6 giải pháp bổ sung giáo viên “khan hiếm”
Bài toán thiếu giáo viên trước thềm năm học mới 2022-2023 đến thời điểm hiện tại vẫn đang khiến các địa phương đứng trước nhiều thách thức.
Hiện nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên còn thiếu 2.466 cán bộ, giáo viên, nhân viên so với định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ban hành kèm theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó: Thiếu 1.784 giáo viên, 96 cán bộ quản lý và 586 nhân viên. Đội ngũ giáo viên của tỉnh không những thiếu về số lượng mà còn thiếu về nguồn tuyển đối với các môn đặc thù, đặc biệt là các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Hiện nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên còn thiếu 2.466 cán bộ, giáo viên, nhân viên so với định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. (Ảnh minh họa: Ngân Chi). |
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển giáo viên, ngày 30/8/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2109/SGDĐT-TCCB đề nghị các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện, các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất: Tổ chức rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học theo hướng giảm số trường, số lớp; tăng số học sinh/lớp, tăng số lớp/trường để giảm số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, trong đó có giáo viên.
Thứ hai: Tuyên truyền vận động sinh viên tốt nghiệp ra trường ngành sư phạm các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật chưa có việc làm ở các tỉnh, thành trong cả nước đến tỉnh Điện Biên tham gia dự tuyển vào làm giáo viên.
Thứ ba: Tuyên truyền, vận động, tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện xét tuyển chọn và cử học sinh tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông tham gia đào tạo đại học sư phạm chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật theo chế độ cử tuyển.
Thứ tư: Tuyên truyền, vận động học sinh lớp 12 sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đăng ký xét tuyển sinh vào học đại học ngành sư phạm chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Thứ năm: Tuyên truyền, vận động đội ngũ giáo viên trẻ đang công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tham gia học văn bằng 2 chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Thứ sáu: Tuyên truyền, vận động sinh viên tốt nghiệp ra trường trên địa bàn tỉnh trình độ cao đẳng chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng chưa có việc làm tham gia học liên thông lên đại học để có đủ điều kiện tham gia dự tuyển vào làm giáo viên.
Dù còn nhiều thách thức nhưng với nỗ lực của toàn ngành, cùng với những giải pháp thiết thực, ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên sẽ có những bước tiến vững chắc để thực hiện thành công các mục tiêu đổi mới giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kịch bản năm học mới
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết: “Để chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ đầu tháng 8, chúng tôi đã ban hành các văn bản hướng dẫn các nhà trường, tham mưu phối hợp chính quyền các xã và các tổ chức đoàn thể đóng trên địa bàn, để chuẩn bị cơ sở vật chất, đặc biệt là lớp học ở các điểm bản xa. Đối với hai cấp mầm non và tiểu học, hiện nay vẫn còn nhiều lớp mở tại các bản, số lượng phòng học tạm và bán kiên cố trên địa bàn huyện còn tương đối lớn”.
Số lượng phòng học tạm và bán kiên cố trên địa bàn huyện Mường Nhé vẫn còn tương đối nhiều. (Ảnh minh họa: Ngân Chi). |
“Về đội ngũ giáo viên, hiện nay đang thiếu rất nhiều, tuy nhiên, phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã chủ động thông tin liên lạc trực tiếp với các trường: Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Trường Đại học Sư phạm Tây Bắc, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, để đảm bảo nguồn tuyển giáo viên, tập trung nhiều nhất ở các môn chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông 2018, như môn Tin học, Ngoại ngữ (lớp 3 và lớp 7). Hiện nay, huyện đang thiếu 18 giáo viên Ngoại ngữ và 20 giáo viên Tin học.
Hướng của phòng, đã xây dựng kịch bản, trong thời gian tới, bố trí, sắp xếp luân chuyển giáo viên, dạy tăng cường một giáo viên dạy hơn một trường, tức là với những trường có số lớp không nhiều thì bố trí giáo viên có thể dạy hai trường.
Ngoài ra, phòng cũng đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện hợp đồng thêm giáo viên Tin học và Ngoại ngữ đảm bảo tối thiểu 1 giáo viên/trường, các trường lớn có thể có 3-5 giáo viên tùy theo số lượng lớp.
Về công nghệ thông tin, vừa qua, phòng cũng đã cử cán bộ, giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ giáo viên, đủ điều kiện cơ sở để đáp ứng chương trình mới.
Trong thời gian tới, phòng sẽ xin huyện cho phép hợp đồng thêm 54 giáo viên, trong đó, 23 giáo viên cấp mầm non, 23 giáo viên cấp tiểu học và 8 giáo viên trung học cơ sở, phân công về các trường thiếu giáo viên, có thể vẫn thiếu so với định biên, song, phải đảm bảo tối thiểu 1 giáo viên/lớp” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé thông tin thêm.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của huyện Điện Biên, ông Cù Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục huyện tiếp tục tuyên truyền tiêm vắc-xin đầy đủ cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục đặc biệt là học sinh lớp 9 thi vào 10; thực hiện tốt công tác tham mưu với Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện trong công tác tuyển dụng, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Cũng tại Hội nghị, ông Bùi Hải Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên chỉ đạo ngành giáo dục tiếp tục tuyên truyền để phụ huynh học sinh đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, tích cực bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực trình độ chuyên môn đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp 1,2,3 và lớp 6,7.
Về nhiệm vụ năm học mới của ngành giáo dục huyện Tuần Giáo, tại Hội nghị Tổng kết Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, ông Giàng A Dế (Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ) cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và ngành giáo dục cần tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên trưởng thành về mọi mặt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đạt chuẩn và trên chuẩn. Quan tâm xây dựng và rà soát quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các trường học đảm bảo thực chất, đúng nhu cầu.