Nghị định 111 còn nhiều bất cập khi vẫn phân biệt trường công- trường tư

02/10/2022 06:45
AN NGUYÊN
GDVN-  Nghị định 111 đã giúp cho việc đào tạo thực hành Y khoa của các cơ sở giáo dục đào tạo đi vào nề nếp nhưng cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bộ Y tế và Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) vào ngày 30/9.

Theo đó, Đoàn công tác do Tiến sĩ Vũ Văn Hoàn, Trưởng khoa Khoa tổ chức nhân lực và y tế - Viện Chiến lược và Chính sách Y tế dẫn đầu đã có những trao đổi, chia sẻ cũng như ghi nhận những ý kiến phản hồi từ phía Trường Đại học Duy Tân trong việc thực hiện Nghị định 111 năm 2017 của Chính phủ “quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe”.

Tạo cơ chế phối hợp giữa nhà trường - bệnh viện

Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Hoàn cho rằng, vấn đề thực hành trong đào tạo y khoa đóng vai trò hết sức quan trọng và là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo của khối ngành Y – Dược.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh – Hiệu trưởng Trường Y - Dược (thuộc Trường Đại học Duy Tân) cho rằng, Nghị định 111 không nên phân biệt giữa trường công và trường tư. Ảnh: AN

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh – Hiệu trưởng Trường Y - Dược (thuộc Trường Đại học Duy Tân) cho rằng, Nghị định 111 không nên phân biệt giữa trường công và trường tư. Ảnh: AN

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong đó, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111. Khi Nghị định này ra đời đã tạo ra nhiều kỳ vọng về việc phối hợp chặt chẽ, mạch lạc hơn giữa các cơ sở đào tạo Y khoa và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó quy định rõ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của các bên trong quá trình hợp tác.

"Nghị định đã triển khai được 5 năm và đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sự hợp tác, phát triển giữa các cơ sở đào tạo y khoa cũng như các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng có nhiều quy định còn bất cập nên cần phải rà soát, xem xét lại để kiến nghị sửa đổi", ông Hoàn nói.

Phó giáo sư Nguyễn Ngọc Minh – Hiệu trưởng Trường Y – Dược (thuộc Trường Đại học Duy Tân) cho rằng, Nghị định 111 của Chính phủ được triển khai và thực hiện kịp thời, có tác động tích cực giúp cho việc đào tạo thực hành của các cơ sở giáo dục đào tạo đi vào nề nếp.

"Căn cứ theo các nội dung của Nghị định để chấn chỉnh, chăm lo, quan tâm đến việc tổ chức thực hiện thực hành được chặt chẽ và chu đáo hơn.

Đây là một chủ trường sát, đúng, giúp ngành Y tế chỉ đạo cụ thể đối với các cơ sở đào tạo, ngày càng quan tâm tới chất lượng đào tạo. Chú ý đến mảng thực hành là một xu thế mà các nước trong khu vực và thế giới cũng như trong nước phải quan tâm", thầy Minh nói.

Không nên phân biệt công – tư

Theo Tiến sĩ Vũ Văn Hoàn, mục đích của chuyến khảo sát lần này là trên cơ sở lắng nghe những ý kiến, kiến nghị từ các cơ sở đào tạo để tìm ra những cái vướng, cái còn chưa rõ ràng của Nghị định 111.

Từ đó, Viện có những đề xuất, tham mưu với Bộ Y tế để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn triển khai.

Ông Hoàn lấy ví dụ như tại mục b, điều 10 của Nghị định này có quy định: "Có ít nhất 20% người giảng dạy chương trình thực hành là người làm việc cơ hữu của cơ sở giáo dục có đăng ký hành nghề tại cơ sở thực hành và được cơ sở thực hành bố trí làm công tác khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với năng lực, kinh nghiệm và phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề".

Ông Hoàn cho rằng, quy định như vậy là vô cùng khó, nhất là với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Nhưng phải làm sao để gỡ vướng vấn đề này thì cần phải lắng nghe thêm nhiều ý kiến từ cơ sở. Rồi chúng ta sẽ để thầy cô khám chữa bệnh như thế nào?

Phó giáo sư Nguyễn Ngọc Minh cho biết, hiện nguồn nhân lực chất lượng cao về y tế đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên (trừ Huế) còn khó khăn. Lực lượng cán bộ khoa học là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cần phải đầu tư nhiều.

"Trách nhiệm này thuộc về các cơ sở đào tạo là chủ yếu nhưng cũng cần Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, tạo thêm các điều kiện thuận lợi. Riêng về bố trí lực lượng cán bộ hướng dẫn thực hành của cơ sở đào tạo tới các bệnh viện cần tiếp tục đầu tư về chất và lượng", thầy Minh kiến nghị.

Trên cơ sở đó, thầy Minh đề xuất trong Nghị định không nên phân biệt giữa các trường công lập và trường tư thục.

Theo đó, thầy Minh dẫn chứng tại khoản 4 điều 12 Luật Giáo dục Đại học năm 2018 quy định: "thực hiện xã hội hóa giáo dục, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục". Còn tại khoản 5 điều 12 cũng quy định: "có chính sách đồng bộ để đảm bảo quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình".

Do đó, thầy Minh kiến nghị: "Hiện trong Nghị định 111 vẫn có quy định là trường công lập thì liên hệ với bệnh viện công lập, còn trường tư thục thì liên hệ với các bệnh viện tư (trong việc đào tạo thực hành). Như vậy là chưa đúng với Luật Giáo dục Đại học và chính sách xã hội hóa giáo dục. Do đó, khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 111 thì nên chú ý vấn đề này".

AN NGUYÊN