Trong bài viết xin được bàn về các quyết định mới nhất của các cấp có thẩm quyền về phê duyệt danh sách xã, thôn (ấp) thuộc vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 và chế độ dành cho giáo viên công tác tại các vùng trên.
Các vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025
Ngày 04/6/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, phê duyệt danh sách 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn).
Trong đó có lưu ý: Các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại Quyết định 861/QĐ-TTg nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày Quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực.
Tiếp theo, ngày 18/6/2021 Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định Số: 433/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Ủy ban Dân tộc đã phê duyệt danh sách 2.027 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
(Ảnh minh họa: L.C/Giaoduc.net.vn) |
Chế độ dành cho giáo viên công tác vùng đặc biệt khó khăn
Theo Điều 1 Nghị định 76/2019/NĐ-CP, các vùng khó khăn được hưởng phụ cấp, trợ cấp gồm:
“….2. Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại khoản 1 Điều này, bao gồm:
a) Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;
b) Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
c) Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.”
Về chế độ được hưởng như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định về phụ cấp thu hút như sau:
"Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng).”
Điều 5 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định về phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:
“Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:
1. Mức 0,5 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;
2. Mức 0,7 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;
3. Mức 1,0 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.”
Như vậy, tùy thuộc vào thời gian công tác, giáo viên làm việc tại các khu vực miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể được mức phụ cấp công tác lâu năm đến một tháng lương cơ sở.
Trợ cấp lần đầu khi nhận công tác theo quy định tại Điều 6 Nghị định 76/2019/NĐ-CP:
“Điều 6. Trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này khi nhận công tác lần đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp như sau:
1. Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Trường hợp có gia đình cùng đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp:
a) Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi tính theo giá vé, giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức khoán trên cơ sở số kilômét đi thực tế nhân với đơn giá phương tiện vận tải công cộng thông thường (tàu, thuyền, xe ô tô khách);
b) Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.
3. Các khoản trợ cấp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nơi tiếp nhận, bố trí công tác chi trả ngay khi đối tượng được hưởng nhận công tác và chỉ thực hiện một lần trong tổng thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.”
Ngoài ra, giáo viên làm việc tại các khu vực miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu tại Điều 8 Nghị định 76/2019/NĐ-CP và cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại Điều 10 Nghị định 76/2019/NĐ-CP.
Phụ cấp ưu đãi nghề được quy định tại Điều 11 Nghị định 76/2019/NĐ-CP như sau:
“Phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này, gồm:
1. Công chức, viên chức và người lao động là nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
2. Công chức, viên chức và người lao động trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế trong các cơ sở y tế của Nhà nước bao gồm: Trạm y tế cấp xã; Trạm y tế cơ quan, trường học; Phòng khám đa khoa khu vực; Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế, Bệnh viện và các cơ sở y tế khác từ cấp xã trở lên;[…]”
Như vậy, giáo viên dạy học ở miền núi là các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Điều 12 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định về phụ cấp lưu động như sau:
“Điều 12. Phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
1. Phụ cấp lưu động
Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương cơ sở.
2. Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số
Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).”
Trên đây là đối tượng và mức phụ cấp, trợ cấp cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.
Đây là quyết định, chính sách nhân văn, kịp thời tạo điều kiện cho một số cán bộ, giáo viên có điều kiện, yên tâm bám trường, bám lớp, đem con chữ, tình thương đến cho các em học sinh trên những vùng khó khăn.
Tài liệu tham khảo:
Quyết định 861/QĐ-TTg
Quyết định Số: 433/QĐ-UBDT
Nghị định 76/2019/NĐ-CP