Giải quyết bài toán thiếu biên chế, Thái Nguyên khoán việc với 3.816 giáo viên

16/09/2022 06:43
Ngọc Mai
GDVN- Năm học 2022-2023, nếu không thực hiện cơ chế khoán việc thì tỉnh Thái Nguyên sẽ thiếu 2.889 giáo viên cấp mầm non, tiểu học.

Trong khi vấn đề thiếu giáo viên chưa được giải quyết thì ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên vẫn tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017.

Để đảm bảo đội ngũ giáo viên, tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê, khoán giáo viên giảng dạy trong điều kiện thiếu biên chế theo định mức.

Từ khi có cơ chế khoán việc tình trạng thiếu giáo viên dần cải thiện

Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê, khoán giáo viên giảng dạy trong điều kiện thiếu biên chế giáo viên theo định mức.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về thực hiện cơ chế khoán giáo viên, Thạc sĩ Trần Thị Thuý, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên) cho biết, từ khi có nguồn kinh phí hỗ trợ về các cơ sở giáo dục để thực hiện thuê, khoán giáo viên thì định mức giáo viên mầm non tăng từ hơn 1 lên 2,03 giáo viên/lớp. Tỷ lệ này cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.

Thạc sĩ Trần Thị Thuý, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên) (Ảnh: NVCC).

Thạc sĩ Trần Thị Thuý, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên) (Ảnh: NVCC).

“Trên thực tế, biên chế giáo viên hiện tại đối với cấp mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh đang thiếu rất nhiều, chủ yếu đội ngũ hiện nay là giáo viên khoán việc.

Trước kia, khi chưa thực hiện cơ chế khoán thì ở cấp mầm non và tiểu học thiếu trên 2.000 giáo viên. Kể từ khi các cơ sở giáo dục được cấp nguồn kinh phí để thực hiện thuê, khoán thì đội ngũ giáo viên đã được bổ sung, đảm bảo công tác giảng dạy.

Theo cơ chế khoán, ở cấp mầm non, mức lương giáo viên là 4,9 triệu đồng/tháng và nhân viên nấu ăn là 3,5 triệu đồng/tháng (nếu đủ số công).

Sau 3 năm thực hiện cơ chế khoán việc đã bổ sung vào lực lượng giáo viên mầm non, góp phần cơ bản đáp ứng mục tiêu, yêu cầu giáo dục và đào tạo”, Thạc sĩ Trần Thị Thuý chia sẻ.

Do giáo viên thuộc đối tượng khoán chỉ nhận được tiền công, không có trợ cấp, nên gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

“Cơ chế khoán việc đang là giải pháp tình thế, trước mắt để lấp khoảng trống thiếu giáo viên của tỉnh nói chung và cấp mầm non nói riêng. Nguồn tuyển giáo viên này cũng rất thuận lợi do tỉnh "có sẵn" là các sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp trường cao đẳng, đại học đào tạo sư phạm mầm non.

Song, vấn đề đặt ra đó là, yêu cầu tuyển dụng giáo viên khoán việc tương tự như giáo viên hợp đồng, nhưng chế độ cho 2 đối tượng này lại khác nhau. Thực hiện khoán việc thì giáo viên làm ngày nào hưởng lương ngày đó (không được hỗ trợ đóng bảo hiểm), nghỉ hè không có hỗ trợ, thu nhập thấp nên đời sống khó khăn hơn”, bà Thúy chia sẻ thêm.

Cũng theo bà Thuý, hiện Thái Nguyên chỉ có 2 đối tượng là biên chế giáo viên và giáo viên khoán việc, chưa có cơ chế hợp đồng giáo viên ở các cấp học.

Năm học 2022-2023, Thái Nguyên được bổ sung 1.157 biên chế giáo viên, trong đó cấp mầm non là 575 chỉ tiêu. Tuy nhiên, số lượng chỉ tiêu này còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

“Hiện, do số giáo viên biên chế tại các cơ sở giáo dục mầm non chưa đạt định mức theo quy định là 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo và 2,5 giáo viên/nhóm nhà trẻ nên trường phải thực hiện cơ chế khoán giáo viên. Song, những giáo viên khoán này luôn mong muốn được ký hợp đồng lao động theo Nghị quyết 102/NQ-CP năm 2020, để có thêm khoản hỗ trợ.

Chỉ khi đời sống của giáo viên được quan tâm cải thiện, thì họ mới yên tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thạc sĩ Trần Thị Thuý kỳ vọng.

Bước vào năm học mới, thiếu giáo viên còn khiến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 lớp 10 ở các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên gặp khó.

Chia sẻ về khó khăn này, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Bách, Trưởng Phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên) cho hay: “Thiếu giáo viên là khó khăn chung của nhiều địa phương. Tuy nhiên, đối với trung tâm giáo dục thường xuyên, thiếu giáo viên gây ra nhiều khó khăn đặc thù.

Do đó, năm học 2022-2023, để đảm bảo đủ đội ngũ giảng dạy, các trung tâm giáo dục thường xuyên phải tiến hành hợp đồng thỉnh giảng giáo viên đang dạy các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh, sinh viên sư phạm mới ra trường. Song, do những giáo viên này không phải là biên chế, cơ hữu tại trường nên các trung tâm gặp khó trong triển khai chương trình mới".

Tham mưu để hợp đồng lao động số giáo viên còn thiếu

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên được bổ sung 1,157 chỉ tiêu biên chế (trong đó, mầm non 575; tiểu học 423; trung học cơ sở 124; trung học phổ thông 35).
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cho biết, trên thực tế, số học sinh ở các cấp học trên địa bàn tỉnh tăng đều từ 5.000 - 8.000 em/năm học là cơ sở để tăng số lượng biên chế giáo viên. Hơn nữa, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục tỉnh cũng cần được bổ sung biên chế giáo viên. Tuy nhiên, tỉnh vẫn đang phải thực hiện tinh giản biên chế nên mới xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Cụ thể, thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 19, từ năm 2017-2021, tỉnh Thái Nguyên đã giảm 2.069 người.

Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Thái Nguyên dự kiến giảm 10% số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp trong ngành giáo dục với tổng số 1.878 người (trung bình mỗi năm giảm 469 người).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của các cấp học, môn học để xây dựng phương án. Sau đó, Sở sẽ tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu bổ sung cho các đơn vị để thực hiện tuyển dụng giáo viên còn thiếu, nhất là các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh ở cấp tiểu học và Mỹ thuật, Âm nhạc ở cấp trung học phổ thông”.

Phó Giáo sư Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên (nguồn: thainguyen.gov.vn)

Phó Giáo sư Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên (nguồn: thainguyen.gov.vn)

Bàn về cơ chế khoán giáo viên, theo vị Giám đốc Sở, hiện nay giáo viên mầm non, tiểu học làm việc theo hình thức khoán việc tại các cơ sở giáo dục đang chiếm 32,2%. Nếu không thực hiện cơ chế khoán, tỉnh Thái Nguyên sẽ thiếu 2.889 giáo viên mầm non, tiểu học.

“Qua khảo sát cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên thực hiện cơ chế khoán, lãnh đạo Sở nhận thấy, mong muốn của giáo viên là được thực hiện hợp đồng lao động để ổn định công việc, hưởng lương trong cả năm, được tăng mức lương theo thời gian công tác và được đơn vị sử dụng lao động thực hiện các chế độ.

Do đó, trên tinh thần đồng hành, sẻ chia với giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với Sở, ban ngành của tỉnh tiếp tục tham mưu, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ cho phép được ký hợp đồng lao động đối với số giáo viên còn thiếu", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên thông tin.

Về thực hiện Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Chính phủ chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP đặt hàng đào tạo giáo viên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Việc triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên đối với tỉnh sẽ bị vướng mắc về công tác tuyển dụng sau đặt hàng. Do đó tỉnh không tiến hành đặt hàng đào tạo giáo viên ở nhiều môn học mà chỉ tham mưu đặt hàng 20 giáo viên môn Âm nhạc và Mỹ thuật”.

Thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tham mưu thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đặt hàng giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116 của Chính phủ, năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện triển khai, rà soát và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo số lượng giáo viên cần có cho giai đoạn 2022-2025 là 3.105.

Cụ thể, năm 2022, tỉnh có nhu cầu cần tuyển 1.755 chỉ tiêu; năm 2023, cần 653 chỉ tiêu; năm 2024 cần 372 chỉ tiêu và năm 2025 cần 325 chỉ tiêu.

Tỉnh Thái Nguyên không tiến hành đặt hàng đào tạo giáo viên ở nhiều môn học dựa trên các lý do sau:

Một là, tỉnh đang phải thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 19.

Hai là, hiện nay, các cơ sở giáo dục vẫn đang thực hiện cơ chế khoán việc với 3.816 giáo viên ở các cấp học.

Ba là, theo số liệu cung cấp của Trường Cao đẳng Thái Nguyên, Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên, số sinh viên các ngành sư phạm người địa phương tốt nghiệp từ năm 2021 đến năm 2024 sẽ là 1.171 (trong đó, cao đẳng là 379; đại học là 792).

Song, xác định đội ngũ giáo viên dạy các môn đặc thù của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang thiếu trầm trọng, Sở đã bàn đến việc đặt hàng đào tạo giáo viên các môn này. Song, để giảm thiểu những vướng mắc sau thời gian đặt hàng đào tạo, năm học 2022-2023, Sở chỉ tham mưu đặt hàng đào tạo 10 chỉ tiêu giáo viên môn Âm nhạc và 10 chỉ tiêu giáo viên môn Mỹ thuật.

Ngọc Mai