Trong loạt bài viết về Cử nhân quốc tế bức xúc "tố" trường ĐH Kinh tế Quốc dân giữ bằng tốt nghiệp, đã phản ánh về việc nhà trường không trả bằng do tân cử nhân không có chứng chỉ tiếng Anh đầu vào theo Nghị định 86/2018 của Chính phủ (chứng chỉ Bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, hoặc có IELTS 5.5/TOEFL 500).
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, tại thông báo tuyển sinh chương trình cử nhân quốc tế khóa 14 vào tháng 4/2018 do PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có nêu quy chế tuyển sinh với 3 nhóm đối tượng, nhưng không có sự thống nhất về yêu cầu tiếng Anh đầu vào.
Cụ thể, đối với nhóm đối tượng 1 (đối tượng đăng kí xét tuyển trước kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018), nhà trường yêu cầu thí sinh phải có điểm IELTS 6.0 trở lên.
Đối với nhóm đối tượng tuyển sinh 1 và 2, nhà trường yêu cầu các thí sinh phải có IELTS 6.0. (Ảnh: cắt từ màn hình) |
Với nhóm đối tượng 2 (xét tuyển sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018), điều kiện dự tuển giống như nhóm đối tượng 1.
Tuy nhiên, với nhóm đối tượng 3 (xét tuyển sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018), điều kiện dự tuyển có phần thấp hơn so với hai đối tượng trên.
Theo đó, nhà trường yêu cầu thí sinh phải có điểm trung bình lớp 12 tối thiểu là 6,5/10 (trong khi đó hai nhóm đối tượng còn lại phải từ 8,0/10 điểm trung bình, và không có môn nào dưới 5,0/10...).
Trong khi đó đối với đối tượng nhóm 3, nhà trường lại không yêu cầu thí sinh phải có IELTS 6.0. (Ảnh: cắt từ màn hình) |
Đồng thời, nhà trường không yêu cầu nhóm đối tượng này phải có IELTS 6.0 trở lên, mà chỉ kiểm tra tiếng Anh gồm kĩ năng nghe, đọc, viết và ngữ pháp theo trình độ tiếng Anh bậc trung học phổ thông.
Tại Quy định đào tạo của Chương trình cử nhân Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ngày 4/10/2021 (ban hành kèm theo Quyết định số 1711/QĐ-ĐHKTQD ngày 4/10/2021 của Hiệu trưởng PGS.TS Phạm Hồng Chương đã ký), nêu chương trình đào tạo, các sinh viên chương trình cử nhân quốc tế trên trong năm nhất sẽ được đào tạo tiếng Anh theo chương trình của Trường Quốc tế TEG, Singapore và các môn cơ sở; sinh viên sẽ học chuyên ngành từ năm 2 đến năm 4.
"Hoàn thành hết giai đoạn 1 (hết năm nhất) sẽ nhận chứng chỉ tiếng Anh cấp độ 4 của Trường quốc tế TEG, Sigapore", nhà trường nêu thông tin trong phần về phần bằng cấp.
Đáng nói, nhà trường cũng lưu ý quy định theo người học là "mập mờ" về việc các sinh viên phải hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh quốc tế 6.0 hoặc tương đương khi học tại trường: "Từ năm 2016, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để được công nhận văn bằng giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, sinh viên cần hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.0 hoặc tương đương trong thời gian học tập tại Chương trình".
Lưu ý tại thông báo tuyển sinh trên của nhà trường, đã không thông báo cụ thể về nhóm đối tượng nào phải hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.0 hoặc tương đương. Trong khi đó, tất cả sinh viên trên đều học chương trình quốc tế.
Trong khi đó, Nghị định 73/2012/NĐ-CP về Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục [2], quy định trình độ ngoại ngữ đối với liên kết đào tạo trình độ đại học thì đối tượng tuyển sinh phải có trình độ B2 theo Khung tham chiếu chung châu Âu về năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương.
Hay như Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục [3] ban hành ngày 6/6/2018, lại có quy định với trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Có hay không việc không đảm bảo điều kiện trình độ ngoại ngữ đầu vào?
Thông tin với báo Đại biểu Nhân dân, bà Trịnh Thị Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế Trịnh Thu Giang cho hay, đối với Đề án của Chương trình cử nhân quốc tế, sinh viên chưa có chứng chỉ tiếng Anh đạt yêu cầu (IELTS 6.5 hoặc IELTS 7.0 tùy theo giai đoạn) cần hoàn thành chương trình học tiếng Anh TEG và có chứng chỉ tiếng Anh TEG Level 4 do đối tác TEG/TMC Singapore cấp.
"Đây là điều kiện đầu vào tiếng Anh của giai đoạn chuyên ngành theo yêu cầu của các đối tác nước ngoài cấp bằng (gồm các trường ĐH Sunderland, ĐH West of England, ĐH Coventry – Vương quốc Anh) [1]", bà Giang cho hay.
Đáng nói, theo tìm hiểu của phóng viên, liên quan đến chương trình liên kết quốc tế tại Nghị định 73/2012/NĐ-CP năm 2012 và Nghị định 86/2018/NĐ-CP năm 2018, đã có quy định về việc tuyển sinh đầu vào chương trình liên kết đào tạo quốc tế, thí sinh phải có trình độ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
"Sau khi những Nghị định nêu trên được ban hành, sinh viên của Chương trình IBD@NEU vẫn được Trung tâm Công nhận Văn bằng, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cấp chứng chỉ công nhận văn bằng cho đến cuối năm 2020 [1]", bà Giang nói.
Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế cũng thông tin trên Báo Đại biểu Nhân dân rằng, ngày 30/3/2021, Cục Quản lý chất lượng có công văn số 231/QLCL-CNVB về việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh TEG gửi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Cụ thể, Cục chỉ công nhận văn bằng đối với sinh viên nhập học chương trình bồi dưỡng tiếng Anh TEG từ năm 2016 trở về trước. Đối với sinh viên nhập học từ thời điểm 2017 trở lại đây phải đáp ứng quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ.
Như vậy, theo công văn trên, chứng chỉ TEG Level 4 chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đảm bảo đủ trình độ bậc 4/6 theo Khung tham chiếu ngoại ngữ Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung trên, một cử nhân quốc tế tỏ ra bức xúc về việc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh đầu vào chương trình liên kết với nước ngoài không theo Nghị định 73/2012/NĐ-CP cũng như quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP khiến người học rơi vào tình cảnh dở dang.
Cử nhân này cũng đặt câu hỏi, tại sao chứng chỉ TEG Level 4 theo thông báo của Cục Quản lý chất lượng vào tháng 3/2021 là chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đảm bảo đủ trình độ bậc 4/6 theo Khung tham chiếu ngoại ngữ Việt Nam. Vậy tại sao tại Quy định đào tạo của Chương trình cử nhân Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ngày 4/10/2021 (ban hành kèm theo Quyết định số 1711/QĐ-ĐHKTQD ngày 4/10/2021 của Hiệu trưởng PGS.TS Phạm Hồng Chương đã ký), nhà trường vẫn đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra, giám sát quá trình tuyển sinh của nhà trường như thế nào trong suốt thời gian qua?
"Chúng tôi là những người thuộc nhóm đối tượng 3, không phải nộp chứng chỉ IELTS 6.0 hoặc tương đương để xét tuyển vào trường. Đây là chủ trương tuyển sinh của nhà trường, không thể bắt chúng tôi phải gánh chịu hậu quả. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa lấy bằng, bởi nhà trường vẫn chưa có lời xin lỗi công khai", cử nhân này chia sẻ.
Các quy định của Chính phủ đều quy định rất rõ về điều kiện trình độ ngoại ngữ của đối tượng tuyển sinh. Vì thế, nhiều chuyên gia đã nhắn gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chuyển tới Bộ Giáo dục câu hỏi là nếu điều kiện về trình độ ngoại ngữ có sự mập mờ như vậy thì chất lượng đào tạo chương trình liên kết của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực sự đến đâu? Bộ cần làm rõ bởi không phải người học nào cũng đủ trình độ, hiểu biết để đánh giá được các chương trình liên kết của các trường đại học. Bộ Giáo dục cũng cần rà soát lại toàn bộ điều kiện tuyển sinh, chất lượng các chương trình liên kết quốc tế thực sự đến đâu.
Link bài viết tham khảo:
[1]: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/sinh-vien-cu-nhan-quoc-te-ibd-bi-giu-bang-tot-nghiep-truong-dh-kinh-te-quoc-dan-noi-gi--i303107/
[2]: https://vbpl.vn/bogiaoducdaotao/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=27848
[3]: https://vbpl.vn/bogiaoducdaotao/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=131026