Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cảm ơn sự quan tâm của tỉnh Thái Nguyên với sự nghiệp giáo dục; đồng thời đánh giá cao những chỉ số giáo dục của địa phương, trong đó có hai phương diện đáng chú ý là quan tâm đến chuyển đổi số trong giáo dục và quan tâm thúc đẩy việc dạy và học ngoại ngữ.
Theo Bộ trưởng, khi ngoại ngữ và tin học được đầu tư, cùng với các môn học khác sẽ gia tăng rất lớn trong đào tạo nguồn nhân lực.
Đặt vấn đề trọng tâm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng nhấn mạnh tới trách nhiệm rất quan trọng của địa phương, từ chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên; tới biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, lựa chọn sách giáo khoa…Về những vấn đề này, Bộ trưởng đánh giá, tỉnh Thái Nguyên đã làm khá tốt rồi, thời gian tới, tỉnh cần quan tâm để làm tốt hơn nữa.
Cụ thể, tỉnh đã có kế hoạch phấn đấu đến năm 2030 100% trường học đạt chuẩn. Đây là một mục tiêu quan trọng nên mong tỉnh tập trung để hiện thực hóa được. Trong cơ sở vật chất, đề nghị tỉnh chú ý tới hệ thống thư viện trường học, bao gồm cả sách giấy, sách điện tử và hệ thống nhà vệ sinh ở các nhà trường.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc |
Đối với hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú, hiện nay tỉnh đang làm tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý hài hòa về mặt khoa học giáo dục và điều kiện thực tế trong huy động học sinh nhỏ tuổi học tập bán trú, bởi việc tách các cháu khỏi gia đình quá sớm có thể ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển. Với các trường dân tộc nội trú, không nên thuần túy chỉ dạy học sinh dân tộc, mà cần có sự đan xen để tạo môi trường tương tác giữa các học sinh.
Về vấn đề giáo viên, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Thái Nguyên quan tâm triển khai việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/NĐ-CP, đặc biệt là đặt hàng đào tạo giáo viên dạy các môn nghệ thuật. Trước một số khó khăn về xuất phát, phát hành tài liệu giáo dục địa phương, Bộ trưởng đề nghị Thái Nguyên tham khảo kinh nghiệm của một số địa phương đã thực hiện để triển khai phù hợp.
Thúc đẩy hơn nữa việc phát triển hệ thống trường ngoài công lập, cũng là lưu ý của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với tỉnh Thái Nguyên.
Được biết, thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế, hiện nay, tổng số biên chế giáo viên thiếu so với định mức quy định của toàn ngành là 5.987 biên chế, để đảm bảo đội ngũ giáo viên tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê, khoán giáo viên giảng dạy trong điều kiện thiếu biên chế theo định mức. Với đội ngũ biên chế và định mức khoán hiện có, tỉnh Thái Nguyên cơ bản bảo đảm đủ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để thực hiện chương trình của năm học.
Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 6 theo đúng kế hoạch; chất lượng phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì và nâng cao; chất lượng giáo dục học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học cho cả giai đoạn, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”, tổng kinh phí dành cho đề án là 2.820,409 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng là trên 2.227 tỷ đồng, kinh phí mua sắm là trên 592 tỷ đồng.
Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư hiệu quả, hiện nay, toàn tỉnh có 592/683 trường học các cấp đạt trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 86,68%.
Công tác nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tỉnh Thái Nguyên có số lượng giải nhiều nhất, chất lượng giải cao nhất từ trước đến nay và tất cả các đội tuyển của tỉnh đều đạt giải và có 1 học sinh được tham gia dự vòng thi để chọn đội tuyển quốc gia thi Olimpic sinh học quốc tế.
Khẳng định, con đường ngắn nhất xóa đói giảm nghèo, thực hiện ước mơ phát triển là giáo dục, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết: Thái Nguyên luôn chú trọng công tác giáo dục và đào tạo; những chủ trương, chính sách về giáo dục đều được tỉnh bám sát và triển khai nghiêm túc, đầy đủ.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ về cách làm mới trong dạy và học tiếng Anh của địa phương nhằm tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, tỉnh ban hành đề án riêng về nâng cao chất lượng dạy và học tiếng trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; là tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện tài trợ kinh phí cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, với nguồn kinh phí rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quan tâm lựa chọn Thái Nguyên thực hiện những mô hình điểm, đặc biệt là về chuyển đổi số trong giáo dục. Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng đăng cai những hoạt động lớn về giáo dục và đào tạo, coi đó là hoạt động để được chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển giáo dục và đào tạo.