Tiết học minh họa Tiếng việt lớp 3 tích hợp được Âm nhạc, Mỹ thuật và Tiếng Anh

07/10/2022 06:48
Phạm Linh
GDVN- Nhằm phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, trong tiết Tiếng Việt 3 cô giáo Tuyết tích hợp cả kỹ năng Âm nhạc, Mỹ thuật và Tiếng Anh của học sinh.

Các chủ đề bài học có tính kết nối, hòa quyện

Sách giáo khoa Tiếng Việt 3 - Kết nối tri thức với cuộc sống được xây dựng dựa trên ý tưởng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; phát huy tính tích cực của học sinh; chú trọng dạy học tích hợp và phân hóa.

Nội dung các bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt 3 rất gần gũi, phát huy được tính sáng tạo của học sinh.

Mỗi hoạt động học tập trong sách được thiết kế giúp học sinh từng bước phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học một cách hiệu quả, theo đúng mục tiêu, yêu cầu của chương trình môn Tiếng Việt 3.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hiền Lương - Chủ biên môn Tiếng Việt – Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống tham dự chuyên đề tại Hải Phòng (Ảnh: Phạm Linh)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hiền Lương - Chủ biên môn Tiếng Việt – Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống tham dự chuyên đề tại Hải Phòng (Ảnh: Phạm Linh)

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hiền Lương - Chủ biên môn Tiếng Việt – Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết: “Sách giáo khoa mới có một điểm tôi cho là ưu việt, dễ nhìn thấy là các hoạt động đọc, viết, nói, nghe được hòa quyện lại, kết nối với nhau nên bài học sẽ khắc sâu cho học sinh dễ hiểu hơn.

Các hoạt động trong bộ sách giáo khoa cũ là tập đọc, tập viết, kể chuyện,...hơi rời rạc nhau.

Còn bây giờ các thầy cô sẽ thấy phần đọc, nói và nghe, chính tả, tập viết, luyện tập từ và câu hay đoạn văn,…đều gắn kết với chủ đề.

Ví dụ trong bài 10 (tiết 3) có nội dung luyện tập “Từ chỉ đặc điểm; Câu nêu đặc điểm” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 giống như trước đây học sinh được học về từ và câu. Từ là gì? Từ chỉ đặc điểm; Câu là gì? Câu nêu đặc điểm...

Nhưng ở sách giáo khoa mới, kiến thức về từ và câu không đột ngột với học sinh mà có sự kết nối với bài tập đọc “Con đường đến trường”.

Trong bài tập đọc này có rất nhiều từ chỉ đặc điểm của con đường như "mấp mô, lầy lội, trơn trượt..." nên học sinh có thể dựa vào để tìm từ chỉ đặc điểm về con đường”.

Học sinh trong tiết dạy minh hoạ môn Tiếng Việt 3 (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh trong tiết dạy minh hoạ môn Tiếng Việt 3 (Ảnh: Phạm Linh)

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết – giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Kiến An, Hải Phòng) cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thay đổi theo hướng phát triển năng lực học sinh.

Chính vì vậy, khi xây dựng bài giảng, đòi hỏi giáo viên phải xác định được rõ yêu cầu của bài là gì. Sau đó, định hướng qua bài làm trong sách giáo khoa và đặt ra các tình huống để chọn cách tốt nhất, truyền tải bài đó đến học sinh.

Giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách chủ động chứ không phải giáo viên nói để trò nghe.

Như trong tiết học về Từ chỉ đặc điểm; Câu nêu đặc điểm thuộc chủ điểm “Cổng trường rộng mở”, tôi cùng đồng nghiệp đã có sự bàn bạc về hình thức tổ chức dạy học. Khi áp dụng phương pháp giảng dạy tích hợp, học sinh rất hứng khởi và phát huy tốt vốn từ cũng như hào hứng khi cô phân công công việc để chuẩn bị ở nhà.

Đặc biệt, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học cần có sự tích hợp nên chúng tôi kết hợp cả Mỹ thuật, Âm nhạc và Tiếng Anh trong quá trình giảng dạy”.

Cô giáo Tuyết cùng học sinh lớp 3A2 thực hiện tiết học về Từ chỉ đặc điểm; Câu nêu đặc điểm thuộc chủ điểm “Cổng trường rộng mở” (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Tuyết cùng học sinh lớp 3A2 thực hiện tiết học về Từ chỉ đặc điểm; Câu nêu đặc điểm thuộc chủ điểm “Cổng trường rộng mở” (Ảnh: Phạm Linh)

Khi phóng viên đặt câu hỏi về những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Tuyết chia sẻ: “Giáo viên chúng tôi thuận lợi ở chỗ phát huy được năng lực của học sinh từ lớp dưới thì lên lớp trên các con sẽ làm rất tốt.

Còn về khó khăn, chúng tôi đều đang vừa học vừa làm. Mặc dù năm nay là năm thứ 3 triển khai chương trình mới nhưng với chúng tôi vẫn là mới mẻ.

Vì vậy, giáo viên vẫn cần ra sức học tập, nghiên cứu thêm để nâng kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy”.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học cần có sự tích hợp (Ảnh: Phạm Linh)

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học cần có sự tích hợp (Ảnh: Phạm Linh)

Minh hoạ tiết học tích hợp môn Tiếng Việt 3

Thực tế, tiết dạy minh họa môn Tiếng Việt lớp 3 bài 10 (tiết 3): Từ chỉ đặc điểm; Câu nêu đặc điểm thuộc chủ điểm “Cổng trường rộng mở” của cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết và học sinh lớp 3A2 Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Kiến An, Hải Phòng) rất thú vị.

Với mục tiêu củng cố và mở rộng vốn từ về từ chỉ đặc điểm: hình dáng, kích thước, màu sắc, âm thanh, hương vị; giúp học sinh biết sử dụng các từ chỉ đặc điểm để hoàn thiện câu, cô giáo Tuyết đã áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy sáng tạo, tích hợp kỹ năng của một số môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh.

Từ đó, phát triển năng lực tự chủ, tự học (lắng nghe, viết bài đúng, kịp thời và hoàn thành các nội dung trong sách giáo khoa; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo (tham gia trò chơi, vận dụng); năng lực giao tiếp và hợp tác (tham gia làm việc nhóm trong các hoạt động học tập) và phát triển năng lực ngôn ngữ.

Đồng thời, rèn cho học sinh phẩm chất yêu nước (trân trọng và giữ gìn cảnh quan xung quanh) cũng như phẩm chất chăm chỉ (tự giác hoàn thành các công việc được giao).

Trong phần khởi động tiết học, cô giáo Tuyết và học sinh hát và nhảy bài “Đường và chân” nhằm mang đến không khí hào hứng khi bắt đầu giờ học, đồng thời tạo sự kết nối từ bài đọc trước để dẫn dắt vào bài học hôm nay.

Tiếp đó, khi hướng dẫn học sinh thực hiện 3 bài tập, cô giáo Tuyết đã sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, tự làm đồ dùng dạy học đơn giản nhằm phát huy năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề.

Về năng lực giao tiếp, hợp tác, cô cho học sinh tham gia các hoạt động trao đổi, thảo luận theo nhóm đôi, nhóm 6, chia sẻ kết quả thảo luận chung của nhóm.

Cô giáo cho học sinh tham gia các hoạt động trao đổi, thảo luận theo nhóm (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo cho học sinh tham gia các hoạt động trao đổi, thảo luận theo nhóm (Ảnh: Phạm Linh)

Bên cạnh đó, cô còn đưa thêm các hình ảnh thực tế và những câu hỏi gợi mở về chủ đề “con đường” để giúp học sinh tìm và nêu thêm các từ chỉ đặc điểm, mở rộng vốn từ cho học sinh, viết được các câu nêu đặc điểm theo đúng yêu cầu.

Cô giáo Tuyết giao bài tập cho học sinh thực hiện với mong muốn giúp các em tự ý thức cũng như phát triển được vốn từ chỉ đặc điểm, câu nêu đặc điểm cùng các kỹ năng của bản thân thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ xuyên suốt trong chủ điểm “Cổng trường rộng mở”.

Học sinh dán từ lên cây do cô giáo chuẩn bị (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh dán từ lên cây do cô giáo chuẩn bị (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh tự thuyết trình về kết quả thảo luận, tìm từ đặc điểm của nhóm (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh tự thuyết trình về kết quả thảo luận, tìm từ đặc điểm của nhóm (Ảnh: Phạm Linh)

Cuối bài học, học sinh hào hứng giới thiệu khung cảnh con đường, cảm xúc của bản thân khi đến trường bằng các hình thức khác nhau.

Một số em lại lựa chọn chụp ảnh, vẽ tranh và cùng nhau giới thiệu bằng cả Tiếng Việt và Tiếng Anh.

Điều đặc biệt trong tiết học của cô giáo Tuyết, học sinh không chỉ biết dùng từ, viết câu nêu đặc điểm mà còn biết tích hợp các môn học một cách linh hoạt hiệu quả như kỹ năng hát ở phần khởi động, vẽ tranh và Tiếng Anh trong phần thực hiện dự án.

Học sinh được tích cực phát triển vốn từ (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh được tích cực phát triển vốn từ (Ảnh: Phạm Linh)

Theo đánh giá của Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hiền Lương - Chủ biên môn Tiếng Việt – Bộ sách Kết nối tri thức, tiết học của cô giáo Tuyết và học sinh là một tiết học có tính trực quan cao và rất thông minh.

“Với học sinh tiểu học thì tính trực quan rất quan trọng, nếu cứ nói mấp mô, gồ ghề hay trơn trượt chung chung, học sinh sẽ quên kiến thức rất nhanh.

Trong tiết học, cô giáo đã đưa hình ảnh một con đường và cho học sinh có sự quan sát, đánh giá và tìm từ chỉ đặc điểm. Từ đó, sẽ làm cho các em nhớ rất lâu và mở rộng vốn từ một cách tích cực cho học sinh.

Tôi cho rằng đây là tiết học thông minh vì học sinh được chia theo nhóm. Mỗi nhóm sẽ tự tìm ra các từ chỉ đặc điểm sau đó xếp vào trong các giỏ về màu sắc, âm thanh hay hương vị. Như vậy, các em không chỉ tìm được từ chỉ đặc điểm mà còn biết từ mình tìm là màu sắc, âm thanh hay hương vị.

Tiếp đó, học sinh sẽ tự dán hình lên cây mà cô giáo chuẩn bị và đọc to trước lớp những từ chỉ đặc điểm mà nhóm tìm được, các bạn ngồi nghe sẽ nhận xét và bổ sung thêm từ chỉ đặc điểm. Thông qua đó, mở rộng vốn từ tích cực cho học sinh”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hiền Lương nhấn mạnh.

Phạm Linh