Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tiếp – Trưởng phòng Nội vụ huyện Nậm Pồ (Điện Biên) cho biết, Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ đã tiến hành tuyển dụng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ, trong đó 85 chỉ tiêu cho đơn vị trực thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo. Kỳ thi đã được khai mạc vào ngày 15/9.
Nói thêm về chỉ tiêu giáo viên, ông Tiếp cho biết, các chỉ tiêu viên chức ngành giáo dục đã cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên tại huyện Nậm Pồ.
Cũng trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Xuân Chiến - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết, Nậm Pồ có 1.383 biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong đó có 116 cán bộ quản lý, 1.138 giáo viên và 127 nhân viên.
So với định mức được giao, ngành giáo dục Nậm Pồ hiện còn thiếu 228 biên chế trong đó thiếu 06 cán bộ quản lý, 150 giáo viên và 71 nhân viên.
Năm học 2022 -2023, huyện Nậm Pồ sẽ tuyển 2 chỉ tiêu Tin học và 10 chỉ tiêu tiếng Anh, với số lượng này nếu tuyển được thì huyện đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên, trong số 151 hồ sơ ứng tuyển, môn Tiếng Anh chỉ có 09 hồ sơ dự tuyển, nếu cả 9 hồ sơ đều qua vòng tuyển dụng, vẫn tuyển chưa đủ chỉ tiêu giao. Thế nhưng việc này cũng không ảnh hưởng nhiều".
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, huyện Nậm Pồ tiến hành điều chuyển nhiều giáo viên dạy liên cấp, liên trường. Ảnh minh họa: LC |
Nói về nguồn hồ sơ dự tuyển, ông Chiến cho biết: "Nguồn hồ sơ chủ yếu ở trong tỉnh, số ứng viên đến từ miền xuôi năm nay chỉ có một vài hồ sơ. Việc hồ sơ trong tỉnh là chủ yếu cũng tốt vì như vậy hi vọng giáo viên sẽ gắn bó lâu dài với giáo dục vùng khó".
Nói thêm về việc tuyển dụng giáo viên năm học 2022 – 2023, ông Chiến cho biết: “Bên cạnh việc sắp xếp giáo viên giảng dạy liên cấp tại các trường, về cơ bản việc tuyển dụng thêm giáo viên cũng đã tạm đáp ứng được nhu cầu giảng dạy 2 môn cho lớp 3 là Tiếng Anh và Tin học.
Do học sinh lớp 3 hầu hết được chuyển về điểm trường chính nên việc điều chuyển giáo viên cũng không gặp quá nhiều khó khăn”.
Nói về khó khăn của ngành giáo dục huyện, ông Ngô Xuân Chiến cho biết: "Cơ sở vật chất cơ bản đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhưng chưa đáp ứng được sự phát triển về quy mô và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018;
Ở Nậm Pồ chủ yếu thiếu giáo viên mầm non và giáo viên dạy Tin học, Tiếng Anh ở cấp tiểu học và trung học cơ sở để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nguyên nhân do quy mô học sinh không ngừng tăng song số lượng người làm việc được giao lại giảm, giáo viên chuyển đi nhiều.
Nậm Pồ còn nhiều phòng/lớp học ở điểm lẻ là nhà tạm hoặc bán kiên cố. Nhiều trường, phòng ở nội trú cho học sinh chưa được kiên cố, ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn ở, học tập của học sinh".
Còn nhiều khó khăn với giáo dục vùng cao như Nậm Pồ. (Trong ảnh: Học sinh ở Na Cô Sa đi lấy nước khi mùa khô về) Ảnh: LC |
Cái khó nhất hiện nay của Nậm Pồ chính là nước sinh hoạt cho học sinh. Nhiều trường do có số lượng học sinh bán trú, nội trú đông (từ 800 – 1.000 học sinh) dẫn đến tình trạng thiếu nước khá nghiêm trọng.
Nhất là vào mùa khô, nhiều trường học sinh phải ra các khe suối, chờ cả tiếng để hứng từng chậu nước tắm giặt. Như vậy vừa không đảm bảo an toàn và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như chất lượng học tập của học sinh.
Hiện toàn huyện đang huy động đi xin các nhà tài trợ các phương tiện có thể khai thác nguồn nước sạch cho học sinh bán trú.