Ban đại diện phụ huynh thu quỹ, trích về trường 70% thì còn gì mà hoạt động?

21/09/2022 06:38
Phan Tuyết
GDVN- Nếu trích phần trăm hội phí về trường với số tiền quá nhiều từ 60 đến 70% thì lớp sẽ lấy kinh phí đâu để hoạt động?

Tiền hội phí được hiểu đó là tiền do phụ huynh đóng góp để làm kinh phí hoạt động phục vụ cho chính các em học sinh. Ở các trường, hiện có 2 loại quỹ là quỹ hội của lớp và quỹ hội của nhà trường.

Quỹ hội của lớp do chính phụ huynh của lớp ấy đóng góp. Còn quỹ hội của trường từ đâu mà có? Theo quy định của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, quỹ hội của trường được trích từ quỹ hội của các lớp đóng.

Ảnh minh họa.Ảnh minh họa.

Phụ huynh vẫn thường hỏi giáo viên: Quỹ hội của lớp sẽ trích bao nhiêu phần trăm về quỹ hội nhà trường? Khi nhận được câu hỏi như thế này, giáo viên chúng tôi vẫn thường trả lời rằng không có quy định cụ thể nào cả (bao nhiêu là do các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất trong cuộc họp với nhà trường).

Thế nên, phần trăm trích về trường mỗi trường một khác. Có trường để quỹ ở lớp 30%, trích về trường 70%. Có trường để quỹ ở lớp 40%, trích về trường 60%. Lại có trường để quỹ ở lớp tới 70%, trích về trường chỉ 30%.

Không ít phụ huynh đã từng thắc mắc: Vì sao việc trích phần trăm quỹ hội lại không có sự thống nhất giữa các trường? Vì sao chỉ trong một địa bàn nhưng vẫn xảy ra tình trạng mỗi trường làm một kiểu? Phải chăng vì việc đọc hiểu về những quy định trong Thông tư 55 chưa thật sự rõ ràng?

Nhiều trường đang thực hiện quy trình “ngược”

Điều 10 Thông tư 55 quy định kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh nêu rõ:

"Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường". [1]

Rõ ràng, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Nghĩa là, tiền hội phí của lớp nhận được từ sự ủng hộ của phụ huynh sẽ trích một khoản kinh phí cho hội phí của nhà trường. Hoàn toàn không phải hội phí của trường được trích về cho các lớp.

Tuy nhiên trong thực tế, không ít trường học vẫn đang thực hiện quy trình “ngược”. Nghĩa là, các lớp sau khi thu được tiền hội phí sẽ phải nộp lại hết cho nhà trường. Sau đó, nhà trường sẽ trích lại một số phần trăm (do trường quy định) về các lớp và mỗi trường trích phần trăm mỗi mức mà không có sự thống nhất.

Rõ ràng, Thông tư 55 không quy định phần trăm trích hội phí về nhà trường hay giữ lại lớp là bao nhiêu mà chỉ nêu: là theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.

Nghĩa là, vẫn có trường hợp phần trăm trích hội phí về trường ở mỗi trường mỗi khác. Tất cả đều phụ thuộc vào quyết định của trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp thống nhất. Có điều, hội phí của lớp mà trích về trường lại cao gấp đôi hoặc gấp ba lần để lớp thì rõ ràng là bất hợp lý.

Trích về quỹ trường 60-70%, Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp lấy gì hoạt động?

Phải khẳng định ngay rằng, tiền hội phí của lớp là do phụ huynh ủng hộ để phục vụ nhu cầu học tập của chính con em họ. Vì thế, số tiền hội phí để lại ở mỗi lớp phải nhiều hơn số tiền đưa về trường mới là hợp lý.

Nếu trích về trường số phần trăm tiền hội phí quá lớn từ 60 đến 70% thì lớp sẽ lấy kinh phí đâu để hoạt động?

Ví như, một lớp thu được khoảng 4.000.000 đồng tiền hội phí.

Nếu trích về trường tới 70% là 2.800.000 đồng thì quỹ lớp chỉ còn 1.200.000 đồng.

Với số tiền này, buộc các lớp phải tìm cách thu thêm bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đó có thể là, nâng mức trần ủng hộ của phụ huynh ngay từ đầu năm học. Ví như bình thường mỗi phụ huynh chỉ cần ủng hộ quỹ cho lớp khoảng 100.000 đồng là đủ thì nay thầy cô phải kêu gọi phụ huynh nộp từ 200.000 đến 300.000 đồng/học sinh.

Hoặc, giáo viên sẽ vận động phụ huynh ủng hộ thêm hội phí vào đầu học kỳ 2. Lúc này, mọi khoản đóng góp ở trường gần như đủ. Vì thế, nhiều phụ huynh cũng không tiếc khi phải móc hầu bao vài trăm ngàn đồng.

Ngoài tiền quỹ hội, sẽ phát sinh thêm quỹ lớp để học sinh đóng góp bù vào khoản phần trăm đã trích về trường quá cao trước đó.

Trích phần trăm quỹ hội về trường bao nhiêu là hợp lý?

Từ kinh nghiệm của người viết, nhà trường chỉ nên nhận 30% tiền hội phí (trường càng nhiều lớp, số tiền hội phí của nhà trường nhận được sẽ càng cao) mỗi lớp trích về còn 70% sẽ thuộc quyền quản lý của lớp.

Lớp có đủ tiền hội phí cao sẽ có nhiều khoản để chi như mua đồ dùng học tập cho một số học sinh nghèo, khó khăn đột xuất, chi phần thưởng khuyến khích học sinh cố gắng trong học tập từng tuần, từng tháng, trang trí lớp, photo tài liệu ôn tập, thăm hỏi học sinh, gia đình các em đau ốm hoặc có chuyện buồn…

Ví dụ như, một lớp có được 5.000.000 đồng hội phí sẽ đưa về trường 1.500.000 đồng, lớp vẫn còn tới 3.500.000 đồng sẽ đủ cho hoạt động một năm học.

Và khi đó, việc huy động phụ huynh ủng hộ (mang danh tự nguyện) hay việc áp mức đóng đồng đều như hiện nay cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-55-2011-TT-BGDDT-Dieu-le-Ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-132369.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết