Việc xúc tiến đưa bộ môn điện ảnh vào giảng dạy chính thức tại các trường tiểu học của cô giáo Nguyễn Thị Hoa (nguyên giáo viên Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng. Dự kiến, trong năm học tới sẽ cho thí điểm tại một số trường, trước khi nhân rộng mô hình độc đáo này.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa (áo đỏ) đang trò chuyện với các học viên trong Câu lạc bộ điện ảnh Đà Nẵng. Đây là Câu lạc bộ do cô làm chủ nhiệm, được Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng thành lập ngày 27/3/2020. Ảnh: AN |
Xoay quanh chương trình này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với cô Nguyễn Thị Hoa để hiểu rõ thêm môn học còn khá lạ lẫm với học sinh tiểu học này.
PV: Vì sao cô lại muốn đưa điện ảnh trở thành một môn dạy kỹ năng sống cho học sinh tiểu học?
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa: Lâu nay, phụ huynh cũng như giáo viên có tâm lý chỉ tập trung dạy cho học sinh tiểu học những kiến thức Toán, Văn, ngoại ngữ.
Còn các môn về kỹ năng sống cho các em như: khả năng biểu đạt cảm xúc, ngôn ngữ, hình thể, kỹ năng giao tiếp... thì hầu như ít được quan tâm đề cập đến.
Hiện nay xã hội ngày càng phát triển, trẻ em phải học hành vất vả hơn, cha mẹ cũng bận rộn hơn, nên thời gian dành cho con cái ít hơn, trẻ cũng ít có thời gian giải trí mà phải học tập trong khuôn khổ.
Do đó, tình trạng trẻ bị các hội chứng tự kỷ, tăng động cũng theo đó gia tăng. Vì vậy, tôi mong muốn đưa điện ảnh trở thành môn học của trẻ một phần muốn giảm sức nặng về việc học các môn văn hóa cho trẻ giúp các em có thời gian giải trí một cách lành mạnh, qua đó phát triển óc sáng tạo, biểu đạt cảm xúc...
Trẻ em cần được sáng tạo mới phát huy hết được năng lực bản thân. Ở đây theo tôi không chỉ hướng dẫn, đào tạo về năng lực qua kỹ thuật diễn xuất điện ảnh, năng khiếu mà còn là tính sáng tạo, kỹ năng giao tiếp thông qua cũng giờ học điện ảnh và cảm thụ điện ảnh.
PV: Các câu lạc bộ điện ảnh sẽ hoạt động như thế nào? Học sinh sẽ học được những gì qua câu lạc bộ này?
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa: Điện ảnh gồm nhiều lĩnh vực và mình cũng đã khảo sát về sở thích, năng lực cũng như tìm hiểu kỹ về từng lĩnh vực điện ảnh tương thích phù hợp với từng lứa tuổi lẫn tính cách.
Qua đó sẽ thành lập các câu lạc bộ như: đạo diễn, diễn viên, biên tập, dẫn chương trình... Các câu lạc bộ này có thể có trong từng lớp hoặc từng khối. Từng câu lạc bộ sẽ được học tập riêng và có những buổi giao lưu để tăng tính tương tác và ứng dụng.
PV: Hiện quá trình đưa điện ảnh vào trường học của cô đã thực hiện đến đâu? Các trường cũng như phụ huynh có hào hứng đón nhận việc này?
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa: Hiện mình đã tiếp cận và nhiều trường đã “đặt hàng” bộ môn này. Nó giống như hoạt động ngoại khóa của học sinh.
Những tiết học mang tính chất dạy kỹ năng, tạo sự tự lập và hình thành tính cách hòa nhập, phát triển bản thân cho trẻ. Ở đây không có sự bắt buộc hay một khuôn khổ gò ép nào, các em học sinh khi tham gia sẽ được tự do thể hiện suy nghĩ, kỹ năng...
Chúng tôi đã làm việc với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cũng như một số trường học trên địa bàn quận Hải Châu.
Hầu hết, các thầy cô đều rất tán thành việc này, bởi đây là chương trình có ích cho giáo dục trẻ. Nhiều phụ huynh cũng rất hào hứng cho con em tham gia câu lạc bộ. Nhất là những phụ huynh có con bị chậm nói, ngại tiếp xúc... thì điện ảnh sẽ giúp các em ấy hoàn thiện hơn.
PV: Mong muốn của cô khi thực hiện chương trình này là gì?
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa: Mỗi trường học ở Đà Nẵng sẽ có một câu lạc bộ về điện ảnh để học sinh tham gia học tập, sinh hoạt, rèn luyện là ấp ủ lớn nhất của cô.
Ở những câu lạc bộ này, ngoài giờ học, các em sẽ hóa thân thành những biên tập viên nhí, diễn viên, đạo diễn nhí...
Mình cũng sẽ khuyến khích các em tự viết kịch bản rồi hóa trang... Qua những lớp này, các em học sinh sẽ có thêm sự tự tin trong giao tiếp, biết cách biểu cảm cảm xúc bằng ngôn ngữ hình thể...
Nó như một khóa dạy về kỹ năng sống cho học sinh được thực hiện công phu bằng bộ môn điện ảnh.
Các em học điện ảnh không phải để trở thành một diễn viên như mọi người vẫn nghĩ mà mình học các kỹ năng của nó để ứng dụng vào công việc sau này. Đó là học cách diễn thuyết, cách dùng ngôn ngữ bằng hình thể, cách biểu đạt cảm xúc...
Trân trọng cảm ơn cô!