Thái Nguyên: Học 8 buổi/tuần thì 5 buổi cô trò phải đi học nhờ trường khác

22/09/2022 06:35
Ngọc Mai
GDVN- HS khối lớp 4, 5 của Trường Tiểu học Tân Long học xong buổi sáng, đến chiều lại xếp hàng, cả cô và trò "rồng rắn" sang trường khác để học nhờ. 

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 Trường Tiểu học Tân Long, phường Tân Long, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) tổ chức cho học sinh lớp 4, 5 đi học nhờ tại Trường Trung học cơ sở Tân Long (cách Trường Tiểu học Tân Long khoảng 300 mét). Việc học nhờ khiến trường gặp nhiều khó khăn trong sắp xếp phòng học, thời khoá biểu; giáo viên lúc dạy trường này, khi sang dạy trường kia; đặc biệt là học sinh khối 4, 5 phải di chuyển địa điểm trong ngày, thiếu an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sáng học một trường, chiều lại học ở một trường khác

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Long, phường Tân Long, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cho biết, đây là năm học thứ 3 nhà trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tổ chức cho học sinh lớp 4 và 5 học nhờ ở Trường Trung học cơ sở Tân Long.

“Yêu cầu của trường tiểu học là 1 lớp phải có 1 phòng học. Hiện tại, Trường Tiểu học Tân Long đang thiếu 6 phòng học. Nhà trường tiến hành bố trí thời khoá biểu để học sinh lớp 4, 5 có 3 buổi sáng học tại trường và các buổi chiều sẽ di chuyển sang trường Trung học cơ sở Tân Long học nhờ. Do đó, trường cũng rất vất vả trong quá trình cân đối thời khoá biểu cho các khối lớp 1, 2, 3”, cô Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ.

Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Tân Long (tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Fanpage Nhà trường.

Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Tân Long (tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Fanpage Nhà trường.

Cũng theo cô Hiệu trưởng, trước đó theo phân công kế hoạch dạy học của nhà trường, hàng tuần, học sinh tiểu học được nghỉ vào chiều thứ 6 để giáo viên sinh hoạt chuyên môn và tổ chức các hoạt động khác. Tuy nhiên, do thiếu phòng học nên để học sinh khối 4 và 5 có đủ 3 buổi sáng học tại trường thì buộc học sinh khối 1, 2 và 3 phải nghỉ một buổi sáng/lớp/tuần và học bù vào chiều thứ 6.

Vì vậy, trường phải tổ chức các cuộc họp, sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên vào thời gian ngoài giờ lên lớp, hoặc vào thứ 7, chủ nhật.

Cô Hương cho biết, số học sinh tăng lên theo từng năm mà số lượng phòng học có giới hạn, chưa thể mở rộng, tăng thêm số phòng là nguyên nhân chính khiến trường phải tổ chức cho học sinh lớp 4, 5 đi học nhờ.

"Không chỉ thiếu phòng học, trường còn thiếu các phòng chức năng như phòng giáo dục nghệ thuật, phòng hội đồng...

Hơn nữa, cơ sở vật chất tại phòng truyền thống, phòng hoạt động Đội, y tế học đường là nhà cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng nên không đảm bảo an toàn sử dụng. Đặc biệt, các phòng chuyên biệt phục vụ việc dạy và học môn Âm nhạc, Mỹ thuật đang chỉ là những căn nhà tạm, được lợp mái tôn nên những ngày hè nắng, nóng khiến cả thầy và trò không thể dạy và học được”, cô Hương nói.

Chưa thể giải phóng mặt bằng, kiến nghị đổi thiết kế ban đầu của dự án xây trường

Việc đi học nhờ không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn mà còn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục và đào tạo.

“Buổi sáng, học sinh lớp 4, 5 tham gia học, ăn và nghỉ trưa tại trường. Đầu giờ chiều, giáo viên tập trung học sinh xếp hàng dọc theo lớp. Mỗi lớp có 3 giáo viên quản lý nhằm giữ trật tự và đưa các em sang Trường Trung học cơ sở Tân Long an toàn.

Những ngày nắng, học trò đội mũ, che ô, nối nhau di chuyển. Ngày mưa thì đường ướt, trơn trượt khiến cả thầy và trò đều rất vất vả khi phải đi bộ sang trường học nhờ.

Dù khó khăn nhưng giáo viên, học sinh luôn nỗ lực khắc phục bởi đối với nhà trường hiện nay, có phòng trống để tổ chức dạy học, đảm bảo tiến độ chương trình, học sinh không phải nghỉ còn là điều rất may mắn”, cô Hương chia sẻ khó khăn.

Nhìn cảnh tượng cô, trò "hành quân" trên đường khiến một số phụ huynh vừa lo lắng, vừa miêu tả một cách dí dỏm "cứ sáng học 1 trường, đầu giờ chiều lại như đàn vịt con nối đuôi nhau sang trường khác học bất kể nắng, mưa".

Cùng trao đổi về vấn đề này, cô Lê Thị Anh Đào, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Long chỉ ra những thiệt thòi của học sinh lớp 4, 5 khi phải học nhờ.

Thứ nhất, học nhờ sẽ thiếu trang thiết bị dạy học.

Với học sinh tiểu học có những môn đặc thù phải sử dụng máy chiếu để nâng cao hiệu quả bài giảng, tạo cái nhìn trực quan, sinh động cho học sinh, giáo viên phải khai thác học liệu cần dùng đến máy tính. Ở các lớp tại Trường Tiểu học Tân Long, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, nhưng lớp "mượn tạm" tại Trường Trung học cơ sở Tân Long thì không có sẵn các thiết bị phục vụ học tập đó. Do các phòng được cho mượn là phòng trống không bố trí thiết bị dạy học. Vì vậy, giáo viên không chỉ đảm bảo “chuyển người” an toàn, mà còn phải chuyển cả cơ sở vật chất gồm máy chiếu, màn chiếu, đồ dùng dạy học sang trường học nhờ. Dạy xong, giáo viên lại thay nhau mang các thiết bị trở lại trường tiểu học để các lớp sau sử dụng.

Thứ hai, học sinh lớp 4, 5 không được tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể do trường tổ chức vào buổi chiều.

Các hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể, thể dục giữa giờ rất cần thiết và bổ ích đối với các em học sinh. Tuy nhiên, do điều kiện phải di chuyển đi học nhờ nên học sinh lớp 4, 5 không được tham gia đầy đủ các hoạt động này.

Thứ ba, trường phải cân đối thời khóa biểu của giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục.

Ví dụ, để hạn chế việc đi lại, phù hợp với tính chất của các thiết bị dạy học, môn học đặc thù, giáo viên đặc thù, trường sẽ sắp xếp thời khoá biểu cho giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục sao cho 1 giáo viên chỉ dạy các tiết học ở 1 điểm trường/buổi.

Thứ tư, nếu học ở Trường Tiểu học Tân Long thì toàn trường sẽ ra về cùng một khung giờ. Thế nhưng, khi học sinh sang Trường Trung học cơ sở Tân long, thì trong 1 buổi học, có lớp học 3 tiết, có lớp học 5 tiết. Lớp 3 tiết ra về trước thì sẽ gây ra tiếng ồn, làm mất trật tự, ảnh hướng nhiều đến các lớp phải ở lại học tiếp.

Cũng theo cô Phó Hiệu trưởng, để đảm bảo việc học nhờ, nhà trường phải chi trả thêm các khoản khác như tiền điện, nước, vệ sinh cho trường trung học cơ sở. Do đó, đây cũng là một trong những khó khăn khi cùng một lúc trường phải chi trả những khoản dịch vụ cho 2 cơ sở giáo dục.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước tình trạng trường học xuống cấp, thiếu phòng học, năm 2016, Uỷ ban nhân dân Thành phố Thái Nguyên đã phê duyệt dự án xây dựng nhà 2 tầng 8 phòng học cho Trường Tiểu học Tân Long. Từ năm 2016 đến nay, các phòng, ban, đơn vị chức năng của thành phố đã phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân phường Tân Long tổ chức nhiều cuộc họp, trao đổi nhưng vẫn chưa khởi công xây dựng do còn nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề đất đai.

“Để triển khai dự án xây thêm dãy 2 tầng 8 phòng học (mỗi tầng 4 phòng học), trường phải mở rộng quỹ đất về chiều dài mới có thể đáp ứng theo yêu cầu thiết kế. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng gặp khó do đất thuộc phần mở rộng đang có tranh chấp giữa 2 hộ dân”, cô Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ.

Cũng theo vị Hiệu trưởng, với tinh thần không để học sinh, giáo viên vất vả đi học nhờ kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mới đây, trường đã kiến nghị chuyển đổi dự án thành xây dựng 3 tầng 9 phòng (mỗi tầng 3 phòng học) thay vì 2 tầng 8 phòng như trước, để vừa không cần giải phóng mặt bằng, vừa tận dụng triệt để quỹ đất nhà trường hiện có.

“Trường đã kiến nghị chuyển dự án sang xây dựng 3 tầng 9 phòng và đang chờ Uỷ ban nhân dân thành phố hướng dẫn cụ thể. Mong muốn chung của trường là các cơ quan chức năng cần sớm quan tâm, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án để trường có đủ phòng học, cơ sở vật chất, chấm dứt tình trạng học sinh học nhờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn, từ đó góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo", cô Nguyễn Thị Thu Hương kỳ vọng.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thái Nguyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên) cho biết, Trường Tiểu học Tân Long được xây dựng và đi vào hoạt động nhiều năm khiến một số hạng mục xuống cấp, đặc biệt là thiếu phòng học do gia tăng sĩ số học sinh. Để đảm bảo tiến trình dạy học, trường phải sắp xếp học sinh lớp 4, 5 sang Trường Trung học cơ sở Tân Long học nhờ.

"Quá trình tổ chức cho học sinh lớp 4, 5 của Trường Tiểu học Tân Long sang học nhờ vào các buổi chiều trong tuần ở Trường Trung học cơ sở Tân Long đã được phòng hướng dẫn cụ thể qua từng năm học.

Cụ thể, năm học 2022-2023 là năm thứ 3 Trường Trung học cơ sở Tân Long tiếp tục tạo điều kiện để học sinh, giáo viên của Trường Tiểu học Tân Long được tổ chức học tập tại các phòng trống. Trong quá trình dạy và học, Trường Tiểu học Tân Long sẽ phải đảm bảo giữ gìn cơ sở vật chất, bàn ghế và trả đầy đủ các khoản chi phí tiền điện, nước, bảo vệ...", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thái Nguyên thông tin.

Trong bối cảnh thiếu phòng học, học sinh, giáo viên vất vả đi học nhờ thì việc xây dựng thêm phòng, hoàn thiện cơ sở vật chất là nguyện vọng lớn nhất của giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Tân Long.

Nếu giải phóng mặt bằng để xây dựng dãy nhà 2 tầng 8 phòng thì khuôn viên nhà trường sẽ được mở rộng. Song, trước những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng thì việc chuyển đổi dự án 2 tầng 8 phòng sang mô hình dãy nhà 3 tầng 9 phòng cũng là phương án cần được xem xét nhằm giải quyết tình trạng thiếu phòng học của Trường Tiểu học Tân Long.

Ngọc Mai