Thông tin trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học theo định hướng tự chủ” do Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức ngày 6/10 tại Huế.
Các trường tự chủ đối mặt với khoản truy thu thuế “khổng lồ”
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Phó giáo sư Võ Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, hiện chúng ta đang bắt đầu sửa Luật đất đai để trình lên Quốc hội.
PGS Võ Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, cần đưa vấn đề quy định thu tiền đất của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ ra khỏi Luật đất đai. Ảnh: Doãn Nhàn |
“Hiện nay quy định là phải thu tiền thuê đất của các trường đại học. Do đó, năm 2021, Bộ Tài chính đã có công văn số 13704 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc: “thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính”.
Mà số tiền này rất lớn, nếu truy thu thì các trường đại học tự chủ sẽ phải nộp vào ngân sách số tiền khổng lồ”.
Cũng theo thầy Minh, đây là một vấn đề thách thức rất lớn cho các trường bởi công văn đã ban hành và hiện các địa phương đang thúc đẩy việc truy thu này.
Vấn đề này từng được Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam đề cập trong bài viết "Lấy lý do đã tự chủ, trường đại học bị “đòi” hàng chục tỷ đồng tiền thuê đất" được đăng tải ngày 16/8/2022.
Trong đó, đề cập đến việc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) - một trong 23 cơ sở giáo dục đại học thực hiện thí điểm tự chủ đại học từ 2017 nhận được công văn buộc phải nộp hàng chục tỷ đồng tiền sử dụng đất cho diện tích khoảng 4,7ha mà trường đang đóng chân.
Lãnh đạo nhà trường khi chia sẻ với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, đã “sốc” khi nhận được công văn truy thu này. Không chỉ vì nó là số tiền lớn đối với một trường đại học mà nhận thức về tự chủ đại học phải chăng đang bị hiểu sai.
Trong đó, vấn đề tự chủ không phải là tách ra khỏi hệ thống nhà nước, bị cắt hết các khoản đầu tư… mà nhà trường vẫn rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước để phát triển.
Phải lên tiếng để sửa Luật
Để giải quyết vấn đề này, thầy Minh nói: “Trong công văn của Bộ Tài chính cũng có nói là nếu có vướng mắc thì báo cáo Bộ để có hướng dẫn, điều chỉnh.
Nhưng quan trọng nhất là trong Luật đất đai sửa đổi sắp tới, chúng ta phải có ý kiến, có tiếng nói để đưa vấn đề quy định thu tiền thuê đất của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ ra khỏi Luật. Như vậy mới thể hiện được giáo dục là quốc sách hàng đầu và có những quyết sách quan trọng, phát triển”.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho hay, bản thân trường này cũng đang làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Theo quy định của Luật thì phải đóng thuế đất nhưng hiện chúng tôi cũng chưa đóng. Nếu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có quyền thực hiện các hoạt động liên doanh, liên kết…
Mới đây, khi chúng tôi vừa có ý định liên doanh với doanh nghiệp bên ngoài để làm dịch vụ phục vụ sinh viên thì Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã nhắc nhở, nếu xây dựng ra mặt tiền sẽ bị phạt. Nên vấn đề sở hữu đất đai của các trường đại học tự chủ cũng đang vướng rất nhiều”, cô Phương nói.