Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn thư bạn đọc về việc Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc (trụ sở tại phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhưng đã tự ý cho một trường phổ thông liên cấp thuê.
Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc được biết đến với nhiệm vụ đào tạo cán bộ ở bậc cao đẳng, trung học và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ quản lý thuộc các chuyên ngành: Âm nhạc, Thanh nhạc, Mỹ thuật, Múa, Văn hoá quần chúng, đồng thời là trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học thuộc lĩnh vực văn hoá nghệ thuật của các tỉnh miền núi phía Bắc (bao gồm các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên và các huyện miền núi của các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ).
Học sinh, sinh viên theo học trong trường chủ yếu là con em người đồng bào dân tộc thiểu số và được thụ hưởng nhiều chính sách về chi phí ăn ở, sinh hoạt và đào tạo theo chế độ đãi ngộ của nhà nước.
Khuôn viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc nhìn từ trên cao. Ảnh: website nhà trường |
Khuôn viên trường có diện tích rộng khoảng 3,5ha với đầy đủ các khối nhà chức năng phục vụ cho hoạt động đào tạo, khu giảng đường có thể đáp ứng giảng dạy lên tới 1.200 học sinh, sinh viên.
Ngày 13/9, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Minh Cường - quyền Hiệu trưởng, về việc cho thuê trụ sở của nhà trường.
Qua điện thoại ông Cường cho biết, việc cho thuê là do ông Nguyễn Văn Minh (nguyên Hiệu trưởng) ký lúc đương nhiệm.
Sau khi ông Minh về hưu, ông Cường mới lên thay quyền phụ trách và đang chờ các điều kiện để bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng.
Có một thời gian, ông Minh đi nước ngoài nên nhà trường chưa thể giải quyết được chuyện hợp đồng với đơn vị được thuê. Hiện ông Minh đã về nước và các bên đang họp giải quyết vấn đề.
Cũng theo ông Cường, hiện Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ có đoàn làm việc với nhà trường để làm rõ các vấn đề cụ thể.
Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc cũng đang xây dựng đề án về sử dụng tài sản công gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phải được Bộ chấp thuận, đáp ứng được những quy định cụ thể mới có thể cho thuê một phần tài sản.
Cũng theo ông Cường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chỉ đạo rà soát tất cả các trường trực thuộc, phải làm đề án về sử dụng tài sản công và phải được chấp thuận thì mới được phép cho thuê. Khi nào có kết quả làm việc, nhà trường sẽ thông tin cụ thể cho tòa soạn.
Theo thông tin của độc giả cung cấp, vào khoảng năm 2018, ông Nguyễn Văn Minh (nguyên Hiệu trưởng) có lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo, cán bộ trong trường về việc cho thuê địa điểm với giá là 200 triệu đồng/1 năm; sau đó có hợp đồng bổ sung, giá thuê được điều chỉnh là hơn 300 triệu đồng/1 năm với Trường Phổ thông liên cấp Sao Mai (thuộc Công ty cổ phần Điện tử viễn thông Thành Biên – Thành Biên Group).
Khu vực trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc cho Trường Phổ thông liên cấp Sao Mai thuê. Ảnh: Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh Hòa Bình |
Theo giới thiệu trên website, Trường Phổ thông liên cấp Sao Mai Hòa Bình được thành lập năm 2018 theo Quyết định số 1268/QĐ-UBND, ngày 25/5/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, là trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục.
Địa điểm của nhà trường: Tổ 14, Phường Thịnh Lang, Thành phố Hòa Bình (trong khu vực hợp tác và liên kết giữa Công ty cổ phần Điện tử viễn thông Thành Biên và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc).
Điều 57 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê:
1. Đơn vị sự nghiệp công lập được cho thuê tài sản công trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất;
b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để cho thuê mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.
2. Thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ;
b) Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản không thuộc quy định tại Điểm a khoản này.
3. Phương thức và giá cho thuê tài sản được quy định như sau:
a) Đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ thực hiện theo phương thức đấu giá; giá cho thuê là giá trúng đấu giá;
b) Đối với tài sản không thuộc phạm vi quy định tại Điểm a khoản này thực hiện theo phương thức thoả thuận; giá cho thuê tài sản do người cho thuê và người đi thuê tài sản thoả thuận theo giá thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ”.