ĐH Kinh tế Quốc dân đã trả bằng nhưng vẫn nợ chúng tôi quyền lợi và lời xin lỗi

07/10/2022 06:26
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các cử nhân quốc tế đã được trả bằng nhưng những khiếu nại đòi lại quyền lợi nhưng vẫn chưa được nhà trường xử lý.

Liên quan đến sự việc Cử nhân quốc tế bức xúc "tố" trường ĐH Kinh tế Quốc dân giữ bằng tốt nghiệp, theo thông tin mới nhất phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được từ các cử nhân, nhà trường đã trao bằng cho các cử nhân vào thứ Hai đầu tuần này(ngày 3/10).

Tuy nhiên, các cử nhân vẫn chưa đồng tình với cách giải quyết của nhà trường, bởi còn thiếu sự bồi thường và xin lỗi công khai về việc giữ bằng tốt nghiệp của họ.

"Chúng tôi đã gửi nội dung khiếu nại trên đến Hiệu trưởng nhà trường là thầy Phạm Hồng Chương nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời", cử nhân thông tin.

Theo đó, các cử nhân đã gửi nội dung 3 câu hỏi đến lãnh đạo nhà trường:

"Tại sao trước đây nhà trường nói không trả bằng cho chúng em vì chúng em sai luật, nhưng giờ lại gọi chúng em lên trả bằng?

Nếu việc nhà trường gửi Thư mời chúng em lên nhận bằng là đúng, điều đó đồng nghĩa với việc nhà trường đã nhận sai trước đơn khiếu nại của chúng em đã gửi. Trong trường hợp này, chúng em yêu cầu nhà trường phúc đáp lại đơn của chúng em theo đúng quy trình của pháp luật bằng văn bản có hiệu lực pháp lý. Đồng thời nêu rõ quyết định cuối cùng của Nhà trường đối với các sinh viên có trường hợp như chúng em.

Thêm vào đó, chúng em yêu cầu Nhà trường có thêm văn bản xin lỗi công khai tới toàn bộ sinh viên...

Việc nhà trường không trao bằng cho chúng em trong hai tháng qua, dẫn tới nhiều hệ lụy về tinh thần và vật chất. Hơn nữa chúng em phải thuê cả luật sư để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Chúng em yêu cầu nhà trường bồi thường cho chúng em một cách thỏa đáng".

Hình ảnh nội dung câu hỏi được gửi đến PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NVCC)

Hình ảnh nội dung câu hỏi được gửi đến PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NVCC)

Theo chia sẻ của các cử nhân, Vụ giáo dục Đại học cũng đã gửi thông tin "trấn an" các cử nhân.

Nội dung mail trả lời của lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học gửi đến các cử nhân quốc tế bị giữ bằng tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC)
Nội dung mail trả lời của lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học gửi đến các cử nhân quốc tế bị giữ bằng tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC)

"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương chỉ đọa và làm việc trực tiếp với Nhà trường, về trường hợp chương trình đạo tạo cụ thể của các bạn. Trường đã có báo cáo ban đầu, đồng thời chịu trách nhiệm giải quyết tối ưu nhất, đảm bảo quyền lợi của người học, chắc chắn Nhà trường sẽ sớm liên lạc lại với các bạn về giải pháp đó. Sau khi giải quyết xong, trường cũng sẽ có báo cáo ngay về Bộ...".

Trước đó, trao đổi với phóng viên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay, vụ việc trên đã được Bộ họp với trường để đưa ra giải pháp, hiện đang đợi trường báo cáo.

Trước phản ánh về việc nhà trường không thông tin cho báo chí về vụ việc, Vụ trưởng cho hay: "Nhà trường đang giải quyết vụ việc, đồng thời cũng chưa báo cáo cho Bộ Giáo dục. Vụ việc chưa thể chia sẻ được, khi nào xử lý xong sẽ thông tin cho báo chí".

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, theo nội dung đơn phản ánh, những sinh viên trên đã hoàn thành chương trình Cử nhân Quốc tế và được trường Đại học West of England, Vương quốc Anh công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, 5 ngày trước lễ tốt nghiệp, Viện đào tạo Quốc tế cử người đại diện gọi điện, thông báo từ chối trả bằng cho sinh viên với lí do "sinh viên không có chứng chỉ tiếng Anh đầu vào theo Nghị định 86/2018 của Chính phủ".

Theo đó, nhà trường yêu các sinh viên khóa 14 phải có chứng chỉ Bậc 4 (khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) hoặc có IELTS 5.5/TOEFL 500, mới được nhận bằng tốt nghiệp.

Điều này khiến các sinh viên bức xúc vì kể từ khi nhập học đến thời điểm biết thông tin trên, sinh viên không hề nhận được bất cứ thông báo nào về việc trên.

"Trước đó vào tháng 5 và tháng 8/2022, nhà trường tổ chức thi chứng tiếng Anh IELTS 5.5/TOEFL 500 cũng không nhắc đến yêu cầu "chứng chỉ tiếng Anh đầu vào theo Nghị định 86/2018 của Chính phủ"", đơn của sinh viên nêu.

Sinh viên cho biết, khi vào học, họ được biết, theo chính sách của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khi trúng tuyển vào chương trình cử nhân quốc tế (IBD@NEU), nếu sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế IELTS 7.0 sẽ được miễn giai đoạn học tiếng Anh theo chương trình của Trường Quốc tế TEG của Singapore, và chỉ phải học các môn cơ sở cùng chuyên ngành.

Như vậy, nếu sinh viên chưa có chứng chỉ IELTS 7.0 sẽ phải học và thi đạt chứng chỉ tiếng Anh TEG cấp độ 4 mới đủ điều kiện theo học chuyên ngành.

"Chứng chỉ TEG cấp độ 4 được hiểu là tương đương với chứng chỉ IELTS 7.0, bởi nhiều sinh viên chỉ có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.5 vẫn buộc phải học TEG", trích nội dung đơn.

Theo đó, việc nhà trường yêu cầu sinh viên thi lấy chứng chỉ tiếng Anh bậc 4 hoặc IELTS 5.5/TOELF 500, trong khi sinh viên đã có chứng chỉ TEG Cấp độ 4 là hết sức mâu thuẫn với chính sách của nhà trường.

Trước đó, ngay khi nhận được đơn của các cử nhân quốc tế, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc và gửi giấy giới thiệu tại văn phòng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vào ngày 9/9. Tuy nhiên, sau đó khoảng 2 tuần, nhà trường vẫn không có liên hệ để thông tin về sự việc trên.

Phóng viên gọi điện nhắn tin cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng vị này không trả lời.

Tiếp đó, phóng viên nhắn nội dung liên quan đến vụ việc tới Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, vị này cho biết trong tuần (19-23/9) nhà trường sẽ có thông tin về vụ việc trên nhưng sau đó phóng viên không nhận được thông tin như Hiệu trưởng hứa hẹn.

Mạnh Đoàn