Cô trò ở trường bán trú Đăk Tăng (Kon Tum) ứng phó với động đất như thế nào?

05/09/2022 11:22
MINH THẢO - AN NGUYÊN
GDVN- Sau tiếng còi cảnh báo, những học sinh khẩn trường chui xuồng gầm giường, nằm sạt xuống mặt đất để ứng phó với động đất.

Đó là một trong những bối cảnh mà Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, Kon Tum) đưa ra để ứng phó với những trận động đất cường độ lớn xảy ra thời gian qua.

Thầy cô giáo vào tận từng bản làng để động viên học sinh đi tham gia diễn tập ứng phó với động đất. Ảnh: MT

Thầy cô giáo vào tận từng bản làng để động viên học sinh đi tham gia diễn tập ứng phó với động đất. Ảnh: MT

Từ cuối tháng 8 đến nay, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận nhiều cảnh bảo về các trận động đất có cường độ lớn xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông.

Mới nhất là vào ngày 4/9, Trung tâm ghi nhận một trận động đất có độ lớn 2,7 độ, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trước đó, ngày 3/9, trên địa bàn huyện Kon Plông cũng ghi nhận một trận động đất mạnh 2,9 độ richter.

Cô Nguyễn Thị Tú - Giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Đăk Tăng cho biết: “Thời gian qua, nhiều trận động đất đã diễn ra khiến giáo viên, học sinh có chút hoang mang, lo lắng.

Mỗi lần mặt đất rung chuyển, cô trò cũng sợ. Nên ứng phó với hoàn cảnh đó như thế nào, việc sơ cứu những học sinh không may bị thương ra sao thì cần phải có sự chuẩn bị, diễn tập kỹ càng.

Do đó, nhà trường đã tổ chức tập huấn kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho học sinh trước khi bước vào năm học mới”.

Chiều ngày 4/9, một ngày trước thềm khai giảng năm học mới, nhà trường đã tổ chức buổi diễn tập ứng phó với động đất. Các giáo viên của nhà trường đã đến từng bản, gõ cửa từng nhà vận động học sinh đi diễn tập.

Sau khi tập hợp đủ học sinh, cô Tú bắt đầu giải thích về các phương án xử lý khi có động đất, trong đó phải có sự tìm hiểu thông tin về động đất, cơ chế hoạt động ra sao… Nhiều tình huống được đặt ra để giúp các em ứng phó, phản xạ kịp thời nhằm tránh các nguy hiểm có thể xảy ra.

Cô Nguyễn Thị Tú - Giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Đăk Tăng phổ biến kiến thức về ứng phó với động đất cho học trò. Ảnh: MT

Cô Nguyễn Thị Tú - Giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Đăk Tăng phổ biến kiến thức về ứng phó với động đất cho học trò. Ảnh: MT

“Những kiến thức chúng tôi truyền đạt đến các em chủ yếu là do giáo viên thu thập tìm hiểu từ trên mạng, còn chưa có một bộ kỹ năng chính thống để dùng cho việc này.

Trong bối cảnh địa phương có nhiều trận động đất xảy ra thì tôi nghĩ, cơ quan chức năng hoặc ngành giáo dục cần có một bộ dạy kỹ năng ứng phó động đất như ở các trường học của Nhật Bản.

Không chỉ ứng phó với động đất mà còn phải dạy các em ứng phó với hỏa hoạn, mưa lũ… Đó đều là những kỹ năng quan trọng, giúp các em sống sót nếu không may gặp nạn”, cô Tú cho hay.

Có mặt tại khu ký túc xá của trường (dành cho học sinh bán trú), khi tiếng còi hiệu của giáo viên vừa vang lên liên hồi thì những học sinh đang nằm trên giường tầng hay các học sinh đang ngồi ở bàn học khẩn trương tìm nơi trú tránh.

Các em khẩn trương bò xuống dưới giường sắt chắc chắn và nằm úp mặt xuống đất, “đợi cơn rung chấn qua đi”.

Học sinh chui xuống gầm giường sắt khi xảy ra động đất trong buổi diễn tập. Ảnh: MT

Học sinh chui xuống gầm giường sắt khi xảy ra động đất trong buổi diễn tập. Ảnh: MT

“Trong buổi diễn tập này, chúng em được các thầy cô dạy cách phản ứng khi có động đất. Đó là phải khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa các vật cao, dễ ngã đổ như: tủ đựng đồ hoặc cột điện, cây cối.

Khi ở trong nhà thì phải chui xuống gầm bàn, gầm giường và không được chạy ra khỏi nhà khi có động đất xảy ra. Nếu không có được chỗ trú ẩn an toàn thì phải đến các khu vực trống trải, chạy tránh xa các tường bê – tông cao hay cây to và đường dây điện để tránh sập đổ.

Trường hợp bị mắc kẹt thì phải bình tĩnh để kêu người đến cứu”, A Liên (học sinh lớp 9) chia sẻ. Cũng theo A Liên, ngoài các kỹ năng phòng tránh cho bản thân, các em còn được dạy cách xử lý khi gặp người bị thương trong các trận động đất.

Theo ông Nguyễn Minh Cường – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông thì mặc dù chưa có tài liệu nào hướng dẫn cho giáo viên, học sinh ứng phó với động đất nhưng ngành giáo dục đã chỉ đạo các trường chủ động tìm hiểu, nghiên cứu để trang bị kiến thức cho học sinh.

“Những kiến thức, kỹ năng này rất quan trọng với các em nên nhà trường đã lồng ghép nó vào chương trình giảng dạy hàng ngày”, ông Cường nói.

MINH THẢO - AN NGUYÊN