Điều chỉnh quy định, hàng loạt GS, PGS sắp phải nghỉ hưu sớm?

19/09/2022 09:16
PGS.TS Ngô Tứ Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc để các giáo sư còn sức khỏe, còn nhiệt huyết phải về hưu sớm là một sự lãng phí chất xám, biến “hiền tài thành gánh nặng quốc gia”.

Quy định tuổi nghỉ hưu của giảng viên có chức danh giáo sư đã thay đổi như thế nào?

Điều 9 Nghị định 141/2013/NĐ-CP (Nghị định 141) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học ban hành ngày 24/10/2013 [1] nêu rõ:

Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là 10 năm.”.

Nghĩa là tuổi nghỉ hưu của giảng viên nam trình độ tiến sĩ là 65, chức danh phó giáo sư là 67 và chức danh giáo sư là 70.

Điều 9 Nghị định 141 thời điểm ban hành đã tạo một luồng sinh khi mới, làm động lực cho đội ngũ trí thức bậc cao đóng góp xây dựng đất nước. Tinh thần của Nghị định này được sự đồng thuận của mọi người dân, thể hiện quan điểm “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Nghị định 141 mới được 9 năm, theo tìm hiểu và nguồn thông tin người viết tiếp cận được cho thấy, các cơ quan liên quan chưa có một báo cáo nghiên cứu phân tích những nhược điểm, cũng như bất cập của Nghị định 141 thì ngày 2/8/2022, Nghị định số 50/2022/NĐ-CP (Nghị định 50) quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành [2].

Trong đó, nêu rõ:

"1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2022.

2. Các quy định sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực:

a) Điều 9 Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học".

Như vậy, Điều 9 Nghị định số 141/2013/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày 15/8/2022.

Thay vào đó, Nghị định 50 quy định mới: “Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.”.

Nghĩa là giáo sư 70 tuổi về hưu thì nay theo Nghị định 50, giáo sư về hưu ở tuổi 65.

Các cơ sở giáo dục khi triển khai Nghị định 141 thường rất khác nhau. Có trường đại học, giáo sư đến 60 tuổi, trường ký quyết định kéo dài 2 lần, lần 1 kéo dài 5 năm đến 65 tuổi, sau đó ký lần 2 đến 70 tuổi mới về hưu hẳn.

Có trường đại học, giáo sư đến 60 tuổi ký quyết định kéo dài 1 lần duy nhất 10 năm đến 70 tuổi.

Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn

Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn

Theo Điều 7 Nghị định 50, trường đại học nào đã ký quyết định kéo dài 1 lần duy nhất 10 năm đến 70 tuổi “trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 141/2013/NĐ-CP” thì sau ngày 15/8/2022, mặc dù Nghị định 50 đã hủy Nghị định 141, nhưng các giáo sư trường này đến 70 tuổi mới về hưu.

Còn đối với trường đại học khác ký quyết định kéo dài 2 lần, thì khi triển khai Nghị định 50, giáo sư trường đó sẽ không còn cơ hội ký lần 2, mà phải về hưu năm 65 tuổi.

Như vậy, cùng là giáo sư (nam) ở Việt Nam, nhưng có giáo sư 65 tuổi đã phải về hưu, có giáo sư ung dung 70 tuổi mới về , tạo nên một sự áp dụng không thống nhất cùng với đối tượng là đội ngũ trí thức.

Cần hiểu đúng hơn Nghị định 50

Tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của cả thế giới, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Việc để các giáo sư còn sức khỏe, còn nhiệt huyết phải về hưu sớm là một sự lãng phí chất xám.

Điều 3 Nghị định 50 đưa ra nguyên tắc thực hiện việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn như sau: “Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.”

Theo Nghị định 135 [3], tuổi về hưu của nam là 62, nghĩa từ năm 2028 trở đi giáo sư nam đến 62 tuổi sẽ có thể kéo dài thời gian làm việc đến tuổi 67.

Như vậy, cùng triển khai Nghị định 50, thực hiện ở các điều khác nhau, giáo sư nam về hưu ở các tuổi khác nhau.

Nếu thực hiện theo Điều 6 Nghị định 50, từ ngày 15/8/2022, giáo sư về hưu ở tuổi 65.

Nếu thực hiện theo Điều 7 Nghị định 50, giáo sư có thể về hưu ở tuổi 70.

Nếu thực hiện theo Điều 3 Nghị định 50, giáo sư về hưu ở tuổi 67.[4]

Qua bài viết này, tác giả rất mong, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo… cần tổ chức một cuộc hội thảo để lắng nghe ý kiến từ cơ sở khi triển khai Nghị định 50 để đảm bảo quyền lợi của các giảng viên trình độ cao có mong muốn có thêm thời gian làm việc, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Tài liệu tham khảo

[1] Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-dinh-141-2013-ND-CP-huong-dan-Luat-giao-duc-dai-hoc-210775.aspx

[2] Nghị định số 50/2022/NĐ-CP ngày 2/8/2022

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh-50-2022-ND-CP-nghi-huu-o-tuoi-cao-hon-doi-voi-vien-chuc-don-vi-su-nghiep-504832.aspx

[3] Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh-135-2020-ND-CP-tuoi-nghi-huu-445512.aspx

[4] Từ 15.8, những viên chức nào được kéo dài tuổi nghỉ hưu tối đa 5 năm? https://thanhnien.vn/tu-15-8-nhung-vien-chuc-nao-duoc-keo-dai-tuoi-nghi-huu-toi-da-5-nam-post1484498.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

PGS.TS Ngô Tứ Thành