Thiếu giáo viên: Lào Cai lên phương án chuyển đổi GV môn khác sang dạy tiếng Anh

24/08/2022 06:44
Ngân Chi
GDVN-Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai đưa ra nhiều giải pháp giải bài toán thiếu GV như biệt phái, dạy trực tuyến, thậm chí chuyển GV môn học khác sang dạy Tiếng Anh.

Thiếu 500 chỉ tiêu trong năm học mới

Năm học mới 2022-2023 đã cận kề, một số địa phương vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, nhất là với những môn học “mới” trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thế Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai thông tin về công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học 2022-2023.

Cụ thể, về biên chế được giao năm 2022, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại thời điểm ngày 31/5/2022 (biên chế viên chức và hợp đồng lao động) toàn tỉnh có 16.810 người, trong đó, có 1.511 cán bộ quản lý; 13.612 giáo viên; 1.687 nhân viên (biên chế gồm 16.428; hợp đồng được ký theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP gồm 382). So với chỉ tiêu biên chế giao, năm học 2022-2023 toàn tỉnh thiếu trên 500 theo chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Thế Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp).

Ông Nguyễn Thế Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp).

Đối với đội ngũ giáo viên trung học phổ thông dạy lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục Lào Cai dự kiến tổ hợp các môn lựa chọn lớp 10 (36 đơn vị) cụ thể như sau: Tổ hợp Khoa học tự nhiên: (83 lớp, 4.298 học sinh). Tổ hợp Khoa học xã hội: (119 lớp, 3.213 học sinh).

Tổ hợp có môn Công nghệ hoặc Mỹ thuật (gồm 14 lớp, với 84 học sinh).

Tổ hợp có môn Âm nhạc (có 01 học sinh - Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh) đã có giáo viên dạy Âm nhạc.

Đối với giáo viên dạy Lịch sử (môn học bắt buộc), số lượng giáo viên hiện có là 83 giáo viên/37 đơn vị (trung bình 2,25 giáo viên/đơn vị), đảm bảo dạy môn Lịch sử theo khung 52 tiết/lớp/năm (chương trình mới tương đương với số tiết chương trình cũ), do chương trình cũ môn Lịch sử lớp 10 là môn học bắt buộc 1,5 tiết/tuần (52,5 tiết/lớp/năm).

Chuyển đổi giáo viên môn khác sang giảng dạy môn Tiếng Anh

Đứng trước “bài toán” thiếu giáo viên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai thông tin về công tác chuẩn bị đội ngũ tại địa phương: “Về công tác tuyển dụng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo mạng lưới trường lớp. Sở Giáo dục và Đào tạo, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai (Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 30/5/2022).

Theo đó, số lượng tuyển dụng là 500 giáo viên được thực hiện bằng hình thức xét tuyển. Kết quả thực hiện, đến hết ngày 15/8/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã đã thực hiện xong công tác tuyển dụng (đang thực hiện phúc khảo); chủ động dự kiến phân công công tác đối với giáo viên mới tuyển dụng, để đảm bảo có giáo viên ngay từ đầu năm học mới.

Bên cạnh đó, giải pháp đối với đội ngũ hiện có: Rà soát bố trí hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có; đặc biệt là môn Tiếng Anh, Tin học, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động sắp xếp giáo viên Tiếng Anh, Tin học đảm bảo dạy lớp 3,7,10.

Đồng thời, đối với các môn học còn thiếu giáo viên, thực hiện nhiều giải pháp như sau:

Một là, quyết liệt thực hiện sắp xếp mạng lưới trường, lớp; giảm lớp, giảm học sinh ở điểm trường lẻ, tăng học sinh ở trường chính; tăng số học sinh/lớp;

Hai là, thực hiện tốt phong trào trường giúp trường, phòng giúp phòng; biệt phái, tăng cường giáo viên. Các giải pháp động viên, khích lệ, tạo động lực, chia sẻ với đội ngũ.

Tập huấn giáo viên trên địa bàn tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp).
Tập huấn giáo viên trên địa bàn tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp).

Ba là, cơ cấu lại cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong các đơn vị, giảm tối đa số tiết kiêm nhiệm, để tập trung tối đa số tiết giảng dạy theo quy định.

Bốn là, đối với các môn chuyên biệt còn thiếu nguồn tuyển (giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) cấp tiểu học, trung học phổ thông: Thực hiện dạy trực tuyến trong trường (01 tiết dạy nhiều lớp) để đảm bảo kế hoạch nhiệm vụ năm học.

Năm là, rà soát giáo viên các môn học đã học xong văn bằng 2 môn tiếng Anh để thực hiện sát hạch chuyên môn, nghiệp vụ, nếu đạt yêu cầu sẽ chuyển đổi vị trí việc làm sang giảng dạy môn Tiếng Anh”.

Riêng về giải pháp đối với giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo việc đăng ký theo tổ hợp của học sinh.

Thầy cô bị giảm thu nhập do trường ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn

Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các xã trên địa bàn toàn tỉnh (sau khi ra khỏi danh sách thôn, xã vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Theo số liệu thống kê tháng 12/2021, toàn tỉnh có 28 xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, theo đó, ngành giáo dục có 106 trường ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn (mầm non: 34; tiểu học 37; trung học cơ sở 32, trung học phổ thông: 03), 2.748 cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động thôi hưởng chế độ vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ, chế độ tiền lương bị giảm (thu nhập từ lương của nhà giáo bị giảm trung bình 4-5 triệu đồng/người/tháng do thôi hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp theo quy định của vùng đặc biệt khó khăn.

Chính vì vậy, một số giải pháp được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đề cập như sau:

Trước hết, làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho đội ngũ (yên tâm gắn bó với nghề trong giai đoạn hiện nay) các giải pháp động viên, khích lệ, tạo động lực, chia sẻ với đội ngũ.

Bên cạnh đó, hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính đã tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất kiến nghị với Chính phủ (văn bản số 1745/STC-QLNS ngày 17/8/2022 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai).

Đồng thời, có chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các xã thuộc huyện nghèo (theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025) hiện đang hưởng phụ cấp khu vực 0,7 theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-UBDT ngày 05/01/2005 được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ nhằm thu hút nhân lực về công tác, làm việc tại các huyện nghèo.

Ngoài ra, tiếp tục áp dụng chính sách tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 thêm 03 năm đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các xã hoàn thành nông thôn mới thành xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân Chi