Phân môn Hóa học môn KHTN lớp 6 chỉ học trong mấy tuần đầu học kỳ I

03/10/2022 06:48
HƯƠNG MAI
GDVN- Học sinh lớp 6 học phân môn Hóa học 24 tiết trong mấy tuần đầu ở học kỳ I rồi phải dừng lại và chờ đến năm học lớp 7 mới tiếp tục học phân môn này.

Với chương trình 2006, môn Hóa học bắt đầu được đưa vào giảng dạy ở lớp 8 và được dạy liên tục đến lớp 12. Tuy nhiên, với chương trình 2018 thì môn Hóa học ở cấp trung học cơ sở trở thành một phân môn trong môn Khoa học tự nhiên và được bố trí giảng dạy từ lớp 6.

Mặc dù môn Hóa học trở thành phân môn của môn Khoa học tự nhiên và bắt đầu được giảng dạy từ lớp 6 nhưng với cách bố trí như hiện nay khiến cho học sinh và giáo viên có phần hẫng hụt vì cả năm học chỉ được sắp xếp 24 tiết trong tổng số 140 tiết của môn Khoa học tự nhiên.

Vì thế, học sinh lớp 6 học phân môn Hóa học 24 tiết trong mấy tuần đầu ở học kỳ I rồi phải dừng lại và chờ đến năm học lớp 7 mới tiếp tục học phân môn này. Vậy nên, về cơ bản các phân môn trong môn Khoa học tự nhiên vẫn đang được bố trí riêng lẻ và bóng dáng của “tích hợp” không thực sự rõ ràng, cụ thể.

Phân môn Hóa học trong môn Khoa học tự nhiên lớp 6 có 24 tiết và dạy ở đầu học kỳ I (Ảnh: Hương Mai)

Phân môn Hóa học trong môn Khoa học tự nhiên lớp 6 có 24 tiết và dạy ở đầu học kỳ I

(Ảnh: Hương Mai)

Bất cập trong việc bố trí kiến thức dẫn đến bất cập trong giảng dạy

Theo cách bố trí môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 hiện nay, môn Khoa học tự nhiên có 140 tiết/ năm. Trong đó, chia ra số tiết các phân môn như sau: phân môn Hóa học 24 tiết; phân môn Sinh học 58 tiết; phân môn Vật lý 58 tiết và được bố trí theo từng chủ đề của từng phân môn.

Phân môn Vật lý có 4 chủ đề (chủ đề 1, 9, 10, 11); phân môn Hóa học có 4 chủ đề (chủ đề 2, 3,4,5); phân môn Sinh học có 3 chủ đề (chủ đề 6,7,8). Theo cách hướng dẫn từ bộ phận chuyên môn của một số sở giáo dục và đào tạo, phân môn Sinh học và Vật lý được bố trí giảng dạy ở cả 2 học kỳ nhưng phân môn Hóa học chỉ có 24 tiết nên được bố trí giảng dạy ở học kỳ I.

Thực tế, khi nhìn vào kiến thức theo từng chủ đề của môn Khoa học tự nhiên lớp 6, chúng ta thấy chẳng có chủ đề nào là tích hợp mà nó được bố trí theo từng phân môn cụ thể. Vì thế, trên thực tế nó chỉ được “tích hợp” trong cái tên chung và được bố trí trong một cuốn sách giáo khoa mà thôi.

Đối với Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023 được Bộ ban hành ngày 22/8 vừa qua đã hướng dẫn như sau: “Hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của từng môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học trong mỗi học kì một cách hợp lý, khoa học.

Đối với các môn học, bố trí thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường, không bắt buộc phải bố trí số tiết dạy học của môn học đều ở tất cả các tuần; sắp xếp thời khóa biểu phù hợp cho cả năm học hoặc ít nhất cho từng học kì, bảo đảm số tiết/tuần theo quy định dành cho mỗi giáo viên”. [1]

Có lẽ, Bộ cũng đã hiểu được những khó khăn khi bố trí, sắp xếp giáo viên dạy các môn học tích hợp, trong đó có môn Khoa học tự nhiên nên không bắt buộc bố trí số tiết đều ở các tuần như chương trình 2006, miễn làm sao đảm bảo định mức giảng dạy cho giáo viên là được.

Chính vì vậy, đa phần các trường hiện nay chưa có giáo viên dạy được cả môn Khoa học tự nhiên nên đã bố trí giáo viên phân môn nào thì dạy theo phân môn đó và dạy cuốn chiếu, hết phân môn này lại chuyển sang phân môn khác.

Vì vậy, môn Khoa học tự nhiên có 140 tiết học/ năm, tương đương với 4 tiết/ tuần thì phân môn Hóa học ở lớp 6 được bố trí dạy 6 tuần liên tục ở học kỳ I rồi chuyển sang các phân môn còn lại.

Từ đây, cho chúng ta thấy điều bất ổn khi giảng dạy và hiệu quả của môn Khoa học tự nhiên. Bởi lẽ, học kỳ I có 18 tuần học, học sinh học xong kiến thức phân môn Hóa học thì sẽ bị bỏ bẵng đi một thời gian vì giáo viên phân môn Hóa học không còn tiết dạy nữa.

Nhưng, đến khi kiểm tra học kỳ thì quay lại ôn tập cho học trò nhưng lúc này liệu học sinh còn nhớ gì về kiến thức Hóa học để ôn tập học kỳ nữa hay không? Nhưng, đó mới là khó khăn ban đầu, vì học sinh chỉ học 24 tiết trong 6 tuần ở học kỳ I của lớp 6 rồi không hề được đả động gì đến nữa, đợi lên đến lớp 7 mới học lại mấy tuần kiến thức Hóa học.

Đối với học sinh lớp 6 còn quá nhỏ mà mỗi năm học có tới mười mấy môn học, hoạt động giáo dục, liệu các em bỏ gần cả 1 năm trời thì khi học lại kiến thức Hóa học ở lớp 7, liệu các em còn đọng lại chút gì về kiến thức Hóa học đã học ở lớp 6 hay không?

Học tập phải xuyên suốt, kế thừa, vì đây là kiến thức phổ thông chứ không phải đại học, học qua môn rồi thôi. Kiến thức Hóa học được tích hợp ở cấp trung học cơ sở nhưng lên đến cấp trung học phổ thông lại được tách riêng thành môn học độc lập.

Tuy nhiên, với cách bố trí kiến thức như vậy, làm sao học sinh có thể hệ thống kiến thức, làm sao các em có thể nắm sâu, nắm kỹ về môn học của mình?

Liệu có vội vàng khi xây dựng và triển khai môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở?

Trong bất kỳ một công việc, một kế hoạch nào cũng đòi hỏi người thực hiện phải có một sự chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo thì mới dám nghĩ đến thành công và hiệu quả. Nhưng, nhìn lại việc triển khai chương trình 2018 đối với môn Khoa học tự nhiên, chúng ta thấy Bộ gần như chưa chú trọng cho công việc thay đổi này.

Thứ nhất: khi biết Bộ có ý định “tích hợp” các môn học độc lập: Hóa học, Vật lý, Sinh học ở cấp trung học cơ sở thành môn Khoa học tự nhiên đã có nhiều ý kiến phản đối, không đồng tình.

Trong đó, phải kể đến Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - một người rất am hiểu về giáo dục và đã từng tham gia làm Chủ biên sách giáo khoa môn Ngữ văn, Tiếng Việt ở chương trình 2006 và sau này là Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Vì thế, ngày 8/8/2015, thầy Nguyễn Minh Thuyết đã có chia sẻ với báo chí như sau: “Điều tôi băn khoăn là điều kiện để thực hiện. Bởi vì chúng ta đặt vấn đề học tích hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên... Vấn đề đặt ra là ai là người viết sách? Hiện chúng ta chưa có chuyên gia tích hợp mà chỉ có chuyên gia từng môn học.

Thứ hai là người dạy, hiện nay các trường sư phạm vẫn đào tạo giáo viên theo từng môn. Ai là người sẽ dạy được môn tích hợp, đó là câu chuyện rất khó”. [2]

Chính vì chưa có chuyên gia tích hợp để viết sách nên chúng ta thấy tất cả các sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên hiện nay đều được các nhóm tác giả của 3 phân môn khác nhau.

Lúc triển khai chương trình 2018 ở lớp 6 trong năm học 2021-2022 vừa qua, gần như tất cả các trường sư phạm chưa có khoa nào là khoa chuyên sâu về môn Khoa học tự nhiên mà thường các khoa riêng biệt theo từng chuyên ngành học cụ thể.

Thứ hai: về đội ngũ nhà giáo dạy môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở thì Bộ cũng gần như chưa có sự chuẩn bị tốt, dù chương trình tổng thể, chương trình môn học đã được ban hành từ nhiều năm trước.

Chính vì thế, cuối tháng 8/2021 bước vào năm học mới- năm đầu tiên giảng dạy chương trình 2018 ở cấp trung học cơ sở nhưng mãi đến ngày 21/7/2021 thì Bộ mới ban hành Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT (Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên).

Vậy nên, khi bước vào giảng dạy môn Khoa học tự nhiên, đa số giáo viên gần như không thể nào dạy được cả môn Khoa học tự nhiên mà phải chia nhỏ ra từng phân môn cho từng giáo viên đảm nhận.

Ngay cả thời điểm hiện nay, khi mà Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT ra đời đã hơn 1 năm, chương trình mới đã áp dụng thực hiện ở lớp 7 nhưng nhiều địa phương vẫn chưa cử giáo viên đi bồi dưỡng theo hướng dẫn của Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT mà Bộ đã ban hành.

Thứ ba: việc tập huấn sách giáo khoa lớp 6 và lớp 7 đối với môn Khoa học tự nhiên nói riêng và tất cả các môn học khác nói chung chỉ được các nhà xuất bản tập huấn online trong 1 ngày. Vì thế, khi thực hiện dưới cơ sở thì giáo viên gặp muôn vàn khó khăn.

Thứ tư: bộ phận chuyên môn của Sở Giáo dục phụ trách môn Khoa học tự nhiên hiện nay chưa có, nói đúng hơn là có nhưng có tới 3 chuyên viên (Lý, Hóa, Sinh) để phụ trách cho cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nên ai chịu trách nhiệm chính môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở hiện nay đang được bỏ ngỏ.

Vì thế, những khó khăn, hạn chế đối với môn Khoa học tự nhiên hiện nay không chỉ là nhà trường mà ngay từ cấp Bộ, cấp Sở cũng thể hiện sự bất cập. Một khi “máy cái” không có người chuyên sâu, không nắm được kiến thức của 3 phân môn mà yêu cầu giáo viên trung học cơ sở dạy được cả 3 phân môn theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT là điều khiên cưỡng.

Với cách thiết kế, xây dựng các môn học “tích hợp” như chương trình 2018, có lẽ chỉ làm khổ giáo viên và làm khổ học trò bởi khi dạy và học phân môn này xong lại để đó một thời gian dài để học phân môn khác.

Không biết, tới đây các trường trung học phổ thông chuyên sẽ tuyển sinh ra sao đối với các lớp chuyên Hóa, chuyên Sinh và chuyên Lý? Không biết, khi các em lên cấp trung học phổ thông, môn Khoa học tự nhiên lại tách ra thành 3 môn học độc lập thì học sinh có bỡ ngỡ, có ngỡ ngàng về việc xây dựng và đưa ra một số môn học có phần kì lạ như ở cấp trung học cơ sở hay không?

Tài liệu tham khảo:

[1] Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH

https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-4020-BGDDT-GDTrH-2022-huong-dan-nhiem-vu-giao-duc-trung-hoc-nam-hoc-2022-2023-527818.aspx

[2] http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chuong-trinh-giao-duc-moi-thuc-hien-khong-de-20150808073123288.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI