Vừa thừa vừa thiếu GV, trang thiết bị dạy học không đủ, nhiều trường "than" khó

03/08/2022 06:42
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học mới cận kề, nhiều trường trung học phổ thông ở tỉnh Thái Nguyên vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên, chưa đủ trang thiết bị dạy học.

Trước thềm năm học mới 2022-2023, tình trạng thừa, thiếu giáo viên, trang thiết bị dạy học không chỉ tái diễn ở những trường trung học phổ thông trên địa bàn miền núi khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới, mà còn "hiện hữu" tại những trường ở khu vực có điều kiện kinh tế thuận lợi của tỉnh Thái Nguyên.

Cắt giảm 1/3 số tiết, chuyển giáo viên dôi dư đi học chuyên đề, ngoại khoá

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Bùi Phú Huân, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cho biết, thời điểm này, như mọi năm, nhà trường tập trung tiến hành các công tác chuẩn bị để sẵn sàng bước vào năm học mới.

“Nhà trường cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, tu sửa, chỉnh trang khuôn viên trường, lớp học, ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, với tâm thế sẵn sàng đón học sinh đến trường.

Ngay từ những ngày đầu triển khai, nhà trường đã thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, tập trung rà soát đội ngũ cán bộ giáo viên, cử tham gia các lớp tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhìn chung, đội ngũ giáo viên với tinh thần cởi mở, chủ động đón nhận kiến thức, phương pháp dạy học mới”, thầy Bùi Phú Huân chia sẻ.

Cũng theo vị Phó Hiệu trưởng, đối với khối lớp 10, năm nay, trường xây dựng 6 tổ hợp môn, tương ứng mô hình 6 lớp học. Mỗi lớp học có 45 học sinh.

Tổng số giáo viên của trường hiện nay là 40 giáo viên. Đáng chú ý, năm học này, ở từng bộ môn khác nhau, trường thừa 1 giáo viên và thiếu 2 giáo viên thì mới đạt yêu cầu định mức quy định.

“Với nhà trường, thực trạng thiếu giáo viên không phải là câu chuyện mới. Chủ động khắc phục điều này, mới đây, trường đã ký hợp đồng với 1 giáo viên dạy Hoá học. Nhưng vẫn còn thiếu 1 giáo viên. Với vị trí “trống” này, nhà trường phân công giáo viên có khả năng sẽ dạy tăng số tiết để quá trình dạy và học không bị “dang dở, bảo vệ quyền lợi cho học sinh”, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn chia sẻ.

Nêu giải pháp đối với trường hợp thừa 1 giáo viên bộ môn, thầy Bùi Phú Huân cho biết, trên tinh thần tự nguyện, nhà trường đã họp bàn và bố trí giáo viên này tham gia học, tổ chức chương trình chuyên đề, hoạt động ngoại khoá để năm học mới đưa vào giảng dạy.

“Cụ thể, giáo viên dôi dư sẽ thực hiện cắt giảm 1/3 số tiết đứng lớp với môn học thuộc chuyên môn để có thời gian cho giáo viên học chuyển đổi, bồi dưỡng phương pháp dạy và học chuyên đề, hoạt động ngoại khoá. Mục đích của việc này cũng góp phần không để giáo viên nào phải chuyển trường, nghỉ việc, thậm chí mất việc vì tình trạng thừa, thiếu giáo viên”, vị Phó Hiệu trưởng cho biết thêm.

Một trong những khó khăn của nhà trường đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh cũng như chất lượng đào tạo. Thiếu trang thiết bị dạy học thì nghiễm nhiên hiệu quả “học đi đôi với hành” sẽ hạn chế.

Năm học mới sẽ ký hợp đồng với giáo viên còn thiếu

Cùng chung khó khăn thiếu giáo viên, chia sẻ với phóng viên, thầy Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Điềm Thuỵ (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) chia sẻ: “Hiện tại, năm học mới 2022-2023, nhà trường đang thiếu 2 giáo viên. Nguyên nhân của tình trạng này, một phần do lượng giáo viên về hưu, và một số ít giáo viên chuyển trường. Hơn nữa, tinh giản biên chế là chủ trương chung đang được thực hiện nên dễ dẫn đến việc thiếu giáo viên”.

Thầy Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình, Thái Nguyên. (Ảnh: website Nhà trường).

Thầy Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình, Thái Nguyên. (Ảnh: website Nhà trường).

Trước mắt, theo thầy Dương Xuân Bình, đúng theo quy định thì nhà trường đang thiếu tổng 2 giáo viên ở môn Ngữ văn và Công nghệ.

Khi phóng viên hỏi về biện pháp nào để nhà trường “lấp khoảng trống” giáo viên ở hai môn này trước thềm năm học mới thì thầy hiệu trưởng này cho biết, trường không giải quyết tình trạng thiếu giáo viên bằng điều chuyển hay tăng số tiết cho giáo viên dạy thêm, vì như vậy sẽ tạo áp lực lớn cho đội ngũ giáo viên. Nhà trường giải quyết bằng cách ký hợp đồng đối với giáo viên của trường khác về giảng dạy tại trường.

“Đối với trường hợp thiếu giáo viên, hàng năm, tỉnh có giao số lượng “suất dạy khoán” với chủ trương hỗ trợ, tạo điều kiện để nhà trường ký hợp đồng giáo viên ở vị trí môn học còn thiếu. Cụ thể, trường nào không đủ chỉ tiêu biến chế, thiếu giáo viên thì tỉnh sẽ tạo điều kiện để trường ký hợp đồng với giáo viên bộ môn đó.

Đối tượng đủ điều kiện ký hợp đồng là những giáo viên đúng chuyên môn đang dạy ở trường khác hoặc những sinh viên mới ra trường đạt chuẩn yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm.

Nguồn kinh phí được tỉnh cung cấp để chi trả lương cho giáo viên hợp đồng. Phải thừa nhận rằng, đối với sinh viên mới ra trường, mức thu nhập này sẽ tương đương hoặc có phần nhỉnh hơn. Tuy nhiên, so với các ngành nghề khác thì mức thu nhập thấp hơn”, thầy Dương Xuân Bình chia sẻ.

Trao đổi thêm về nguyên nhân dẫn tới thực trạng thiếu giáo viên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Điềm Thuỵ cho biết, chủ trương tinh giản biên chế ở cấp cơ sở vẫn được triển khai nhưng chính điều này cũng ảnh hưởng đến việc thiếu số lượng giáo viên cơ hữu tại trường và định mức số lượng giáo viên/lớp.

“Năm học mới này, với việc thiếu 2 giáo viên môn Ngữ văn và Công nghệ, trên cơ cở căn cứ định mức “khoán” mà Sở Giáo dục và Đào tạo giao cho, nhà trường tiến hành hợp đồng với các giáo viên để phục vụ công tác giảng dạy.

Về lâu dài, với phương châm “thiếu thì bổ sung”, thời gian tới, nhà trường hy vọng sẽ củng cố được đội ngũ nhân lực biên chế giáo viên để công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu. Song, để thực hiện hoá điều này, nguồn kinh phí là rất quan trọng. Do đó, trường hy vọng sẽ có thêm kinh phí để đầu tư cho công tác giáo dục”, thầy Dương Xuân Bình chia sẻ kỳ vọng.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, việc thiếu trang thiết bị dạy học cũng đang là vấn đề khó khăn đối với nhà trường. Các thiết bị cơ bản đáp ứng, nhưng trải qua nhiều thế hệ học sinh sử dụng, các đồ dùng thí nghiệm phục vụ cho một số môn học như Vật lý, Hoá học hiện đã cũ, hiệu quả thực hành không cao, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giảng dạy.

“Tới đây, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai, nhà trường mong muốn sẽ được cấp sớm trang thiết bị dạy học tương ứng để kịp thời tổ chức tập huấn cho giáo viên, nhân viên quản lý, bảo dưỡng thiết bị, phục vụ năm học mới diễn ra suôn sẻ”, thầy Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Điềm Thuỵ chia sẻ.

Ngọc Mai