Nhiều GS, PGS đang triển khai thủ tục “kéo dài” thì phải dừng lại, chờ về hưu

26/09/2022 06:45
PGS.TS Võ Văn Minh
GDVN- Nghị định 50/2022/NĐ-CP về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập đang nhận được ý kiến của nhiều cá nhân và đơn vị liên quan.

Ngày 2/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2022/NĐ-CP “quy định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập”. Đây là Nghị định được cho là nhằm cụ thể hoá Bộ luật Lao động, Luật Viên chức và các luật liên quan. Tuy nhiên, ngay sau khi ban hành, nhiều cá nhân và đơn vị đã có những phản ứng trái chiều.

Theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP, đối tượng và thời gian kéo dài công tác với viên chức có học vị, chức danh phó giáo sư, giáo sư đến tuổi nghỉ hưu có khác so với trước đây.

Trước đó, theo Nghị định 141/2013/NĐ-CP ban hành năm 2013, đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu, giáo sư được quy định được kéo dài thời gian làm việc tối đa không quá 10 năm, phó giáo sư được kéo dài thời gian làm việc tối đa không quá 7 năm, tiến sĩ được kéo dài thời gian làm việc tối đa không quá 5 năm; nay Nghị định 50 quy định tất cả chỉ được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm (60 tháng).

Ảnh minh họa: Trường Đại học Công nghệ - Đại học quốc gia Hà Nội

Ảnh minh họa: Trường Đại học Công nghệ - Đại học quốc gia Hà Nội

Kéo dài tuổi hưu với giảng viên để khai thác tài nguyên trí thức, chứ không phải là đặc quyền đặc lợi

Trước hết, chưa đề cập đến nội hàm, quyền và lợi ích của các bên liên quan trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định, nhiều người có ý kiến về cách làm.

Trước đây, vào năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có điều, khoản về việc “kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu”.

Nghị định 141 được ban hành dựa trên nhiều căn cứ, trong đó có căn cứ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, sau chưa đầy 10 năm thực hiện, Nghị định 50 được Chính phủ ban hành căn cứ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong khi chưa đề cập đến báo cáo tổng kết, đánh giá về tính hiệu quả hay bất cập bởi quy định tại Điều 9 của Nghị định 141, đồng thời cũng chưa thấy tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân liên quan.

Nghị định 50 ban hành vào ngày 2/8/2022 thì ngày 15/8/2022 đã có hiệu lực. Nhiều đơn vị và cá nhân cảm thấy bất ngờ; đồng thời đã phát sinh các tình huống, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển nhân sự, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Có người đang triển khai thủ tục kéo dài thời gian làm việc thì phải dừng lại, chờ về hưu.

Về quan điểm, nguồn lực lao động trí óc có trình độ cao thì rõ ràng “gừng càng già càng cay”. Lực lượng này có tri thức và kinh nghiệm, rất cần đối với lĩnh vực hoạt động chuyên môn như đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ, trọng dụng nguồn lực này để đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia cũng như các đơn vị sử dụng lao động. Ngược lại, nếu không được sử dụng hoặc sử dụng không đúng cũng dễ phát sinh các tác động tiêu cực.

Việc “kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu” theo Nghị định 141/2013-NĐ-CP trước đây, được xem là chính sách phù hợp với quan điểm trên cũng như thực tế ở các trường đại học trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, cũng không phải ở đâu quy định trên cũng được thực hiện đúng, hợp lí và đem lại hiệu quả như mong đợi. Nhưng nếu có bất cập nảy sinh, đó vẫn là những bất cập mang tính riêng rẽ, phần nhiều phụ thuộc vào việc thực hành dân chủ cơ sở ở các đơn vị sử dụng lao động trực tiếp.

Bản chất của những bất cập thường xuất phát từ nhận thức không đúng với chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu để tham gia hoạt động chuyên môn. Đây cần được hiểu là chính sách linh hoạt, nhằm khai thác “tài nguyên trí thức” một cách hiệu quả chứ không phải là một “đặc quyền đặc lợi” hay “đặc ân đặc huệ”… Khi được Nhà nước, được các tổ chức trọng dụng cũng như có chính sách đãi ngộ, được tôn trọng thì nguồn lực trí thức trình độ cao đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn sức khoẻ sẽ tiếp tục tham gia cống hiến, góp phần xây dựng đơn vị, tổ chức cũng như đóng góp tích cực cho sự phát triển đất nước.

Chính sách về con người, đặc biệt là đối với nguồn lực chất lượng cao phải bền vững, có tính chiến lược

Trong bối cảnh hiện nay, Đảng và Nhà nước có chủ trương tăng cường “tự chủ” đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nên ngoài việc kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và viên chức làm việc trong một số lĩnh vực sự nghiệp đặc thù theo Nghị định 50, các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn có thể hợp đồng lao động đối với các trí thức bậc cao đã nghỉ hưu dựa trên nhu cầu, nguyện vọng và sức khoẻ. Mặc dù quy định đã “mở”, nhưng vẫn còn nhiều cách làm khác nhau trong việc sử dụng viên chức kéo dài thời gian công tác và người lao động đã nghỉ hưu.

Đối với Nghị định 50, về cách làm, có lẽ do bị động, các cá nhân, tổ chức trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định còn lúng túng trong triển khai thực hiện, nhất là trong giải quyết các trường hợp cụ thể phát sinh.

Và cũng xuất phát từ điều này, nên nhiều người cho rằng, mới bước đầu triển khai Nghị định 50/2022 nguyên tắc đầu tiên của Nghị định về “đảm bảo khách quan, công bằng…” đã gặp khó.

Khi các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ, thì tuỳ theo nhu cầu cũng như yêu cầu mà các viên chức hay người lao động trình độ cao có quyền lợi và nghĩa vụ phụ thuộc nhiều vào chính sách thu hút, đãi ngộ của đơn vị sử dụng lao động hơn là từ các chính sách dành cho viên chức của Nhà nước.

Đối với các nhà khoa học thực thụ trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, bản thân họ thường gắn với những lĩnh vực nghiên cứu hay trường phái khoa học nào đó và gắn kết chặt chẽ với môi trường lao động, phòng thí nghiệm và các cộng sự của mình… chứ ít khi hoạt động mang tính đơn lẻ. Nếu được trọng dụng, đãi ngộ hợp lí, chính họ sẽ thúc đẩy phát triển lĩnh vực khoa học, trường phái chuyên môn cũng như đóng góp cho sự phát triển đơn vị và đất nước. Khi đó, nếu có sức khoẻ thì việc kéo dài thời gian công tác lên 10 năm hoặc thậm chí hơn thế nữa cũng thực sự xứng đáng và hạn chế lãng phí “chất xám” quý giá.

Cũng có ý kiến cho rằng: trong bối cảnh hiện nay những người có bằng tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư nếu không còn kéo dài thời gian làm việc ở các cơ sở sự nghiệp công lập thì tham gia vào các cơ sở tư thục, tất cả cũng là đóng góp, cống hiến cho đất nước, nên quy định của Nghị định 50 là hợp lí. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục và đào tạo dù công lập hay tư thục thì để đảm bảo chất lượng, hướng đến phát triển bền vững đều cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lâu dài gắn với sứ mệnh và tầm nhìn một cách chuẩn chỉnh, bài bản từ tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ... Không thể chỉ quan tâm đến “chiến thuật” tìm người, chờ đợi, tận dụng…mang tính thời điểm.

Cá nhân những trường hợp có chức danh, có học vị để các đơn vị “thuê mướn” nhằm “tranh thủ” chỉ tiêu tuyển sinh, đứng ngành, giữ ngành, mở ngành… thì cũng cần các cơ quan chức năng kiểm soát, chấn chỉnh để đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh hơn.

Các cơ sở giáo dục công lập hiện nay vừa cố gắng thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ công chất lượng, đảm bảo đúng quy định, nhưng vừa phải vận hành theo cơ chế thị trường... thực sự, không bao giờ là dễ dàng trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công ngày càng hạn chế. Chính vì vậy, trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách đối với lĩnh vực sự nghiệp công lập, Chính phủ và các bộ, ngành cần hết sức quan tâm đến thực tiễn đa dạng, để thực hiện đầy đủ các bước xây dựng chính sách một cách khoa học, nhất là cần tham vấn đa chiều, nhằm có những quy định hợp lí để thúc đẩy phát triển. Hạn chế thấp nhất những văn bản khi mới ban hành đã gây khó khăn, thách thức cho các bên liên quan, nhất là chính sách về con người và đặc biệt hơn là đối với nguồn lực chất lượng cao.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

PGS.TS Võ Văn Minh