nguyện cho trường học.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục rà soát thực chất các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra cho điểm, sách tham khảo,... để đảm bảo không “bằng cách này hay cách khác” dẫn tới việc học sinh “phải tự nguyện” xin để được học thêm, xin để tổ chức lớp học, xin được tự nguyện đóng góp theo kiểu cào bằng.
Đẩy mạnh chuyển đổi, quản lý nhà nước, quản trị nhà trường, Phó Thủ tướng chỉ đạo tới đây việc học trực tiếp được triển khai trở lại, tuy nhiên cần đẩy mạnh học liệu số, xem việc học trực tuyến như một phương pháp bổ trợ lâu dài, đây là việc làm rất quan trọng.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng đổi mới quản lý sách giáo khoa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để đổi mới căn bản, từ việc hướng dẫn phân phối thiết bị đồ dùng dạy học,... “phải kiên quyết, bước qua một số lợi ích cục bộ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng quả địa cầu hay những con ếch bằng thạch cao, để bao nhiêu năm mốc ra đấy không ai dùng”.
Và nhiệm vụ cấp bách trước mắt Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung là bù kiến thức do ảnh hưởng của đại dịch, cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện. Tập trung cùng các địa phương phân bổ, tuyển dụng số lượng biên chế mới được bổ sung cho thật tốt. Tiếp theo, cần tiếp tục theo dõi sát việc tuyển sinh đại học.
Về sách giáo khoa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẩn trương đôn đốc Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ thật sớm các văn bản cần thiết về chủ trương dùng ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn để triển khai trong năm học mới này...