Từ dối trá trong đào tạo y dược, cần xem lại quản lý hệ thống trường cao đẳng

08/09/2022 06:41
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những gian dối trong đào tạo y dược đã cho thấy sự buông lỏng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước đối với hệ thống trường cao đẳng.

Thời gian qua, báo chí có đăng tải loạt bài “Dối trá trong đào tạo Y - dược” trong đó thông tin một số trường cao đẳng khối ngành sức khoẻ đã tìm cách chèo kéo để có học viên đăng ký, nộp học phí vào trường. Thậm chí học viên không cần học, nhờ người thi hộ, vào phòng thi chép theo tài liệu vẫn sở hữu tấm bằng cao đẳng chính quy.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải xử lý nghiêm những trường cao đẳng vi phạm, đồng thời phải xem xét lại vấn đề quản lý nhà nước đối với các trường cao đẳng, trong đó có hệ thống các trường cao đẳng y, dược.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến –Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, gian dối trong tuyển sinh, đào tạo ngành y, dược là vi phạm rất nghiêm trọng và cần phải xử lý nghiêm.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến –Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Phạm Minh)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến –Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Phạm Minh)

Những vấn đề báo chí nêu vừa qua cho thấy sự buông lỏng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước đối với hệ thống trường cao đẳng.

Gian dối trong đào tạo y dược được báo chí phanh phui cũng là một trong những minh chứng cho thấy sai lầm khi đào tạo cao đẳng đã bị tách ra khỏi bậc giáo dục đại học và trao quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trình độ cao đẳng thuộc giáo dục đại học nhưng chúng ta lại để quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng trao cho một đơn vị chưa từng được giao trách nhiệm và chưa từng có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học. Chính vì vậy mới dẫn tới sự buông lỏng trong quản lý và sự “bát nháo” trong đào tạo như báo chí phản ánh thời gian qua.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết, kể từ khi các chương trình cao đẳng nghề được ra đời theo Luật Dạy nghề và được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo thiết kế và đặc biệt là kể từ khi các trường cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề đều phải chuyển sang mô hình “cao đẳng mới hợp nhất” theo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì đã hạ chuẩn cao đẳng.

Bởi lẽ, về bản chất, trình độ cao đẳng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp thường là giáo dục sau trung học nhưng chưa phải là giáo dục đại học, trong khi đó chương trình cao đẳng “đích thực” phải được thiết kế nhất quán theo hướng nâng cao học vấn và thuộc về giáo dục đại học.

Khi trình độ người lao động đa số chỉ cần đạt trung học nghề là đủ (do công nghiệp chế tạo còn chưa giữ vai trò chủ chốt trong nền kinh tế của đất nước) nhưng nếu cơ quan quản lý lại nâng cấp ồ ạt các trường trung cấp nghề lên thành cao đẳng trong khi chương trình vẫn không thay đổi đáng kể theo chuẩn thì sẽ không thể đảm bảo chuẩn chất lượng.

Việc này cũng dẫn tới tình trạng đào tạo “siêu tốc”, ví dụ như hình thức đào tạo đang được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông “tốt nghiệp trung học cơ sở, học 3 năm có bằng cao đẳng, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành/cử nhân thực hành”. Hạ chuẩn cao đẳng, đào tạo không đảm bảo chất lượng thì sẽ tạo ra nguồn lực không tương xứng với trình độ. Điều này sẽ gây hệ lụy lâu dài đối với nguồn lao động của chúng ta.

Cơ quan quản lý cũng đang có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa cao đẳng nghề với cao đẳng chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo. Cao đẳng nghề là đào tạo nguồn lao động trực tiếp sản xuất còn cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo ra các kỹ thuật viên thì thiết kế chương trình và mục tiêu chương trình không thể giống nhau.

Hệ lụy của việc hợp nhất giữa giáo dục nghề với giáo dục chuyên nghiệp là làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực.

Cần phải đưa trình độ cao đẳng về trở lại bậc giáo dục đại học, đưa quản lý nhà nước đối với đào tạo cao đẳng về chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục đại học, tức là về lại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là việc cần phải làm nếu muốn chấn chỉnh lại việc quản lý hệ thống trường cao đẳng.

Có thể thấy, từ khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, tuyển sinh hệ cao đẳng không có đầu mối quản lý thống nhất, bị rối về dữ liệu. Cũng chính vì vậy, việc quy hoạch từ chính sách phát triển cũng như phân luồng học sinh cũng bị rối và không được thực hiện hiệu quả .

Không chỉ buông lỏng quản lý, cơ quan quản lý trực tiếp còn đưa ra những chính sách, chỉ đạo làm giảm chất lượng, hạ chuẩn trình độ cao đẳng. Minh chứng rõ nét nhất là sự xuất hiện của chương trình đào tạo “9+ cao đẳng” và phương thức đào tạo của chương trình này trong những năm qua.

Theo chương trình 9+, thời lượng dành cho chương trình trung học phổ thông không quá 2 năm, thời lượng dành cho dạy nghề là không quá 1 năm. Điều này là trái quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Chương trình “9 + cao đẳng" thời gian dành cho học cao đẳng chỉ là 0,5 năm cũng không đúng với Luật Giáo dục nghề nghiệp.

“Đào tạo siêu tốc, rút ngắn thời gian như vậy là không thể chấp nhận, nguồn nhân lực không thể đảm bảo theo đúng trình độ, cần sớm rà soát lại chương trình 9 + và phải chấm dứt hình thức đào tạo này.

Nếu không có sự thay đổi trong quản lý đối với hệ thống trường cao đẳng, không đưa trình độ cao đẳng về trở lại bậc giáo dục đại học thì sẽ còn tiếp diễn những câu chuyện sai phạm trong đào tạo và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Sai phạm trong đào tạo ngành y, dược sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân, và sai phạm trong đào tạo các ngành khác ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn nhân lực, ảnh hưởng tới sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định.

Được biết, hiện nay, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang quản lý hơn 100 trường cao đẳng được cấp mã ngành đào tạo y dược, sức khoẻ. Ngay tại Thành phố Hà Nội có nhiều trường hoặc cơ sở tuyển sinh, thực hành, đào tạo mang tên khá giống nhau như: Cao đẳng Y Hà Nội; Cao đẳng Y Dược Hà Nội; Cao đẳng Dược Hà Nội; Cao đẳng Kỹ thuật Y dược Hà Nội; Cao đẳng Y khoa Hà Nội; Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội; Cao đẳng Y dược Pasteur; Cao đẳng Y - Dược ASEAN, Cao đẳng Y dược Cộng Đồng...

Ngoài ra, còn có rất nhiều trường cao đẳng có tên không liên quan nhưng vẫn được tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng khối ngành y dược, sức khoẻ như: Cao đẳng Lê Quý Đôn, Cao đẳng Công thương Việt Nam, Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội…

Đến nay không ít trường chưa hoàn thành điều kiện theo quy định về đất đai và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, thậm chí vẫn đang đi thuê địa điểm...

Sau phản ánh của báo chí, cơ quan chức năng sẽ mở rộng điều tra đồng thời thanh tra toàn diện đối với hơn 100 trường cao đẳng được cấp mã ngành đào tạo y dược, sức khoẻ. [1]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://suckhoedoisong.vn/doi-tra-trong-dao-tao-cao-dang-y-duoc-9-bo-ld-tbxh-lap-doan-thanh-tra-bo-cong-an-vao-cuoc-169220905231049412.htm

Phạm Minh