Cuối tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Theo đó, trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, giáo viên cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Điều này đang gây ra khó khăn đối với các em học sinh lớp 10, do đã quá quen thuộc với cách học cũ trong suốt hai cấp học trước. Tại nhiều trường trung học phổ thông, các thầy, cô giảng dạy đều đang đề ra các giải pháp hữu hiệu giúp các em vượt qua khó khăn ban đầu này.
Học sinh vốn quen cách học thụ động, khó đáp ứng được ngay yêu cầu dạng đề mới
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những khó khăn trong dạy và học môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Nguyễn Hải Anh - giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ:
“Lớp 10 năm nay là lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới và áp dụng đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn. Đã qua một tháng từ thời điểm bắt đầu năm học mới, vẫn có những em cảm thấy căng thẳng, áp lực vì không đáp ứng được yêu cầu của chương trình.
Với môn Ngữ văn, học sinh vốn quen cách học có phần thụ động ở cấp trung học cơ sở nên trong giờ học còn ngại phát biểu ý kiến, chủ yếu vẫn quen cách truyền tải thụ động, đọc - chép một chiều.
Với cách học ấy, các em sẽ không thể tự mình xử lý được thông tin từ các văn bản ngoài sách giáo khoa trong đề kiểm tra theo yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá".
Cô Nguyễn Hải Anh - giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: NVCC) |
“Để các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa trong đề kiểm tra không là rào cản với học sinh, các em cần ý thức được việc học văn không chỉ để đáp ứng điểm số trên lớp mà đó là quá trình bồi dưỡng tâm hồn, rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng tạo lập văn bản phù hợp với mục đích giao tiếp.
Đó là những kỹ năng thiết thực giúp các em có thêm hành trang vững chắc khi bước ra khỏi trường trung học phổ thông”, cô Nguyễn Hải Anh nói.
Bên cạnh đó, cô Hải Anh cũng đưa ra lời khuyên rằng các em phải nắm vững kiến thức ngôn ngữ, văn học và kỹ năng trình bày tương ứng với các dạng bài khác nhau.
Đồng thời, phải tích cực đọc sách để làm phong phú thêm cảm xúc, tâm hồn mình; tăng cường trải nghiệm, tích lũy vốn sống để có thể cảm nhận được giá trị nội dung và nghệ thuật của một văn bản văn học bất kỳ.
Để khắc phục những khó khăn của học sinh trong giai đoạn ban đầu tiếp xúc với chương trình mới, tổ bộ môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều đã xây dựng kế hoạch dạy học sát với mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.
Bên cạnh các giờ đọc - hiểu văn bản như chương trình cũ, học sinh có thêm các tiết thực hành, tự học, tự đánh giá để rèn luyện khả năng tiếp cận văn bản văn học.
Đặc biệt với số tiết thực hành tăng lên, học sinh được luyện viết, luyện nói, trình bày ý kiến của mình sẽ giúp các em tự tin, trau dồi khả năng sử dụng từ ngữ, khả năng diễn đạt để có được hiệu quả giao tiếp.
Nên có một bộ đề văn mẫu theo yêu cầu kiểm tra, đánh giá mới
Chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình giảng dạy môn Ngữ văn theo chương trình mới, cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết, giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Lâm nghiệp, huyện Chương Mỹ, Hà Nội nêu ý kiến:
“Vừa qua, ban lãnh đạo trường tôi cũng đã lập bảng khảo sát ý kiến của giáo viên từ khi giảng dạy theo chương trình mới, gặp những vấn đề khó khăn gì để có những giải pháp khắc phục, giúp đỡ thầy và trò nhà trường đạt được kết quả học tập tốt nhất.
Trong đó, tôi đã đóng góp ý kiến là mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có bộ đề kiểm tra/bộ đề thi mẫu để giáo viên dễ dàng định hướng, có thể dựa vào để xây dựng đề kiểm tra, đánh giá cũng như ôn tập cho học sinh”.
Cũng theo cô Tuyết chia sẻ, bộ đề mẫu này không chỉ dành riêng cho mỗi học sinh khối 10 mà nên là cả cấp trung học phổ thông, trong đó có mẫu đề thi tốt nghiệp.
Bởi lẽ, các học sinh nên được định hướng, làm quen với cấu trúc đề ngay từ khi học lớp 10 để không bỡ ngỡ khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tham gia tuyển sinh đại học.
Giáo viên môn Ngữ văn mong muốn có bộ đề kiểm tra/bộ đề thi mẫu để dễ dàng định hướng, dựa vào để xây dựng đề cũng như ôn tập cho học sinh. Ảnh minh họa: nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam |
Bên cạnh đó, cô Tuyết cho biết thêm, trong chương trình mới môn Ngữ văn, phần mà bản thân cô cảm thấy sẽ giúp ích cho học sinh nhiều nhất là các em được bổ sung thêm kỹ năng về thuyết trình và phản biện.
Tuy nhiên, trong bài kiểm tra lớn sắp tới của trường là bài kiểm tra giữa kỳ sẽ chưa có phần thuyết trình, phản biện này bởi nó đòi hỏi phải cần thêm nhiều thời gian để đầu tư và nghiên cứu.
Nếu có thể kiểm tra thêm khả năng đó của học sinh trong các bài kiểm tra giữa kỳ hoặc cuối kỳ sẽ rất hay. Qua đó đánh giá được toàn diện về các kỹ năng trong môn Ngữ văn như: năng lực học tập, khả năng phản biện, trình bày của các em.
Về những khó khăn trong quá trình học và kiểm tra của học sinh, cô Tuyết cho rằng: yêu cầu về bài kiểm tra môn Ngữ văn năm nay là không sử dụng ngữ liệu gồm các văn bản đã có trong sách giáo khoa nhưng vẫn nằm trong thể loại các em đã được học trên lớp.
Theo chương trình mới này, việc các em học tác phẩm chỉ là ví dụ để hiểu về đặc trưng của thể loại. Vậy nên, nếu các em học sinh có khả năng vận dụng tốt vẫn có thể làm bài tốt, thậm chí là khi quen với chương trình học còn có khả năng đạt điểm cao hơn so với trước kia.
Cô Tuyết và các thầy cô bộ môn, lãnh đạo nhà trường đều mong rằng, qua kết quả của đợt kiểm tra giữa kỳ đầu tiên sắp tới sẽ giúp nhà trường, các thầy, cô nhìn được rõ hơn những khó khăn của học sinh trong việc triển khai chương trình mới để có thể đưa ra những giải pháp cần thiết và tốt nhất cho các em.