Giữa Thủ đô trẻ mầm non đến trường bằng lá thăm may rủi, có thấy chua xót?

29/08/2022 06:40
NGUYỄN NGUYÊN
GDVN- Nếu không tổ chức bốc thăm như thế này, Ban giám hiệu trường Mầm non Hoàng Liệt có tuyển bằng cách nào cũng không tránh khỏi những điều tiếng của dư luận.

Nếu như trẻ em ở khu vực nông thôn từ 3-5 tuổi sẽ nghiễm nhiên được vào trường mầm non công lập và phụ huynh không bao giờ phải bận tâm về chuyện con em mình học ở trường nào vì cơ cấu dân số thay đổi rất ít.

Nhưng, khu vực đô thị hiện nay lại hoàn toàn khác, nhất là những đô thị lớn, nơi mật độ dân số đông và liên tục có sự dịch chuyển, trường công lập nhiều khi không đáp ứng được hết nhu cầu học tập của trẻ em trên địa bàn.

Chính vì thế, sự việc phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tổ chức bốc thăm cho phụ huynh có nguyện vọng cho con học tại Trường Mầm non Hoàng Liệt đang được các phương tiện truyền thông phản ánh khá nhiều nhưng có lẽ khó có giải pháp nào khả thi hơn những lá thăm may rủi trong điều kiện hiện tại.

Tất nhiên, sự việc này có phần kỳ lạ nhưng rõ ràng những phụ huynh bốc thăm cho con mà không may bốc trúng lá thăm “không trúng tuyển” thì họ cũng sẽ không phải băn khoăn mà tìm cách chọn trường khác cho con.

Những suy đoán thị phi đằng sau việc tuyển sinh cũng sẽ không còn tồn tại gây dư luận không tốt khi thầy và trò chính thức bước vào năm học.

Phụ huynh Trường Mầm non Hoàng Liệt phải bốc thăm may rủi để có một suất cho con học tại trường (Ảnh: Hoài Ân)

Phụ huynh Trường Mầm non Hoàng Liệt phải bốc thăm may rủi để có một suất

cho con học tại trường (Ảnh: Hoài Ân)

Hệ thống trường mầm non công lập ở khu vực đô thị đang quá tải

Không chỉ ở khu vực nội đô của Thành phố Hà Nội mà nhiều địa bàn ở các thành phố khác trên cả nước hiện nay cũng đang xảy ra tình trạng quá tải đối với hệ thống trường mầm non công lập.

Vì thế, các trường chỉ có thể nhận đủ chỉ tiêu mà cấp trên giao bởi tuyển vượt chỉ tiêu thì trường lớp, giáo viên đứng lớp không đáp ứng được. Các quy định ràng buộc về chỉ tiêu cấp trên giao, giáo viên đứng lớp, sĩ số lớp, cùng với cơ sở hạ tầng hiện có bắt buộc các trường khó có thể tuyển vượt chỉ tiêu theo quy định hiện hành.

Một khi số lượng học sinh cao hơn chỉ tiêu cấp trên giao thì cũng đồng nghĩa với việc có thể cùng sinh sống trên một địa bàn, cùng tuyến tuyển sinh nhưng con của phụ huynh này được vào học, con của phụ huynh khác phải gửi ở các nhà trẻ tư thục khác.

Khi phải gửi cho các trường tư thục thì điều dĩ nhiên là mức học phí sẽ cao hơn rất nhiều so với việc con em mình học ở trường công đang được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng và trả lương cho giáo viên.

Những phụ huynh có điều kiện về kinh tế thì có thể cho con học ở trường công hay trường tư cũng không phải là vấn đề lớn mà họ quan trọng là môi trường nào con em mình được hòa nhập và phát triển tốt hơn.

Nhưng, với những phụ huynh có kinh tế còn hạn chế thì việc con em mình không vào được trường công là một nỗi lo rất lớn vì gánh nặng tài chính sẽ đè nặng trên vai họ khi mức học phí, chi phí học tập cao hơn rất nhiều.

Chính vì thế, sự việc phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải tổ chức bốc thăm cho phụ huynh có nguyện vọng cho con học tại Trường Mầm non Hoàng Liệt cho dù nhiều người chưa hẳn đã đồng tình nhưng đây cũng là một phương án "cực chẳng đã".

Thực ra, phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm bằng những lá thăm may rủi cũng là điều mà có lẽ các cơ quan chức năng, Ban giám hiệu Trường Mầm non Hoàng Liệt không muốn nhưng với tình hình thực tế thì họ đành phải làm vậy.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết, năm học 2022 - 2023, Trường mầm non Hoàng Liệt được phân bổ tổng 559 chỉ tiêu tuyển sinh cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Trường nhận được 226 hồ sơ xin học cho trẻ 5 tuổi; nhóm trẻ 4 là 290 hồ sơ (gấp 3,2 lần chỉ tiêu) và 3 tuổi là 423 (gấp 1,7 lần chỉ tiêu).

Do quá tải tải nhà trường ưu tiên nhận hết 226 hồ sơ trẻ 5 tuổi, phân bổ thành 13 lớp mẫu giáo. Việc này nhằm đảm bảo 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đi học, chuẩn bị cho việc vào lớp 1 năm học tiếp tới.

Còn các trẻ từ 3 đến 4 tuổi, nhà trường chỉ tuyển thêm 333/713 hồ sơ đăng ký. Nhà trường quyết định tổ chức bốc thăm dưới sự chứng kiến các bên liên quan để kết quả được công bằng, minh bạch”. [1]

Như vậy, chúng ta thấy Ban giám hiệu Trường Mầm non Hoàng Liệt cũng có những cái khó riêng. Bởi vì, chỉ tiêu cấp trên giao đối với trẻ 3 đến 4 tuổi chỉ tuyển 333 cháu nhưng có tới 713 hồ sơ đăng ký sẽ đồng nghĩa với việc 380 cháu không trúng tuyển - số lượng nhiều hơn trúng tuyển.

Nếu như nhà trường không tổ chức bốc thăm, chỉ nhận hồ sơ đăng ký đến cháu 333 thì đương nhiên phụ huynh của 380 cháu còn lại có thể sẽ phản đối và có những ý kiến trái chiều. Hoặc, nhận tất cả hồ sơ, sau đó nhà trường tự chọn ra 333 cháu lại càng phức tạp bởi những hoài nghi của dư luận lại càng nhiều hơn.

Làm gì để không còn việc phải bốc thăm may rủi để được học?

Một số ý kiến cho rằng việc bốc thăm như Trường Mầm non Hoàng Liệt có cái gì đó kỳ lạ và thậm chí phản cảm trong môi trường giáo dục. Song, trong bối cảnh hiện tại, có lẽ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai, Trường mầm non Hoàng Liệt cũng không có cách nào thay đổi thực tế là trường lớp không đủ.

Một khi cơ sở hạ tầng, nhân lực của nhà trường không thể đáp ứng hết được hết nhu cầu học tập của các cháu trong địa bàn thì việc tổ chức bốc thăm công khai, có sự chứng kiến của nhiều ban ngành, sự tham gia của tất cả phụ huynh sẽ là cách minh bạch nhất trong tuyển sinh hiện nay ở những nơi xảy ra tình trạng quá tải.

Không tổ chức bốc thăm như thế này, Ban giám hiệu Trường Mầm non Hoàng Liệt có tuyển bằng cách nào cũng không tránh khỏi những điều tiếng - cho dù là yếu tố tiêu cực trong tuyển sinh không xảy ra.

Bởi lẽ, nếu như tuyển học sinh đầu cấp ở bậc học phổ thông mà xảy ra quá tải thì nhà trường có thể có nhiều hình thức như cho kiểm tra trình độ, khả năng của học sinh nhưng ở đây các cháu mới có 3-4 tuổi - chẳng có gì để làm tiêu chí đánh giá, định lượng cho từng chỉ tiêu làm thước đo cho sự minh bạch.

Trong khi, những cháu này cùng sinh sống trên địa bàn với nhau, có hộ khẩu thường trú, đúng tuyến tuyển sinh thì cũng đồng nghĩa các cháu có đủ điều kiện để vào Trường Mầm non Hoàng Liệt.

Nhưng, khả năng nhà trường chỉ đáp ứng được một số lượng học sinh nhất định chứ không thể nào tuyển hết được. Vì thế mới dẫn đến sự việc bốc thăm may rủi của phụ huynh để có được một suất cho con vào học.

Bài toán quá tải học sinh bậc mầm non, cũng như các cấp học phổ thông công lập ở những khu vực đô thị lớn không thể tìm ra giải pháp một sớm, một chiều.

Vấn đề giáo viên có thể tuyển mới nhưng trường lớp rất khó đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô song hành với sự phát triển dân số bởi nó liên quan đến chủ trương, lộ trình trong nhiều năm mới có thể thực hiện được.

Bởi vậy, việc bốc thăm như Trường Mầm non Hoàng Liệt dù có nhiều ý kiến khác nhau trong lúc này nhưng có lẽ phụ huynh cũng cần thông cảm với hoàn cảnh hiện tại của nhà trường và chính quyền địa phương nơi đây.

Theo cá nhân người viết, suy cho cùng, với thực tế như vậy, việc cho phụ huynh bốc thăm cũng là giải pháp minh bạch, công bằng nhất.

Tài liệu tham khảo:

https://baotintuc.vn/anh/hy-huu-phu-huynh-nin-tho-cho-la-phieu-quyet-dinh-con-minh-co-duoc-vao-truong-mam-non-cong-lap-hay-khong-20220827123106436.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN