Điển hình như: thẩm quyền của Hội đồng trường là phê duyệt tất cả danh mục đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư có tổng mức trên 15 tỷ đồng.
Đó là quan điểm của Tiến sĩ Bùi Quang Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tại tọa đàm “phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học theo định hướng tự chủ” do Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức ngày 6/10 tại Huế.
Phân cấp, phân quyền rõ ràng giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường
Theo Tiến sĩ Hùng, trên cơ sở các Nghị quyết, Luật và các Nghị định hướng dẫn từ năm 2014 đến nay đã có mở ra cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Tiến sĩ Bùi Quang Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng quy định nội bộ tài chính, tài sản. Ảnh: AN |
Nhiều nội dung, quy định mang tính đột phá đã tạo điều kiện cho các trường phát huy tối đa nguồn lực trong chiến lược phát triển đặc biệt là tự chủ về tài chính, tài sản.
Các trường tự chủ đã được giao nhiều quyền hơn nữa trong các lĩnh vực, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính nên đã chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường.
“Từ thực tế đó có thể thấy rằng để thực hiện tốt quyền tự chủ về tài chính, tài sản thì một cơ sở giáo dục phải ban hành hệ thống các quy chế, quy định làm cơ sở thực hiện gồm: quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế, quy định nội bộ về tài chính, tài sản nhằm thực hiện các quyền tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Các quy định nội bộ về tài chính, tài sản cần được xây dựng không chỉ bao quát mọi hoạt động của đơn vị mà còn phải cụ thể đến từng nội dung nhằm cụ thể hóa các quy định làm cơ sở thực hiện.
Trong đó quy chế quản lý tài chính, quy chế đầu tư và quy chế chi tiêu nội bộ là các quy định có tầm quan trọng rất lớn và mang tính quyết định trong việc quản lý tài chính, tài sản”, thầy Hùng nói.
Từ thực tiễn xây dựng các quy định nội bộ về tài chính, tài sản tại Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, thầy Hùng cho rằng, những quy định về tài chính, tài sản phải chặt chẽ để huy động được nguồn lực từ bên trong và bên ngoài nhà trường.
“Quy định nội bộ về tài chính, tài sản phải có để làm hành trang pháp lý khi thực hiện thí điểm tự chủ của nhà trường từ năm 2015 đến nay. Ngay cả từ việc thành lập một đơn vị (phân hiệu) tại Vĩnh Long của trường thì phải rà soát các quy định về tài chính, tài sản để vận hành tốt nhất, tránh các sai sót.
Với việc vận hành 3 trường thành viên thì việc hoạt động như thế nào, quản lý tài chính ra sao…. đều cần phải có quy định cụ thể”, thầy Hùng nói.
Nhà trường cũng đã xây dựng nhiều quy chế, trong đó có quy chế hoạt động trường bao gồm: quy định nội bộ về tài chính, tài sản, quy chế về tài chính, mua sắm, quy chế về mua sắm tài sản công… để đáp ứng nhu cầu vận hành của nhà trường.
Cũng theo thầy Hùng, trong quy chế về tài chính, tài sản của trường cũng quy định rất rõ về quyền và thẩm quyền của các cá nhân, tổ chức trong đơn vị trong việc thực hiện các nội dung về quản lý tài chính, tài sản cũng như hoạt động mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản.
Quan trọng nhất trong quy chế này là quy định thẩm quyền nào thuộc về Hội đồng trường và cái nào thuộc về Hiệu trưởng.
Thẩm quyền của Hội đồng trường là ban hành uy chế tài chính để quy định việc hình thành, sử dụng và quản lý các nguồn lực tài chính; chính sách học phí, hỗ trợ người học. Quyết định nội dung và mức chi dự kiến từ nguồn thu hợp pháp, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý theo quy định của quy chế chi tiêu nội bộ của trường...
Còn thẩm quyền của Hiệu trưởng gồm: Quản lý và tổ chức thực hiện các quy định về tài chính, quản lý và sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật; Quyết định các mức thu cụ thể về học phí theo lộ trình và các khoản thu khác theo thẩm quyền; Quyết định dự án đầu tư, mua sắm và sử dụng tài sản theo thẩm quyền...
Trong quy định việc thực hiện, quản lý dự án đầu tư thì nhà trường cũng phân cấp rõ ràng giữa thẩm quyền về danh mục đầu tư, chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và tổ chức triển khai dự án đầu tư của Hội đồng trường và Hiệu trưởng.
Điển hình như: thẩm quyền của Hội đồng trường là phê duyệt tất cả danh mục đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư có tổng mức trên 15 tỷ đồng. Còn thẩm quyền của Hiệu trưởng là phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án có hạn mức được ủy quyền, dự án có mức dưới 15 tỷ đồng và dự án không có cấu phần xây dựng…
Bài học chung xây dựng quy định về tài chính, tài sản
“Với hệ thống các quy định, quy chế về quản lý tài chính, tài sản nội bộ giúp hoạt động quản lý tài chính, tài sản của đơn vị được thực hiện đúng các quy định pháp luật và công khai minh bạch, linh hoạt điều chỉnh theo tình hình trong từng giai đoạn phát triển.
Các thành viên tham gia tọa đàm của Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường. Ảnh: AN |
Phát huy tối đa quyền tự chủ trong quản lý tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học. Huy động nguồn lực trong và ngoài trường phục vụ… Ổn định và đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu phát triển của Trường trong các giai đoạn”, thầy Hùng nói.
Từ quá trình triển khai, thầy Hùng cũng nêu lên những bài học kinh nghiệm cho các cơ sở giáo dục đại học khác khi xây dựng các quy định nội bộ về tài chính, tài sản. Đó là những quy định nêu trên phải được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, hiệu quả, linh hoạt, nhân văn.
“Tính nhân văn trong việc xây dựng các quy định này luôn được nhà trường chú trọng vì khi một chính sách ra đời sẽ ảnh hưởng đến từng cá nhân. Ví dụ như khi xây dựng quy định về tài chính thì sẽ xảy ra tình trạng có người được tăng thêm thu nhập, có người giảm.
Nhưng chủ trương của nhà trường là phải tăng đều, hoặc phải có khoản bù vào hợp lý để không ai bị thiệt thòi khi quy định được áp dụng”, thầy Hùng phân tích.
Từ đó, Tiến sĩ Hùng cho rằng, công tác xây dựng và ban hành các quy chế tài chính, các quy định nội bộ về tài chính, tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động quản lý tài chính, tài sản tại đơn vị.
Giúp đơn vị thực hiện thực hiện đầy đủ các quyền tự chủ trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật nhà nước.
Ngoài ra, các quy chế, quy định đảm bảo tính đồng bộ và áp dụng thống nhất trong toàn đơn vị, đảm bảo sự công khai minh bạch và phát huy tối đa quyền làm chủ của tập thể.